Trong các tác phẩm của mình, Charles Dickens đã có những mô tả chính xác đến kinh ngạc về một số căn bệnh, từ đó hỗ trợ rất nhiều cho các tiến bộ trong y học. Vì vậy, một triển lãm ở London đã được tổ chức để tôn vinh những đóng góp của ông.
Cậu bé Joe “béo”, người đưa thư trong tác phẩm Pickwick Papers (Cuộc phiêu lưu của ông Pickwick, 1837), được tả là “luôn buồn ngủ … ngay cả khi đang làm việc vặt, và thường xuyên ngáy mỗi khi ngồi đợi ở bàn”. Chứng “ngủ gà ngủ gật” của cậu bé chạy việc chỉ là một chi tiết hài hước thường thấy trong tiểu thuyết đầu tay của Dickens, nhưng lại trở thành nguồn cảm hứng cho một bước đột phá lớn trong khoa học về giấc ngủ.
Những triệu chứng tương tự sau này đã được các bác sỹ người Mỹ đặt tên là “Hội chứng Pickwick” – nay là chứng thở chậm do béo phì gây nên. Tình trạng béo phì nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, dẫn tới hội chứng hay ngủ ngày. Và đây cũng là một ví dụ điển hình được trưng bày trong buổi triển lãm mang tên Charles Dickens – nhà văn, người đàn ông của khoa học, vì các mô tả bệnh lý trong nhiều tác phẩm của ông đã dự đoán đúng, thậm chí truyền cảm hứng cho nhiều tiến bộ y học sau này.
“Dickens quả thực đã quan sát hành vi con người sắc sảo đến khó tin”, Frankie Kubicki – nhân viên quản lý tại Bảo tàng Charles Dickens – nhận định. “Ông đã ghi lại những điều ấy trong các tác phẩm của mình hoàn hảo đến nỗi có thể giúp xây dựng nên mối liên hệ giữa các căn bệnh với triệu chứng của chúng.”
Những mô tả sinh động lạ thường của Dickens cũng từng được đề cập đến trong tiểu sử tác giả, số đầu tiên của Tạp chí Y học Anh Quốc (năm 1870), rằng: “Không ai, trừ các thầy thuốc, có thể đánh giá với độ chính xác hiếm có như cách ông đã mô tả những con đường loanh quanh giữa căn bệnh với cái chết”. Thậm chí, trong một vài trường hợp, các triệu chứng do Dickens mô tả hiện vẫn chưa được giới y học nhận định. Chẳng hạn, trong tác phẩm Dombey và Con trai, “căn bệnh cuối cùng” khiến bà Skewton không thể nói và liệt nửa người bên phải – thực sự là một dự đoán y học kỳ lạ mà mãi sau này bác sĩ Paul Broca mới nghiên cứu và khám phá ra là do các cơ quan đảm nhận chức năng nói của cơ thể chỉ tập trung ở một bên não.
Trong nhiều trường hợp khác, các mô tả của Dickens còn được sử dụng trong giảng dạy chẩn đoán và đề cập đến những triệu chứng mà đến ngày nay mới được phát hiện. Trong “Ngôi nhà lạnh lẽo”, Ông Krook, một con nghiện rượu gin, thợ làm chai thủy tinh, bị mắc chứng khó đọc, thường tích trữ các văn bản dù chẳng bao giờ đọc chúng, bởi “ông không thể phân biệt các con chữ, dù có thể nhìn thấy … nhưng lại chẳng thể kết hợp chúng lại với nhau.”
Triễn lãm cũng cho thấy một góc khuất của nhà văn khi ông đặc biệt hứng thú với thuật thôi miên, và thậm chí đã từng cố thôi miên bản thân lẫn những người xung quanh.
Dựa trên các cuốn tiểu thuyết, bài báo, và thư từ trao đổi cùng bạn bè của Charles Dickens, triển lãm cho thấy ông có mối quan hệ rất rộng với các nhà khoa học và y học cùng thời. Ông vẫn thườn hỏi mượn tài liệu của nhà vật lý Michael Faraday, đi nghỉ lễ cùng nhà hóa học Jane Marcet, ký tặng tên trên các tác phẩm của nhà sinh vật cổ Mary Anning và được nhà toán học Ada Lovelace rất mực ái mộ. Có lẽ, chính các mối quan hệ kể trên, cùng sự quan tâm mạnh mẽ của cá nhân ông đối với xã hội đã truyền cảm hứng cho những chi tiết y học đáng kinh ngạc trong các tác phẩm.
Khi còn sống, Dickens đã từng vận động cải thiện điều kiện vệ sinh và cần có chính sách bảo hộ tốt hơn cho người lao động khi họ bị thương tật hoặc ốm đau. Ông còn ủng hộ cho Viện nhi Great Ormond Street Hospital bằng việc nhấn mạnh tỷ lệ trẻ em tử vong cao đến bất thường trong bài họa báo mang tên “Những chồi non gục ngã” (Drooping buds), miêu tả cảnh tượng những em bé chết, xác xếp thành hàng dài trên phố.