Mối liên hệ giữa tiền và hạnh phúc
Gilovich - người nghiên cứu mối liên hệ giữa chi tiêu và cảm giác hạnh phúc - cho biết, sự thỏa mãn khi sở hữu chiếc iPhone mới hay TV 4K sẽ nhanh chóng tan đi, nhưng nếu bạn vừa có một trải nghiệm sống (điển hình là đầu tư vào những gì thuộc về tinh thần như du ngoạn, tìm hiểu danh lam, lịch sử…) thì niềm hạnh phúc thu được sẽ lâu dài hơn.
Trong một thí nghiệm của Gilovich, những người tham gia nhớ lại việc mua một món hàng đắt tiền hoặc một trải nghiệm thú vị. Sau đó, họ được yêu cầu tuỳ ý chia số tiền 10USD cho chính mình và một người giả định. Những người nhớ lại một trải nghiệm thường hào phóng hơn những người nghĩ về chuyện mua bán.
Các nhà khoa học nhận thấy việc chi tiền cho các trải nghiệm có thể nuôi dưỡng nhiều cảm xúc như sự thỏa mãn, lòng biết ơn… hơn là chi tiền mua hàng hóa. Vì thế, nó cũng giúp con người có nhiều hành vi xã hội tốt đẹp hơn.
Đồng tiền chi vào các chuyến du lịch sẽ mang lại hạnh phúc lớn hơn. Ảnh: Cheatsheet
“Hãy nghĩ lại xem bạn cảm thấy thế nào khi mua được một món đồ mới. Bạn có thể nói “chiếc ghế mới này ngồi rất thoải mái”, nhưng không thể nói “tôi cảm thấy biết ơn vì đã mua chiếc ghế này”. Ngược lại, khi trở về sau một kỳ nghỉ, bạn có thể nói “tôi cảm thấy may mắn vì đã tham gia kỳ nghỉ này”. Mọi người thường nói điều tích cực về những thứ họ đã mua, nhưng không thể hiện lòng biết ơn với nó hoặc không thể hiện thường xuyên như với các trải nghiệm” - Gilovich nói.
Biết ơn và trả ơn cuộc đời nhờ tiêu tiền đúng chỗ
Tại sao việc chi tiêu cho các trải nghiệm dường như làm cho con người tốt bụng và hào phóng hơn? GS Gilovich chỉ ra rằng, niềm mong đợi khám phá các trải nghiệm sẽ tạo ra sự thích thú và hân hoan, trong khi sự mong mỏi sở hữu vật chất chỉ khiến bạn trở nên thiếu kiên nhẫn.
Việc trải nghiệm các khía cạnh của cuộc đời như học hỏi kiến thức mới, ngao du tới một vùng đất lạ, gặp gỡ những người mới… giúp ta luôn phấn khích từ khi lập kế hoạch cho đến lúc hoàn tất hành trình. Cũng bởi những khoảnh khắc đó chỉ xảy ra một vài lần trong đời, nên chúng sẽ trở thành những giá trị hồi ức được trân quý mãi mãi.
“Trải nghiệm quan trọng hơn nhiều so với vật chất” - Gilovich nói. “Bạn có thể rất thích những thứ hữu hình và nghĩ chúng sẽ gắn kết với mình, nhưng sự thật chúng luôn là vật ngoại thân. Ngược lại, kiến thức và trải nghiệm là một phần không thể tách rời. Cuộc đời và thế giới quan hiện tại của bạn chính là kết quả của trải nghiệm và tri thức”.
Trải nghiệm cũng góp phần vào cảm nhận về mối liên kết cá nhân và xã hội khiến chúng ta cảm thấy biết ơn nhiều hơn (vì còn sức khỏe để đi và cảm nhận). Thông thường, cảm giác biết ơn của chúng ta đã có sẵn mục tiêu. Bạn thấy biết ơn vì bà nội mua cho món quà mình thích và bạn nghĩ sẽ tặng bà một món quà ý nghĩa khác.
Nhưng lòng biết ơn mà chúng ta đang nói đến là cảm giác chung chung mà bạn có được khi trải qua một sự kiện nào đó. Bạn thấy biết ơn vì mình đã may mắn được trải nghiệm. Cảm giác này đã truyền cảm hứng để bạn “trả” nó cho người khác.
“Trạng thái biết ơn mà không có ai để cảm ơn - xuất hiện khi một người thấy biết ơn vì được sống, được trao may mắn - có thể dẫn đến thôi thúc mạnh mẽ muốn làm điều gì đó, làm những việc tốt đẹp cho người khác”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, cảm giác ấm áp cũng có thể tạo ra một “vòng lặp thông tin phản hồi tích cực”. Mọi người trải nghiệm, cảm thấy biết ơn và tiếp tục trải nghiệm để duy trì cảm giác. Trên quy mô lớn, đây là một sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng có thể dẫn đến một xã hội tốt đẹp hơn.
Các nhà nghiên cứu thậm chí còn đề nghị chính phủ khuyến khích người dân tích cực trải nghiệm để thúc đẩy sự hợp tác và lòng tốt. “Việc chính sách công khuyến khích mọi người tiêu tiền cho các chuyến đi, theo đuổi đam mê... hơn là vào vật chất sẽ làm tăng lòng biết ơn và hạnh phúc của người dân” - GS Gilovich nói. Nhóm của ông không phải là nhóm duy nhất tin tưởng vào điều đó. GS Elizabeth Dunn - từ Trường Đại học British Colombia - cũng suy nghĩ như vậy.
Bà cho rằng niềm hạnh phúc từ vật chất chỉ là “vũng nước nhỏ của niềm vui”, chỉ xuất hiện tạm bợ rồi “bốc hơi” nhanh chóng, khiến chúng ta càng thêm tham lam, ích kỷ và đố kỵ. Những điều này là nguồn cội của khổ đau (như giáo lý của các tôn giáo lớn trên thế giới). Chỉ có những gì thuộc về tinh thần và tri thức sẽ đi cùng chúng ta mãi đến hết cuộc đời.