Trong cuốn “Văn minh: Phương Tây và phần còn lại của thế giới”, Niall Ferguson tìm cách giải quyết một câu hỏi thú vị và rất khó: Tại sao, từ khoảng năm 1500, một số quốc gia nhỏ bé nằm ở rìa phía tây của lục địa Á-Âu lại vụt trỗi dậy thống trị phần còn lại của thế giới?

Sự trỗi dậy của nền văn minh phương Tây để đi đến vị thế thống trị toàn cầu là hiện tượng lịch sử quan trọng nhất trong 500 năm qua. Giờ đây trên khắp thế giới, có một tỷ lệ đáng kinh ngạc những người làm việc trong các công ty kiểu phương Tây, học tại các trường đại học kiểu phương Tây, bầu cử các chính phủ theo kiểu phương Tây, mặc âu phục và thậm chí làm việc cho người phương Tây. Tuy nhiên, 600 năm trước, các vương quốc nhỏ bé ở Tây Âu này dường như không thể làm được điều gì khác hơn là tiến hành các cuộc chiến tranh tranh giành lãnh địa của nhau. Chính Trung Quốc thời Minh hay Thổ Nhĩ Kỳ thời Ottoman trông mới giống như những nền văn minh thế giới. Vậy phương Tây đã vượt qua các đối thủ phương Đông như thế nào? Và phải chăng giờ đây thời hoàng kim của quyền lực phương Tây đã qua?

Nếu vào năm 1411 một du khách thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới, anh ta chắc chắn sẽ rất ấn tượng về chất lượng cuộc sống của các nền văn minh phương Đông. Vào thời điểm đó, thành phố lớn nhất thế giới là Nam Kinh. Thịnh vượng nhờ ngành công nghiệp tơ lụa và bông vải, thành phố này còn là một trung tâm tri thức nhân loại. Đô đốc Trịnh Hòa thì đã đi khắp các vùng biển trên một con tàu có kích thước gấp 5 lần "Santa Maria", con tàu sẽ đưa Christopher Columbus vượt Đại Tây Dương vào năm 1492. Nông nghiệp ở Đông Nam Á có năng suất cao hơn nhiều so với ở châu Âu, người Trung Quốc đã phát minh ra giấy, in ấn, máy cày, cầu dây văng, thuốc trừ sâu, la bàn từ tính, bàn chải đánh răng và xe cút kít... Đất nước này cũng sở hữu công nghệ tiên tiến trong sản xuất thép hoặc dệt may, thuốc súng và chất nổ. Nếu công nghệ là của Trung Quốc, toán học là của Ấn Độ thì thiên văn học và triết học lại đạt đến đỉnh cao ở các nước Ả Rập.

Nhà sử học Niall Ferguson (1964). Nguồn: INT
Nhà sử học Niall Ferguson (1964). Nguồn: INT

Đối với nhà sử học người Mỹ gốc Anh Niall Ferguson, một trong những điều bí ẩn hấp dẫn nhất trong lịch sử nhân loại đó là việc vì sao kể từ đầu thế kỷ XVI, một số quốc gia và một số thành bang nhỏ nằm ở rìa phía tây châu Âu đã thành công trong việc đảo ngược hoàn toàn tình hình, tạo ra “một nền văn minh không chỉ có khả năng chinh phục các đế quốc lớn ở châu Á mà còn cả châu Phi, châu Mỹ và châu Úc…; không chỉ chinh phục mà còn hoán cải các dân tộc theo lối sống của họ? Đâu là các ưu thế và sức mạnh áp đảo đã giúp cho nền văn minh phương Tây áp đặt sự thống trị kéo dài 500 năm đối với phần còn lại của thế giới trên hầu hết các lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị?”

Phải thừa nhận rằng thời điểm hiện tại quả là khó khăn để có thể trình bày (và cũng là để biện minh) - về tính “chính đáng” trong sự trỗi dậy của phương Tây từ 500 năm trước và ảnh hưởng vô song của nó trong việc định hình thế giới ngày nay. Phương Tây hiện đang ở thế phòng thủ, về kinh tế bị thách thức bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, về chính trị và quân sự bị thách thức bởi làn sóng Hồi giáo cực đoan. Những thách thức quan trọng khác thì lại đến từ chính nội bộ phương Tây. Như tác giả cuốn sách cho biết, những nghiên cứu về nền văn minh phương Tây thường xuyên bị chỉ trích và ngày càng vắng bóng trong các trường phổ thông và đại học ở Mỹ và châu Âu. Những nghiên cứu này cũng bị cho là hẹp hòi, thiển cận, kiêu ngạo và phân biệt đối xử, và rằng chúng hầu như không có giá trị gì đối với những nhóm dân tộc có nguồn gốc nằm ngoài châu Âu. Và mỗi khi được đề cập tới thì nền văn minh phương Tây luôn là đối tượng bị phê phán gay gắt bởi cái lịch sử chiếm hữu nô lệ và đế quốc chủ nghĩa của nó. Nền văn minh này bị cáo buộc là kẻ chủ mưu gây ra các cuộc chiến tranh và là kẻ đã thẳng tay gạt bỏ phụ nữ cũng như người da mầu khỏi các đặc quyền trong xã hội.

Nhưng Niall Ferguson lại có nhưng suy nghĩ hoàn toàn khác. Vị giáo sư Đại học Harvard và của Trường Kinh doanh Harvard này dẫu đã nhận thức sâu sắc về những thiếu sót và sự không hoàn hảo của nền văn minh phương Tây nhưng ông dứt khoát bác bỏ quan điểm cho rằng sẽ không tìm ra thứ gì có giá trị gì ở đó, với ông những quan điểm này thật là "nực cười". Sau khi phân tích tỷ mỉ các mặt tốt và xấu của nền văn minh phương Tây ông đi đến khẳng định rằng so với các nền văn minh khác, nền văn minh phương Tây là “tốt nhất”và do đó nó sẽ "đứng đầu". Theo Ferguson: “Cuộc cách mạng khoa học, xét theo bất kỳ thước đo nào, luôn có trung tâm phát triển là châu Âu”. Tôn trọng những đóng góp trí tuệ và khoa học của Trung Quốc và Hồi giáo trong lịch sử, nhưng Ferguson nói rõ rằng khoa học và công nghệ thời hiện đại về cơ bản là sản phẩm của phương Tây.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2011. Ảnh: DT
Cuốn sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 2011. Ảnh: DT

Ferguson cũng tỏ ra khá cực đoan khi đứng ra bảo vệ một số khía cạnh mà theo ông là tích cực của chủ nghĩa đế quốc. Đi ngược lại trào lưu của các nhà sử học “tìm cách trình bày các quan chức thuộc địa về mặt đạo đức tương đương với Đức Quốc xã hoặc những người theo chủ nghĩa Stalin”, Ferguson chỉ ra rằng ở hầu hết các nước châu Á và châu Phi “tuổi thọ trung bình cũng như các điều kiện sống và học vấn đã bắt đầu được cải thiện trước khi chế độ thuộc địa châu Âu kết thúc”. Ông nói tiếp, “Một nhận định đang được phổ biến rộng rãi trong các trường phổ thông và cao đẳng ở phương Tây, đó là việc chủ nghĩa đế quốc là nguyên nhân sâu xa của hầu hết các vấn đề hiện đại. . . đổ hết mọi tội lỗi lên đầu chủ nghĩa đế quốc, quan niệm đó quả là những chứng cứ “ngoại phạm” rất thuận tiện cho những kẻ độc tài tham lam như Robert Mugabe ở Zimbabwe.”

Nhưng mục đích chính của Ferguson khi viết tác phẩm “Văn minh: Phương Tây và phần còn lại của thế giới” không phải là việc cố gắng điều tra kỹ lưỡng những cáo buộc chống lại phương Tây và phản bác chúng. Thay vào đó, ông tìm cách giải quyết một câu hỏi thú vị và rất khó: "Tại sao, từ khoảng năm 1500, một số quốc gia nhỏ bé nằm ở rìa phía tây của lục địa Á-Âu lại vụt trỗi dậy thống trị phần còn lại của thế giới?" Như chính tác giả đã mô tả, cấu trúc của cuốn sách là kể “một câu chuyện lớn” lồng trong đó nhiều câu chuyện nhỏ, “Trong cuốn sách này tôi muốn chỉ ra rằng cái làm cho phương Tây khác biệt với phần còn lại của thế giới - động lực chính của sức mạnh toàn cầu - là sáu tổ hợp thể chế tách biệt cùng với các ý tưởng và hành vi liên quan”. Sử dụng ngôn từ ưa thích của giới công nghệ thông tin, Ferguson gọi đó là các “ứng dụng sát thủ” (killer apps - những ứng dụng không thể thiếu và có những ưu điểm vượt trội mang tính hủy diệt đối với các đối thủ cạnh tranh). Ferguson đã dành ra sáu chương để đề cập đến sáu “ứng dụng sát thủ” hay sáu yếu tố chính đã đem tới sự thống trị của phương Tây, đó là: 1) Cạnh tranh giữa các quốc gia và bên trong mỗi quốc gia ở châu Âu; 2) Khoa học, khởi đầu từ cuộc cách mạng khoa học thế kỷ XVI và XVII; 3) Nhà nước pháp quyền và chính thể đại diện, thể chế dựa trên quyền sở hữu tư nhân và quyền đại diện trong các cơ quan lập pháp được bầu ra; 4) Y học hiện đại; 5) Xã hội tiêu dùng, con đẻ của cuộc cách mạng công nghiệp; và cuối cùng là 6) Đạo đức nghề nghiệp. Theo ông, những yếu tố này rất quan trọng cho sự phát triển của quyền lực phương Tây, nhưng chúng lại rất yếu ớt hoặc thậm chí là hoàn toàn vắng mặt ở các xã hội khác.

Theo Ferguson, sự xuất sắc trong việc thực hiện những hạng mục này có thể giải thích cho sự trỗi dậy đầy ấn tượng của phương Tây, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, “phần còn lại” của thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, đã bắt đầu đuổi kịp trong mọi lĩnh vực ngoại trừ các hạng mục “cạnh tranh nội bộ” và “chính thể đại diện”. Trong những năm 1970, các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, có những bước tiến vượt bậc trong hiện đại hóa kinh tế và cạnh tranh thành công với phương Tây. Ferguson khẳng định rằng giờ đây chúng ta đang sống “vào thời kỳ cuối cùng của 500 năm thống trị của phương Tây” và ông cũng thấy trước viễn cảnh xảy ra xung đột giữa các lực lượng đang suy yếu và các lực lượng đang trỗi dậy. Ferguson tự hỏi “liệu phương Tây có đi từ suy yếu đến sụp đổ hoàn toàn hay không?”

Tệ hơn nữa, Ferguson coi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là “một yếu tố thúc đẩy khuynh hướng suy thoái toàn diện đã được xác lập rõ ràng ở phương Tây”. Ông lo ngại sẽ đến lúc “những tin xấu ngẫu nhiên- chẳng hạn báo cáo tiêu cực từ một cơ quan xếp hạng” sẽ khiến các nhà đầu tư hoảng loạn, những người đã đánh mất gần hết niềm tin vào tín dụng Mỹ. Điều này có thể gây ra thảm họa, “bởi vì một hệ thống thích ứng phức tạp luôn gặp phải rắc rối sâu sắc khi một lượng lớn thành phần quan trọng của nó mất niềm tin vào khả năng tồn tại của chính hệ thống đó”.

Ferguson không tuyệt vọng hoàn toàn về nền văn minh phương Tây; ông tin rằng nó vẫn còn nắm vững một lợi thế mang tính chủ chốt mà các đối thủ cạnh tranh vẫn chưa có được: đó là lợi thế về thể chế. Sự vắng mặt của cạnh tranh chính trị, pháp quyền, tự do tư tưởng và tự do báo chí là lý do giải thích tại sao các nước như Trung Quốc, Iran và Nga “vẫn luôn tụt hậu so với các nước phương Tây về các chỉ số định tính đo lường “năng lực đổi mới quốc gia” và khả năng phát triển nhờ vào những năng lực đổi mới đó”. Tuy nhiên, Ferguson cũng nhận định niềm hy vọng có thể tiếp tục thành công của phương Tây dường như không lớn lắm. Mặc dù văn minh phương Tây cung cấp “bộ thể chế kinh tế, xã hội và chính trị tốt nhất hiện có”, ông cho rằng vấn đề nằm ở chỗ là liệu người phương Tây có còn khả năng để nhận ra điều đó nữa hay không?

Để người phương Tây ý thức được những sức mạnh trong nền văn minh của mình, chìa khoá then chốt sẽ nằm ở giáo dục, đặc biệt là giáo dục về lịch sử và Ferguson kinh hoàng trước sự suy giảm về giáo dục và kiến thức lịch sử trong thế giới phương Tây. Kết luận của ông thật u ám: “Mối đe dọa lớn nhất đối với nền văn minh phương Tây không phải do các nền văn minh khác gây ra, mà do sự hèn nhát của chính chúng ta - và sự thiếu hiểu biết về lịch sử đã nuôi dưỡng nó.”

Ferguson kêu gọi quay trở lại nền giáo dục truyền thống, bởi vì “trung tâm của một nền văn minh là những văn bản được dạy trong trường học, được học sinh học và ghi nhớ” – cá nhân ông luôn biết ơn những cuốn sách vĩ đại, đặc biệt là của Shakespeare. Ferguson viết: “Những mối nguy hiểm lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt có lẽ không phải là “sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hồi giáo hay lượng khí thải CO2”, mà là “sự mất niềm tin của chính chúng ta vào nền văn minh được thừa hưởng từ tổ tiên”.