Con người và các loài khác đều la hét để báo hiệu nguy hiểm, nhưng dường như chỉ con người mới la hét để báo hiệu những cảm xúc tích cực như vui sướng tột độ.

Ở các loài linh trưởng không phải con người và các loài động vật có vú khác, tiếng kêu giống như tiếng hét thường được dùng làm tín hiệu báo động dành riêng cho các bối cảnh tiêu cực và xung đột xã hội, như sự hiện diện của động vật ăn thịt hoặc các mối đe dọa khác từ môi trường.

Con người cũng được cho là sử dụng tiếng hét để báo hiệu nguy hiểm và hăm dọa những kẻ săn mồi. Nhưng con người không chỉ la hét khi sợ hãi và muốn tỏ ra hung hăng, mà còn la hét khi họ trải qua những cảm xúc khác như tuyệt vọng và phấn khích.

Các nghiên cứu trước đây về chủ đề này chủ yếu tập trung vào tiếng hét thể hiện sự sợ hãi và tiếng hét báo động, vì vậy ý ​​nghĩa rộng hơn của các loại tiếng hét khác nhau vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Trong nghiên cứu công bố ngày 13/4 trên tạp chí truy cập mở PLOS Biology, tác giả Sascha Frühholz ở Đại học Zurich và các đồng nghiệp đã giải quyết khoảng trống kiến ​​thức này.


12 người tham gia thí nghiệm được yêu cầu phát ra tiếng hét tích cực và tiêu cực. Một nhóm khác thử đánh giá bản chất cảm xúc của tiếng hét, phân loại tiếng hét thành các loại khác nhau, và họ được chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để đo lường hoạt động thần kinh khi lắng nghe tiếng hét.

Kết quả cho thấy, người nghe có thể nhận biết và phân loại sáu loại tiếng hét khác nhau về mặt tâm lý, biểu thị sự đau đớn, tức giận, sợ hãi, vui sướng, buồn bã và vui vẻ. Và ngạc nhiên là, người nghe phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn, với độ nhạy thần kinh cao hơn, đối với những tiếng hét "tích cực" không mang tính báo động, hơn là những tiếng hét tiêu cực mang tính báo động. Cụ thể, những tiếng hét không mang tính báo động tạo ra nhiều hoạt động hơn trên vùng não trước và thính giác của người nghe. Theo các tác giả, phát hiện này cho thấy bản chất của tiếng hét, như một tín hiệu giao tiếp ở con người, thể hiện nhiều cảm xúc và thậm chí được ưu tiên cho mục đích khác chứ không còn chủ yếu là tín hiệu báo động như những giả thuyết thông thường.

"Báo hiệu nguy hiểm và đe dọa từ lâu đã được cho là mục đích chính của tín hiệu giao tiếp bằng tiếng hét. Mặc dù điều này có vẻ đúng với giao tiếp bằng tiếng hét ở động vật linh trưởng và các loài động vật khác, nhưng giao tiếp bằng tiếng hét dường như đã đa dạng hóa và có các mục đích quan trọng khác ở con người... Con người và các loài khác đều la hét để báo hiệu nguy hiểm, nhưng có vẻ như chỉ con người la hét để báo hiệu những cảm xúc tích cực như vui sướng tột độ", TS Frühholz lưu ý. "Sự thay đổi mức độ ưu tiên này có thể là do yêu cầu của bối cảnh xã hội phức tạp và tiến hóa ở con người".

Nguồn: