Việc khai thác năng lượng và các ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại nhưng đồng thời cũng gây ra không ít hậu quả đáng tiếc bởi những sai sót cơ bản của chính chúng ta.

Tòa chung cư số 7 trên phố Mariyi Pryimachenko. Ảnh: Artemka/Wikimedia Commons.
Tòa chung cư số 7 trên phố Mariyi Pryimachenko. Ảnh: Artemka/Wikimedia Commons.

Trên đường Gvardeytsiv Kantemirovtsiv (sau được đổi tên thành Mariyi Pryimachenko) ở thành phố Kramatorsk (trước thuộc Ukraine, nay do nhà nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng kiểm soát) có một tòa chung cư được xây dựng vào cuối thập niên 1970, mang dáng dấp đặc trưng của phong cách quy hoạch Xô viết1. Tòa nhà được đánh số 7, trang bị thang máy và nước nóng 24/7, thuộc loại tiện nghi và sang trọng bậc nhất Liên Xô khi ấy.

Năm 1980, một gia đình bốn người phấn khởi chuyển tới căn hộ số 85 nhưng niềm vui của họ đã không kéo dài được lâu. Trong chưa đầy một năm, cô con gái 18 tuổi bị mắc bệnh bạch cầu (leukemia) và qua đời. Gia đình chưa kịp gượng dậy sau cú sốc thì cậu con trai 16 tuổi của họ cũng găp phải tai họa tương tự. Chưa dừng lại, căn bệnh quái ác vẫn tiếp tục đeo bám và tước đi mạng sống của người mẹ. Không thể lý giải nguyên nhân tại sao, nhiều người cho rằng căn hộ rất có thể đã dính phải một lời nguyền nào đó; trong khi các bác sĩ kết luận đó đơn giản chỉ là do yếu tố di truyền, còn chính quyền thì không thật sự quan tâm. Không thể chịu đựng nổi sự mất mát khủng khiếp, người đàn ông quyết định chuyển đi, và ủy ban hành chính Kramatorsk bàn giao căn hộ cho một gia đình khác.

Mặc dù đã bị xuống cấp nhiếu, nhưng đến trước chiến sự Ukraine, tòa nhà vẫn là nơi cư trú của rất nhiều gia đình. Ảnh: Shutterstock
Mặc dù đã bị xuống cấp nhiếu, nhưng đến trước chiến sự Ukraine, tòa nhà vẫn là nơi cư trú của rất nhiều gia đình. Ảnh: Shutterstock

Năm 1987, bi kịch lại một lần nữa giáng xuống đầu những cư dân mới. Người con trai đang tuổi lớn của họ cũng qua đời vì bệnh bạch cầu, còn cậu em trai thì nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Quá đau khổ, cha họ gửi đơn lên các cấp chính quyền để yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân. Mãi tới khoảng hai năm sau (khi cậu bé thứ hai đã mất), chính quyền mới cử một tổ điều tra đến và mang theo thiết bị đo (dosimeter tức xạ lượng kế). Họ phát hiện thấy nồng độ phóng xạ trong căn hộ cao bất thường, đặc biệt là tại khu vực phòng ngủ của hai đứa trẻ. Nguồn phát xạ được xác định là từ chính bức tường ngăn ở phòng ngủ. Toàn bộ cư dân của tòa nhà được di tản khẩn cấp và bức tường bị phá dỡ để gửi mẫu tới phân tích tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Kiev (KINR). Các nhà khoa học đã tìm thấy một viên nang nhỏ chứa Cesium 137 (chất phóng xạ cực mạnh) trong mẫu gạch. Nhờ dãy số khắc trên thân viên nang, họ xác minh được nguồn gốc của nó – đến từ một khu mỏ chuyên cung cấp sỏi cho các công trình xây dựng. Viên nang đã vô tình bị trộn lẫn trong mẻ bê tông, lọt vào bức tường ngăn gần giường ngủ của hai đứa trẻ rồi cướp đi sinh mạng của bốn người. 17 cư dân khác của tòa nhà cũng được chẩn đoán phơi nhiễm phóng xạ, dù ở mức độ nhẹ hơn nhiều, và cần phác đồ điều trị phù hợp.

Sau thảm kịch đó, chính quyền Ukraine đã có những biện pháp xử lý để loại bỏ hoàn toàn dư lượng phóng xạ bên trong tòa nhà. Hiện tại, nó vẫn đang là nơi cư ngụ của nhiều thế hệ gia đình.


Do sự ẩu tả và bất cẩn của con người mà một số nơi trên thế giới đã phải hứng chịu hậu quả từ những vụ rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng, tiêu biểu như:
- Năm 1984, một công ty y tế tư nhân ở Ciudad Juárez, Mexico, mua lại một thiết bị xạ trị đã qua sử dụng. Nhưng do thiếu nhân sự vận hành, họ đã tự ý tháo dỡ nó (chưa xin phép) khiến một lượng cobalt-60 (vật liệu phóng xạ) lọt vào bãi phế liệu. Sau đó, phế liệu lại được bán cho các nhà máy luyện kim khiến lượng cobalt này vô tình lọt vào trong thành phần của khoảng 6.000 tấn phôi thép. Phôi thép sau đó lại được phân phối tới 17 bang trên khắp đất nước Mexico và một số thành phố ở Hoa Kỳ. Theo ước tính, khoảng 4.000 người đã bị phơi nhiễm phóng xạ vì sự cố này.
- Năm 2001, tại khu vực gần đập Enguri thuộc quận Tsalenjikha ở thành phố Lia (Georgia) bỗng xuất hiện hai nguồn phát phóng xạ. Ba cư dân địa phương, không hay biết gì đã tiếp xúc với chúng và bị phơi nhiễm, một người qua đời không lâu sau đó. Chính quyền Georgia đã tiến hành điều tra và kết luận nguyên nhân là do những lõi đồng vị phóng xạ dùng trong nhà máy điện hạt nhân từ thời Liên Xô đã được tháo dỡ không đúng cách. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau đó đã đứng ra giám sát hoạt động xử lý và chăm sóc y tế cho các nạn nhân.
- Năm 1987, một lượng đồng vị phóng xạ vốn được sử dụng để điều trị ung thư trong bệnh viện ở Goiânia, Goiás (Brazil) bị đánh cắp và tuồn ra ngoài. Nhiều người sau đó đã tiếp xúc với nó, trong đó bốn người ngay lập tức tử vong. Khoảng 112.000 người được đưa đi xét nghiệm, và 249 bị xác định đã nhiễm độc. Để khắc phục hậu quả, nhà chức trách đã cho đào bỏ lớp đất bề mặt ở một số khu vực, phá dỡ nhiều ngôi nhà và tiêu hủy toàn bộ đồ dùng. Tạp chí Time và IAEA đánh giá đây là một trong những “sự cố rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới”.


Theo Amusing Planet

Chú thích
1. Phong cách quy hoạch đô thị Xô viết ra đời từ thời Stalin, chịu nhiều ảnh hưởng của tư duy đô thị học Pháp, nhất là phong cách Haussman (cha đẻ của đại dự án quy hoạch Paris vào giữa thế kỷ 19), nhấn mạnh vào những thiết kế trang trọng cùng công năng đồng nhất và ổn định của các công trình và cảnh quan trong suốt một thời gian dài. Rất nhiều đô thị ở những quốc gia thuộc phe XHCN trong thời Chiến tranh Lạnh đã được quy hoạch theo phong cách này. Nó được đánh giá là khá cứng nhắc và lạc hậu so với tư duy quy hoạch phương Tây, chủ yếu là do mức độ tập trung hóa quá cao trong quá trình ra quyết định lẫn phân bổ các nguồn lực sản xuất.

Bài đăng số 1275 (số 3/2024) KH&PT