Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao loài người có bộ ngực nhô ra hơn nhiều so với các loài linh trưởng khác? Câu trả lời nằm ở quá trình tiến hóa hàng triệu năm của tổ tiên chúng ta.

Khi ta quan sát các loài linh trưởng khác như khỉ, vượn và cả những loài có quan hệ “bà con” gần gũi với con người như đười ươi, tinh tinh... thì có thể dễ dàng thấy rằng chúng không hề có một bộ ngực nhô ra như chúng ta.

Bộ ngực nhô ra giúp bé không bị ngạt khi bú. Ảnh minh họa.
Bộ ngực nhô ra giúp bé không bị ngạt khi bú. Ảnh minh họa.

Còn con người, sau tuổi dậy thì, ngay cả khi không mang thai và không cho con bú, bộ ngực luôn giữ hình dáng “đôi gò bồng đảo”. Vậy vì sao lại có điều này? Câu trả lời đã được Gillian Bentley, nhà sinh học tiến hóa ở ĐH London, Anh trả lời trên tạp san New Scientist số ra tháng 11/2009.

Theo đó, việc bộ ngực con người nhô ra hơn so với các loài linh trưởng khác là vì sự tiến hóa của bộ não. Tổ tiên chúng ta đã ngày càng thông minh hơn nhờ sự gia tăng thể tích của bộ não. Điều này kéo theo những sự thay đổi của sọ và mặt, xương trán nhô ra, xương hàm thụt vào, bộ mặt trở lên phẳng hơn. Cấu tạo miệng cũng thay đổi, lưỡi và các cơ của lưỡi thay đổi để phát triển tiếng nói.

Chính vì cấu tạo của bộ mặt phẳng hơn, nên nếu bộ ngực vẫn cứ “phẳng” thì có thể làm cho vú lấp vào mũi em bé khi bú khiến em nghẹt thở. Hay nói cách khác, bộ ngực đã tiến hóa theo sự phát triển của bộ não. Chỉ các loài linh trưởng khác có bộ não nhỏ, xương hàm nhô ra như khỉ, voọc... mới có thể thoải mái bú vú “lép” của mẹ mà không sợ bị ngạt.