Ở vùng biển phía Nam Đại Tây Dương có một hòn đảo nhỏ hẻo lánh mang tên Ascension.
Khoảng 200 năm trước, nơi này hãy còn là một hoang đảo và chẳng hề có sức hút nào đối với tàu bè qua lại, ngoại trừ nguồn lợi rùa xanh và chim biển – vốn được săn bắt làm thực phẩm cho những chuyến đi dài. Nhưng hôm nay, các ngọn núi tại Ascension đã được bao phủ bởi rừng xanh tươi tốt. Sự biến đổi đáng kinh ngạc này là kết quả của những thử nghiệm do nhà thực vật học người Anh Joseph Hooker (1814 – 1879) khởi xướng với sự khích lệ của Charles Darwin (1809 – 1882).
Đảo Ascension nhìn từ đỉnh Green Mountain. Ảnh: Lord Harris/Wikimedia Commons.
Về mặt cấu tạo địa chất, Ascension là một hòn đảo có tuổi đời khá “trẻ” khi mới trồi lên từ đại dương vào khoảng một triệu năm trước và tiếp tục được mở rộng sau nhiều đợt núi lửa phun trào mãi đến tận thế kỷ thứ X. Vì thế mà phần lớn diện tích đảo được bao phủ bởi đất núi lửa, các bãi dung nham và lớp xỉ trầm tích. Cỏ và cây bụi nhỏ là thứ duy nhất mọc ở đây trước khi con người can thiệp.
Hòn đảo được phát hiện lần đầu bởi nhà thám hiểm João da Nova (1460 – 1509) người Bồ Đào Nha, đúng vào ngày lễ Đức Chúa lên trời (Ascension Day) – tức ngày 26/05 của năm 1501. Do vậy mà cái tên Ascension được lựa chọn để đặt cho hòn đảo. Trong suốt 300 năm sau, nơi này đã đóng vai trò như một trạm dừng chân hữu ích cho các thủy thủ đoàn cần bổ sung nước ngọt và thịt tươi (rùa, chim biển,…). Ý thức được tầm quan trọng chiến lược của nơi này, Hải quân Hoàng gia Anh đã thiết lập một đơn vị đồn trú trên đảo vào năm 1815 – với mục đích ban đầu là để dè chừng Napoléon Bonaparte (1769 – 1821), người đang sống lưu vong tại đảo Saint Helena gần đó. Vì thế, nó còn hay được ví như một khu trục hạm bằng đá – HMS Ascension. Những người lính thủy quân lục chiến Anh đã trồng một vườn rau củ trên lớp đất mỏng tại ngọn núi trung tâm – được gọi bằng cái tên Green Mountain, đồng thời nuôi hàng trăm con cừu, dê, bò, ngựa,… để tự cung cấp thực phẩm và rau xanh.
Rừng tre trên núi Green Mountain. Photo: Ben Good/Dreamstime.com.
Năm 1836, chàng trai trẻ Charles Darwin (27 tuổi) đang ở chặng cuối của chuyến du hành quanh thế giới trên tàu HMS Beagle, đã dừng chân vài ngày tại Ascension. Anh đặc biệt ấn tượng với những nỗ lực của lực lượng đồn trú Anh nhằm biến đảo Ascension thành một nơi có thể sống được cho dù chưa có cây cối gì. Nhà tự nhiên học người Pháp René Primevère Lesson (1794 – 1849) cũng cùng chung cảm nghĩ với Darwin, rằng “chỉ riêng người Anh mới nghĩ đến việc biến Ascension thành một cứ điểm canh tác thay vì pháo đài đơn thuần giữa đại dương như các thế lực khác”.
Bảy năm sau (1843), Joseph Hooker tới thăm đảo. Sau khi đã tham khảo Darwin từ trước, anh cố vấn cho Hải quân Anh rằng việc kiến tạo thảm thực vật tại Ascension sẽ giúp giữ lại nước [mưa] và cải tạo đất trên đảo. Bởi vì cây cối có đặc tính giữ nước, ngăn không cho nước bốc hơi; trong khi rễ cây thì khoan vào lớp đá dung nham để tạo nên lớp đất dày và nhiều mùn.
Kể từ năm 1850 và trong suốt một thập kỷ sau đó, Hải quân Hoàng gia Anh đã liên tục nhập hàng ngàn cây con, bao gồm hơn 330 loài khác nhau, từ các vườn thực vật tại châu Âu, Nam Phi và Argentina. Chúng được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm thích nghi với điều kiện khắc nghiệt trên hoang đảo núi lửa này. Trong vòng hai thập kỷ, hơn 5.000 cây xanh bắt đầu bén rễ và bao phủ đỉnh Green Mountain – điểm cao nhất tại Ascension. Bên cạnh một rừng tre tươi tốt còn có vô số những cây thông Norfolk cao sừng sững bên sườn dốc (được trồng để cung cấp vật liệu đóng cột buồm cho tàu đi biển).
Cùng với sự phát triển của thảm thực vật, khí hậu trên đảo cũng dần được cải thiện. Trước kia, nơi này hầu như không bao giờ có mây và lượng mưa rất thấp. Nhưng nhờ thực vật sinh sôi, mưa bão được ghi nhận xuất hiện thường xuyên hơn. Rừng cũng góp phần làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước tại Ascension. Trước kia, vấn đề lớn nhất đối với đảo là giữ nước. Nhưng ngày nay, nhờ có rừng mà nước mưa không còn thoát ngược ra biển; nước sau đó được rễ cây hút lên và cuối cùng bốc hơi từ lá – giúp tăng cường độ ẩm cho không khí. Khí hậu cũng vì thế mà dễ chịu hơn rất nhiều.
Hệ thực vật hiện nay tại Green Mountain có thể được chia thành ba vùng riêng biệt: 1) Vùng khí hậu khô nóng (độ cao dưới 330m) với những mảng cỏ, cây bụi, cây gai và cây thuốc lá; vùng được che phủ dày hơn (ở độ cao 330 – 630m) với các loại cỏ, lê gai, cây bách xù, phi lao và keo; còn tại độ cao lớn hơn 660m là vùng rừng rậm với sương mù dày đặc và quanh năm ẩm ướt, bên cạnh tre và thông Norfolk còn có chuối, gừng, cây bách xù, mâm xôi, cà phê, dương xỉ, sung và thủy tùng (Cape Yews). Tại đỉnh núi còn có một vũng nước ngọt lớn – được gọi là Dew Pond (Ao Sương) với đầy hoa súng xanh. Nhiệt độ tại nơi này thường thấp hơn vùng đất bên dưới khoảng 7oC, giúp cho những cư dân (gần 800 người) và du khách có thể tránh khỏi cái nóng của vùng nhiệt đới. Năm 1926, văn hào A. C. H. Rice đã tả về bầu “không khí tuyệt vời của nơi này” rằng “ nó thật mát mẻ và sạch sẽ, trái ngược hẳn với lớp dung nham khô và bụi bặm bên dưới!” Năm 2005, Green Mountain được quy hoạch thành Công viên Quốc gia đầu tiên trên đảo.
Câu chuyện của Ascension mang đến cho chúng ta một bài học đầy ý nghĩa. Nếu chỉ một khu rừng đã giúp cải tạo toàn bộ khí hậu của một hòn đảo đến mức như vậy thì hiện tượng phá rừng tràn lan trên khắp thế giới sẽ để lại hậu quả thế nào đối với hành tinh. Tính từ năm 1990, khoảng 420 triệu ha rừng của thế giới đã biến mất, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên cùng với tình trạng bùng nổ dân số. Tin vui duy nhất có lẽ là việc tỷ lệ phá rừng đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Tiến sĩ Dave Wilkinson, nhà sinh thái học từ Đại học Liverpool John Moores là người đặc biệt quan tâm đến hệ sinh thái độc đáo trên đảo Ascension. Ông nói: “Nơi này cho thấy nhân loại hoàn toàn có thể tự xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh thông qua các thử nghiệm ngẫu nhiên”. Và Ascension thực sự là một ví dụ tuyệt vời, giúp con người hiểu biết thêm về nhiều khía cạnh của hệ sinh thái hòng tìm cách đảo ngược những tác động môi trường do chính chúng ta gây ra.
Theo Amusing Planet