“Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại” bao trùm lịch sử trái đất, lịch sử nhân loại và lịch sử môi trường, khí hậu trong 4,5 tỷ năm qua.
Như Frankopan nêu ra, cuốn sách có ba mục đích. Thứ nhất, đưa khí hậu vào trong câu chuyện của quá khứ như một chủ đề cơ sở, mang tính cốt yếu và thường bị bỏ qua trong lịch sử toàn cầu. Chẳng hạn, cuốn sách cho biết, “Các ghi chép về lễ hội hoa anh đào ở Nhật Bản có từ thế kỷ thứ IX và ghi lại ngày các cây anh đào ra hoa, giúp xác định thời điểm mùa xuân đến của từng năm trong thời gian nhiều thế kỷ. Sổ ghi chép của những người điều hành bến cảng Tallinn, Estonia, suốt 500 năm qua cho biết thời điểm những con tàu đầu tiên xuất hiện mỗi năm, và do đó không chỉ cho biết khi nào biển băng tan, mà còn cho thấy các mô hình mùa xuân dài và ấm hơn. Gỗ trôi dạt từ quần đảo Svalbard ở Bắc Cực cho thấy sự xuất hiện của băng biển trong khoảng năm 1600 đến năm 1850, điều này chỉ ra những mô hình thời tiết bất thường trong giai đoạn này.”
Thứ hai, trình bày về tác động của con người với thế giới tự nhiên qua nhiều thiên niên kỷ và xem xét cách thức loài người chúng ta khai thác, nhào nặn và uốn nắn môi trường theo ý chí của mình, cả mặt tốt lẫn mặt xấu.
Thứ ba, mở rộng tầm nhìn của chúng ta về lịch sử. Nghiên cứu về quá khứ từng bị thống trị bởi sự chú ý dành cho những xã hội giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ, còn lịch sử của các châu lục và khu vực khác thường bị xếp vào mức độ quan trọng thứ yếu hoặc bỏ qua hoàn toàn.
Cuốn sách chứa nhiều tư liệu tranh ảnh phong phú, bao gồm: 15 bản đồ, nổi bật như bản đồ thể hiện sự phân tán của con người từ khoảng 200.000 năm trước, bản đồ về sự phân tán của tôn giáo và đại dịch cái chết đen; cùng 38 tranh ảnh in màu với những hình ảnh về công trình định cư quy mô lớn từ 2.500 trước - cho thấy con người có khả năng xây dựng thành phố lớn như thế nào…
Cuốn sách gồm 24 chương, có thể chia thành ba phần chính:
Lịch sử loài người và môi trường tự nhiên: Khi kể về lịch sử loài người, Frankopan đã làm nổi bật các yếu tố địa chất, trên vũ trụ và ngầm dưới lòng đất to lớn đã tạo ra nơi thích hợp để chúng ta tồn tại. Ông lưu ý rằng ngay từ đầu, loài người đã nhận thức được cơ may sống sót có mối liên hệ với cách đối xử với môi trường tự nhiên.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế: Ông không cố gắng coi sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế là hoàn toàn do điều kiện khí hậu, thay vào đó giải thích việc mất mùa nhiều lần, lũ lụt hoặc hạn hán kéo dài đã tạo thêm căng thẳng cho các hệ thống vốn đã bất bình đẳng và phân cấp như thế nào.
Một bài học mà nhân loại đã lãng quên: Cuốn sách thể hiện một cách rõ ràng tầm quan trọng của các kiểu khí hậu, môi trường và thời tiết trong việc ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử loài người. Cuốn sách cũng nhấn mạnh, đôi khi chỉ cần một thảm họa thiên nhiên lớn, như thiên thạch va chạm hay đại hồng thủy - những sự kiện có thể đã bị quên lãng trong tâm trí con người, nhưng từng diễn ra suốt thời gian tồn tại của hành tinh - đều có thể biến mọi thứ thành tro bụi.
"Điều đặc biệt của cuốn sách này là tác giả lý giải sự trỗi dậy, sụp đổ và thay thế các đế chế, các cường quốc dưới ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu," nhà hoạt động môi trường Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live and Learn, bình luận. Live and Learn là một trong ba tổ chức hợp tác với Omega+, đơn vị xuất bản cuốn sách ở Việt Nam, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. "Qua hơn 800 trang sách, Peter Frankopan là bậc thầy kể chuyện với những ví dụ sinh động về các sự kiện khí hậu tác động như thế nào đối với lịch sử loài người, mạng lưới giao thương hàng hóa, tương tác giữa các nền văn hóa và cả lan truyền bệnh tật, tôn giáo, chiến tranh, xung đột."
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Long, người dịch nhiều sách khoa học, chia sẻ, "Điều gây ấn tượng đối với một người đọc Việt Nam như tôi, là trình độ khoa học tiên tiến được áp dụng vào đây để đưa ra những dẫn liệu cụ thể, có khi khá chi tiết, về nhiệt độ khí quyển và đại dương, thời tiết nóng lạnh, lượng mưa, hạn hán, hoạt động núi lửa, băng hà, cây cỏ, nhân khẩu,… của các khu vực trong mỗi thời kỳ, qua đó soi vào lịch sử và thận trọng rút ra kết luận, chứ không phải những nhận xét, giả định, luận thuyết chung chung mà chúng ta vẫn gặp trong việc mô tả lịch sử theo lối mòn quen thuộc."