Đó là những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn việc truyền bá đạo Kitô và để bảo vệ nước Nhật khỏi sự nhòm ngó của các thế lực phương Tây đang không ngừng bành trướng. Ngay từ năm 1587, nhiếp chính quan Toyotomi Hideyoshi (1537 – 1598)2 – người cai trị tối cao trên thực tế – đã chủ trương cấm đạo. Mặc dù vậy, các nhà truyền giáo phương Tây vẫn thu hút được khoảng 300.000 tín đồ Nhật Bản với xuất thân đa dạng, từ tầng lớp lãnh chúa quyền lực cho đến những nông dân bị áp bức. Ảnh hưởng len lỏi của văn hóa phương Tây bị xem là mối đe dọa lớn đến sự ổn định của đất nước, đồng thời thách thức quyền lực Mạc phủ.
Chính sách này vẫn được tiếp nối bởi các shogun (tướng quân) sau khi Toyotomi qua đời năm 1598. Trong giai đoạn 1633 – 1639, shogun Tokugawa Iemitsu (1604 – 1651) đã ban hành một loạt chỉ dụ đóng cửa đất nước và chúng thường được gọi bằng cái tên Sakoku (tỏa quốc). Tuy nhiên, để duy trì hoạt động buôn bán đối với các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu và nghe ngóng tin tức từ bên ngoài, Mạc phủ vẫn cho thiết lập một vài cửa ngõ giao thương đặc biệt3, bao gồm Dejima – một hòn đảo nhân tạo ở ngoài khơi vịnh Nagasaki có kích thước khiêm tốn (1,5 hecta), được xây dựng vào năm 1634 bằng cách đào một con kênh cắt ngang một bản đảo và kết nối với đất liền thông qua một cây cầu hẹp duy nhất.
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt để buôn bán với Nhật Bản, người Anh đã sớm rút lui do gặp nhiều bất lợi. Người Bồ Đào Nha sau đó cũng bị trục xuất vì cáo buộc hỗ trợ cho cuộc nổi dậy Shimabara4 (mang màu sắc Kitô giáo) chống lại Mạc phủ (năm 1637). Chỉ còn người Hà Lan thì giành được sự ưu ái đặc biệt nhờ cung cấp thuốc súng, đại bác,… giúp Mạc phủ đàn áp phiến quân, qua đó chiếm lấy vị thế độc quyền thương mại tại Dejima. Tuy nhiên, chính quyền vẫn bố trí một lực lượng đông đảo để giám sát đảo và mọi hoạt động của người Hà Lan. Việc truyền giáo tuyệt đối bị nghiêm cấm; mọi con tàu cập bến Dejima đều được khám xét kỹ lưỡng; bất cứ ai mang theo Kinh thánh cũng phải tự giác giao nộp,… Ngoài ra, người Nhật cũng bị cấm đặt chân lên đảo, ngoại trừ các thông dịch viên, đầu bếp, thợ mộc, người ghi chép sổ sách và kỹ nữ.
Ban đầu, Mạc phủ cho phép bảy chuyến tàu được cập bến Dejima mỗi năm, sau đó giới hạn xuống chỉ còn một hoặc hai chuyến kể từ 1715 đến 1847. Nhưng bất chấp những quy định hà khắc, các thương nhân Hà Lan vẫn xây dựng được một cứ điểm buôn bán sôi động tại Dejima – nơi thoạt nhìn trông giống một trại lính biệt lập hơn là cơ sở mậu dịch. Các thủy thủ và thương nhân Hà Lan thường lưu lại đây dài ngày; họ trồng hoa, chăm sóc vườn rau, nuôi thú cưng và ăn nhậu mỗi khi rảnh rỗi. Tuy nhiên, không một ai được rời khỏi Dejima khi chưa có sự cho phép của chính quyền.
Sau nhiều nỗ lực vận động, ngày 8/7/1853, phó đề đốc Matthew Perry (1794 – 1858) của Hải quân Hoa Kỳ đã chỉ huy bốn chiến hạm Mississippi, Plymouth, Saratoga và Susquehanna tiến vào cảng Edo (Tokyo ngày nay) để phô diễn sức mạnh và ép Mạc phủ mở cửa giao thương. Sử sách thường gọi những con tàu này bằng cái tên kurofune (hắc thuyền). Ngày 31/3/1854, cũng chính Perry đã trở lại và dẫn theo bảy chiến hạm khác để buộc Mạc phủ phải ký Hiệp ước Hòa bình hữu nghị Kanagawa, thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Các hiệp định tương tự cũng lần lượt được ký với những cường quốc phương Tây khác trong khoảng bốn năm sau đó. Thời kỳ tỏa quốc đến đây bị xem như chấm dứt; trạm giao dịch của Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Dejima trở nên không còn cần thiết nữa và bị giải tán. Qua thời gian, hòn đảo liên tục được bồi lấp và sáp nhập lại thành một phần của Nagasaki.
Trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II (1939 – 1945), sức nổ từ quả bom nguyên tử Fat man mà Không lực Hoa Kỳ ném xuống Nagasaki (9/8/1945) đã làm hư hại nhiều công trình ban đầu tại Dejima. Sang thời bình, một số được phục dựng và cải tạo thành bảo tàng để phục vụ du khách muốn tìm hiểu về lịch sử. Ngày nay, bất cứ ai muốn đặt chân lên Dejima từ đất liền vẫn cần phải đi qua một cây cầu đá duy nhất. Nhưng điều đáng tiếc là tầm nhìn ra biển đã bị che lấp bởi các công trình cao tầng hiện đại.
Theo Amusing Planet