Các nhà nghiên cứu tìm ra hiện tượng cá chết vì phân hà mã khi chú ý đến xác cá phơi trên bờ sông khi nước sông dâng cao sau trận mưa lớn, theo Science Alert. Sau vài năm tiến hành hàng loạt kiểm tra, họ có thể xác định nguyên nhân là nước đổ xuống từ thượng nguồn, nơi hà mã cư trú. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm qua trên tạp chí Nature Communications.
"Tổng cộng, hà mã trên sông Mara thải ra khoảng 8.500 kg phân chứa thực vật tiêu hóa một phần ra sông mỗi ngày”, Emma Rosi, nhà sinh thái học ở Viện Nghiên cứu Sinh thái Cary, giải thích. “Chúng tôi rất quan tâm đến ảnh hưởng của dòng chất thải hữu cơ và chất dinh dưỡng khổng lồ này tới đời sống thủy sinh".
Nhóm nghiên cứu mất ba năm quan sát, trong đó họ theo dõi hóa chất trong nước từ 171 khu vực hà mã sinh sống và phần còn lại của dòng sông, để tìm câu trả lời. Do hà mã quá nguy hiểm đối với con người, họ phải sử dụng thuyền điều khiển từ xa mang theo cảm biến để kiểm tra các khu vực.
Khi hà mã bài tiết, phân của chúng chìm xuống đáy sông. Khi lượng lớn phân phân hủy, vi khuẩn tiêu hóa phân cũng sử dụng oxy trong nước, gây ra hiện tượng khử oxy. Ngoài ra, hoạt động vi khuẩn cũng sinh ra các hóa chất như amoni, hydro sulfua, methane, và carbon dioxid, hai trong số đó có thể rất độc hại với cá.
Tình trạng này vẫn ổn định khi nước không chảy khỏi khúc sông nơi hà mã sinh sống. Nhưng vấn đề lớn xảy ra khi mưa nặng hạt tạo ra dòng chảy ồ ạt cuốn trôi nước thiếu oxy xuống hạ nguồn, tới môi trường sống của các loài cá. Dòng nước thiếu oxy đột ngột dồn đến có thể làm giảm oxy trong nước sông tại hạ nguồn, khiến cá chết ngạt.
Trong ba năm, nhóm nghiên cứu do nhà sinh thái học Christopher Dutton ở Đại học Yale, đứng đầu, ghi chép về dòng chảy tràn khi nước sông chảy nhanh gấp đôi tốc độ thông thường, 49 trong số đó có lượng oxy giảm mạnh tới mức đủ thấp để giết chết cá hàng chục lần. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh đây là quá trình tự nhiên. Không chỉ làm sạch dòng sông, dòng chảy tràn còn cung cấp nguồn thức ăn cho các loài động vật khác sinh sống trong vùng như chim và cá sấu.