“Tiến trình thành nhân” (On Becoming A Person) của Carl Rogers - người góp phần thiết lập trường phái tâm lý học nhân văn vào những năm 1950 - không phải là cuốn sách chuyên khảo dành cho các nhà trị liệu tâm lý.

Tập hợp những bài báo ông viết trong suốt một thập kỷ, đây là cuốn sách ông muốn dành tất cả mọi người, thuộc mọi lứa tuổi và ngành nghề khác nhau.

Tiến trình thành nhân luôn nằm trong danh sách các cuốn sách bán chạy từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1961 cho đến nay. Bản thân Carl Rogers (1902-1987) được các đồng nghiệp ngày nay đánh giá là nhà trị liệu tâm lý đáng kính trọng thứ hai của thế kỷ XX, chỉ sau Sigmund Freud.
Tiến trình thành nhân luôn nằm trong danh sách các cuốn sách bán chạy từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1961 cho đến nay. Bản thân Carl Rogers (1902-1987) được các đồng nghiệp ngày nay đánh giá là nhà trị liệu tâm lý đáng kính trọng thứ hai của thế kỷ XX, chỉ sau Sigmund Freud.

Giống như tên gọi của nó, trường phái tâm lý học nhân văn lấy con người làm trung tâm. Ngay trong chương đầu cuốn sách, Rogers đã kể lại trải nghiệm của mình với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý. Sau một thời gian dài làm việc và nghiên cứu, ông nhận thấy bản thân mình, cũng như các chuyên gia khác, không có đủ năng lực để giải quyết trọn hảo vấn đề của người khác. Rogers hiểu rằng không thể giúp đỡ những bệnh nhân của mình bằng bất cứ phương pháp nào dựa trên kiến thức, sự tập luyện hoặc những lý thuyết đã được truyền dạy, và gọi đó là sự thất bại của những phương pháp duy lý.

Rogers đào sâu những luận điểm của mình và đi đến khẳng định: mọi thay đổi tích cực từ thân chủ chỉ có thể đến qua những mối tương giao hiệu quả. Nhà trị liệu cần chân thực trong sự tương giao, chấp nhận thân chủ của mình như họ là, tạo ra một cảm thông sâu xa giúp nhà trị liệu có thể nhìn thế giới riêng của thân chủ bằng con mắt của thân chủ. Chỉ qua sự “cộng cảm” đó, thân chủ mới có điều kiện thuận lợi để tiến tới sự trưởng thành. Điều này không chỉ hiệu lực trong trị liệu tâm lý, nó còn đúng trong các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy cô và học sinh, nhà quản lý và nhân viên. Những liên hệ thực sự sẽ tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh để người ta có thể tiếp xúc với con người thật của mình.

"Khi có người đến với tôi, bối rối vì bao khó khăn chồng chất, thì điều tốt nhất là tạo ra một mối tương giao để người ta cảm thấy bình an và tự do. Theo kinh nghiệm của tôi, họ sẽ sử dụng tự do đó để càng lúc càng trở nên là chính mình".

Đối với Rogers, kinh nghiệm cá nhân, trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp với thân chủ mới là điều có thẩm quyền cao nhất, là tiêu chuẩn của mọi giá trị. “Có thể nói, Thánh Kinh và các tiên tri, Freud và mọi công trình tìm tòi, mặc khải của Thượng đế hay con người cũng không thể đi trước kinh nghiệm trực tiếp của tôi”.

Các ý tưởng của Rogers hiện nay đã trở nên quen thuộc đến nỗi chúng ta khó có thể hình dung chúng đã mang tính cách mạng thế nào khi xuất hiện vào 60 năm trước.

Việc tạo ra những mối tương giao ý nghĩa sẽ là trải nghiệm khác biệt với từng cá nhân. Chính vì vậy quá trình của tâm lý trị liệu lấy thân chủ làm trọng tâm sẽ là trải nghiệm độc đáo riêng có. Đó là sự quan tâm đủ đầy đến một người mà không gây trở ngại đến sự phát triển của người ấy. Rogers luôn coi thân chủ của mình như một sinh thể sống động, một “dòng chảy”, một “tiến trình” liên tục mở thay vì là một đối tượng cố định và để phân tích, đóng khung bởi những lý thuyết xơ cứng.

Với việc coi thân chủ như một sinh thể đang trong “tiến trình” chuyển hóa chứ không phải “sản phẩm” định hình bởi những thôi thúc sinh học hay những ám ảnh quá khứ, Rogers đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong thế giới tâm lý học vào thời điểm cuốn sách ra đời. Tuy nhiên, độc giả chỉ có thể cảm nhận điều này nếu so sánh với cách tiếp cận được thực hành bởi những người tiền nhiệm của ông, vốn chịu ảnh hưởng bởi lý thuyết của Jung hoặc Freud. Theo quan điểm của hai nhà phân tâm học nổi tiếng, thẳm sâu trong mỗi con người là một uẩn khúc đáng lo ngại, công việc của nhà trị liệu tâm lý là giúp cá nhân loại bỏ những xung lực đen tối này (Freud) hoặc tóm lấy chúng và học cách “kết hợp” chúng theo cách lành mạnh hơn (Jung).

Ngược lại với quan điểm thịnh hành thời bấy giờ vốn cho rằng thẳm sâu trong mỗi con người là những bản năng hoang dại đầy tội lỗi, phi lý, đầy những thôi thúc chống đối xã hội, hủy hoại bản thân và tha nhân, suy tưởng của Rogers “lạc quan” đến mức bị coi là khó chấp nhận ở thời điểm đó. Ông quan niệm nền tảng của “bản tính loài vật” là tích cực, cái cốt tủy thâm sâu nhất của nhân cách con người không xấu xa và lầm lạc như những gì các lý thuyết gia trên mô tả. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông nghiệm ra rằng, bên dưới lớp hành vi bề ngoài bị kiểm soát, bên dưới những niềm cay đắng và tổn thương là một bản ngã tích cực, không thù ghét và có tính xã hội. Nhờ trị liệu và những giao tiếp ý nghĩa, người ta mới có thể nhìn thẳng vào những góc cạnh ẩn khuất của mình, trở thành một thực thể với tiềm năng trọn vẹn và nhận thức phong phú.

Rogers nhận ra một “mẫu số chung” quan trọng trong tất cả các câu chuyện mà ông được nghe và biết từ các thân chủ: dường như tất cả mọi người đều không được sống là chính mình. Tất cả dường như đều tự nhốt mình trong giới hạn của một tồn tại xa lạ với bản thân. Đích đến của trị liệu tâm lý chính là tạo một bầu không khí lành mạnh và an toàn để các thân chủ đối mặt với “bản lai diện mục” của mình, từ đó sẽ tự giải quyết được vấn đề của chính họ.

"Nằm bên dưới bề mặt của những hiện tượng khiến thân chủ bực bội vẫn che giấu một mối khắc khoải chung. Dường như tôi nghe thấy từ đáy lòng mỗi người một câu hỏi duy nhất cất lên: “Tôi đích thực là ai? Làm sao để tôi trở thành chính tôi?