Đầu thế kỉ XX là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử xã hội Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc tới những chuyển biến đáng kể về cách nhìn nhận lại vấn đề giới cũng như vai trò giới. Trong giai đoạn này, vấn đề giới đã được cố gắng tiếp cận, nhưng trong khi nữ giới ngày càng nhận được sự chú ý của giới học thuật, thì nam tính và các thực hành giới tính của người nam chưa nhận được sự quan tâm tương đương.
Post-Mandarin: Masculinity and Aesthetic Modernity in Colonial Vietnam [Hậu khoa bảng: Nam tính và mĩ học hiện đại ở Việt Nam thời thuộc địa] của Ben Tran là một trong số ít những nghiên cứu về nam giới và vấn đề nam tính ở giai đoạn 1900-1945, trong đó tác giả nỗ lực nắm bắt sự thay đổi của các mối quan hệ giới tính vốn có căn nguyên từ sự hiện đại do thực dân Pháp mang tới và chi phối việc lựa chọn thể loại, đối tượng và lối viết của các trí thức nam giới Việt Nam đương thời.
Ben Tran hiện là Phó giáo sư ngành Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Vanderbilt (Mỹ). Một trong những hướng quan tâm chính của ông là nghiên cứu chính trị học và mĩ học trong bối cảnh Đông Nam Á, đặc biệt khi các xã hội Đông Nam Á như Việt Nam đối diện với tình thế thuộc địa và giải thuộc địa.
Post-mandarin là chuyên khảo đầu tiên của Ben Tran, dài 125 trang, phần chính gồm năm chương: 1 - Autoethnography and Post-Mandarin Masculinity [Dân tộc chí bằng trải nghiệm cá nhân và nam tính hậu khoa bảng]; 2 - Pornography as Realism, Realism as Aesthetic Modernity [Văn chương dâm tục như là chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực như là mĩ học hiện đại]; 3 - The Sociological Novel and Anticolonialism [Tiểu thuyết xã hội học và sự kháng cự chủ nghĩa thực dân]; 4 - I Speak in the Third Person: Women and Language in Colonial Vietnam [Tôi nói ở ngôi thứ ba: Nữ giới và ngôn ngữ ở Việt Nam thời thuộc địa]; 5 - Queer Internationalism and Modern Vietnamese Aesthetics [Chủ nghĩa quốc tế queer và mĩ học Việt Nam hiện đại].
“Nam tính hậu khoa bảng” (post-mandarin masculinity) là khái niệm được Ben Tran đề xuất và sử dụng làm trọng tâm để xem xét các khía cạnh khác nhau trong đời sống Việt Nam đầu thế kỷ XX khi nền giáo dục và khoa cử theo đường hướng Nho giáo đã bị giải thể và hệ thống nhà trường Pháp – Việt được xây dựng, tạo nên sự đứt gãy về mặt tri thức và sự thay đổi trong các mối quan hệ giới tính.
Không còn những đặc quyền trong địa hạt riêng của giới mình như ở thời kỳ khoa bảng trước thế kỷ XX, thế hệ nam trí thức mới phải vật lộn với những khả thể và hạn chế của sự hiện đại mà thực dân mang đến. Sự vật lộn đó được Ben Tran làm rõ qua việc phân tích các sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan. Không xếp các tác giả trên vào hai trào lưu văn học đối lập nhau ở Việt Nam thời hiện đại là lãng mạn và hiện thực, Ben Tran nhóm họ vào cùng một mẫu hình mà ông gọi là “nam tính hậu khoa bảng”, bởi theo ông, họ cùng chứng kiến (đồng thời là sản phẩm của) những thăng trầm lịch sử đã “không chỉ làm xói mòn những thiết chế tri thức ở Việt Nam mà còn xóa bỏ những lằn ranh giới tính đã định hình nên hình dạng và trật tự cho thế giới văn chương vốn chỉ bao gồm các đấng mày râu” (tr.5).
Đi từ khái niệm “hậu khoa bảng”, công trình của Ben Tran suy ngẫm lại sự hiện đại trên phương diện thẩm mĩ và chủ nghĩa dân tộc bài thực dân ở Việt Nam thông qua những thay đổi căn bản về giới và các mối quan hệ giới tính trong bối cảnh thuộc địa thời hiện đại.
Ông cũng lưu tâm từ sự chi phối của giai tầng, biến động xã hội, chính sách của thực dân, nền giáo dục bảo hộ, sự sụp đổ của Nho học… tới cách các nam trí thức mới hình dung về bản thân hay cách họ nhìn nhận tình thế thuộc địa và sự hiện đại mà chính quyền thực dân mang đến.
Công trình của Ben Tran gây ấn tượng cho độc giả ở sự phong phú về tư liệu, điểm nhìn đa chiều và vốn tri thức chắc chắn của tác giả. Bên cạnh đó, nó còn là một cuốn sách khiêu khích về mặt tư tưởng khi những kiến giải của Ben Tran không đi theo các cách đọc phổ biến về văn học Việt Nam từ trước đến nay. Tiêu biểu như việc ông xoáy sâu vào những điểm chung về tâm thức cũng như về cách tương tác với hiện thực thuộc địa từ cảm quan hậu khoa bảng ở các trí thức giai đoạn này, thay vì diễn giải họ như các “nhà hiện thực chủ nghĩa” hay “nhà lãng mạn chủ nghĩa”. Những điểm chung ấy cũng được ông áp dụng để hóa giải những xung đột tưởng chừng không thể đối thoại trong cuộc bút chiến giữa hai phe “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” mà Thiếu Sơn và Hải Triều là đại diện. Ben Tran chỉ ra rằng cả hai tác giả trên thực chất đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quan điểm về tính đặc thù của André Gide - một tác giả queer đã được giới trí thức hậu khoa bảng chọn dịch, công nhận và phổ biến tư tưởng - chỉ khác nhau ở chỗ Thiếu Sơn nhấn mạnh nhiều hơn đến tính đặc thù của cá nhân còn Hải Triều thiên về tính đặc thù của xã hội và dân tộc. Từ đó, ông đã cho thấy rằng hai điểm nhìn này không hoàn toàn xung đột như chúng ta vẫn tưởng, mà bổ sung lẫn nhau, hay nói khác đi, là hai mặt của một vấn đề.
Bên cạnh những điểm khả thủ ấy, chuyên khảo của Ben Tran cũng có ý nghĩa khi xét trong tương quan với các công trình đã có về vấn đề giới ở Việt Nam. Trước Ben Tran, vấn đề này đã được giới thiệu qua nhiều khảo cứu/nghiên cứu với đối tượng chủ yếu đều là phụ nữ. Đặt trong bối cảnh đó,
Post-Mandarin của ông đã mở ra cánh cửa dẫn đến một vùng đất mới cho việc nghiên cứu giới từ điểm nhìn nam tính và xem xét lại sự chuyển đổi những quan hệ giới song song với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.
Các phân tích của Ben Tran còn cung cấp những gợi ý quan trọng để tìm hiểu các hiện tượng khác trong văn học Việt Nam giai đoạn 1900-1945 cũng như những vấn đề giới nói chung trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam. Chẳng hạn, những bài thơ mang sắc thái hưởng lạc của Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Lê Kỷ, Vũ Phạm Hàm ở đầu thế kỷ XX có thể được đọc như một cách phản ứng với tình thế mới của các nhà nho lỡ thời – nhóm đối tượng chưa được đề cập đến trong nghiên cứu của Ben Tran. Việc các nhà nho này phủ định hoàn toàn những gì đã từng được coi là mục đích chung thân như đỗ đạt - làm quan và công khai phát biểu triết lý sống gấp, hưởng thụ thú vui thanh sắc trong văn chương - thứ từng được xem là chỉ để chuyên chở đạo đức và bộc lộ những tình cảm phù hợp với lễ giáo - dường như cũng là biểu hiện của một dạng nam tính bất an ở một tầng lớp lạc lõng và xa lạ trong hoàn cảnh xã hội hậu khoa bảng.
Ngoài ra, những gợi mở của Ben Tran về ngôi phát ngôn và ngôn ngữ trần thuật có thể được sử dụng để đọc lại sáng tác văn học của các cây bút nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX như Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đạm Phương nữ sử, Phan Thị Bạch Vân trong thế đối sánh với sự bùng nổ về tần suất xuất hiện đại từ “tôi” để tự xưng của các nhà văn nam lúc bấy giờ. Trong khi từ “tôi” được xưng tụng như một dấu hiệu của sự lên ngôi của chủ nghĩa cá nhân, Ben Tran phát hiện ra rằng trong phát ngôn của các nhân vật nữ, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít này khó có được thái độ trung tính như trường hợp chủ thể phát ngôn nam giới vì liên tục bị đặt vào một quan hệ quyền lực vốn đã được thiết lập sẵn trong cấu trúc ngôn ngữ Việt (tôi - ông, tôi - anh, tôi - ngài...). Cách kiến giải này có thể được dùng để xem xét cách từ “tôi” hiện diện vừa trong vị thế ngôi trần thuật (cách tự xưng của người viết nữ với độc giả) vừa trong phát ngôn của nhân vật nữ trong các tình huống truyện kể, từ đó tiết lộ vị thế của những cây bút nữ vừa chính thức tham gia vào đời sống in ấn xuất bản cũng như địa vị của người nữ (thuộc các giai tầng xã hội khác nhau) trong các bối cảnh giao tiếp xã hội cụ thể.
Không chỉ thế, khi bàn về việc trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX tiếp nhận tác giả queer André Gide và bầu khí quyển lý tưởng cho sự hiện diện của những tiếng nói vốn bị coi là “lệch chuẩn” về tình dục và hầu như khó có cơ hội cất tiếng trong bối cảnh nam tính khoa bảng trước đó, Ben Tran đã đưa ra những gợi dẫn đáng giá cho việc nhìn nhận lại sáng tác của các tác giả queer Việt Nam bấy giờ, điển hình như Xuân Diệu. Hiện tượng Xuân Diệu trong tư cách một thành viên của Tự Lực văn đoàn - một bút nhóm chủ trương tiếp cận cái hiện đại để cải biến văn hóa có thể được phân tích vừa như sản phẩm của sự giao thoa với phương Tây, vừa như sự tích hợp và tiếp biến những giá trị giới mà André Gide và Oscar Wilde đã gợi mở.
Nhìn chung,
Post-Mandarin: Masculinity and Aesthetic Modernity in Colonial Vietnam không chỉ đưa ra những góc nhìn mới mẻ và giá trị, nới rộng biên độ tiếp cận đời sống văn hóa Việt Nam hiện đại từ nhãn quan giới, mà còn mở ra những hướng đi tiềm năng cho các nghiên cứu về giới trong bối cảnh Việt Nam ở giai đoạn 1900-1945 cũng như các thời kì trước và sau đó.