Nghiên cứu vừa công bố của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford của Anh đã chứng minh, những con chim hoang dã không chỉ dâng hiến cho bạn đời cả quãng đời còn lại mà còn sẵn sàng chấp nhận nguy cơ chết đói chỉ để tiếp tục được ở bên cạnh bạn đời của mình.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford do nhà sinh vật học Josh Firth đứng đầu đã thực hiện bài kiểm tra lòng chung thuỷ của một số các loài chim nổi tiếng là “chung thủy, một vợ - một chồng” như chim sẻ ngô, vẹt…
Các nhà khoa học thiết lập những trạm cho ăn tự động tại khu vực Wytham Woods ở phía tây của Đại học Oxford.
Điều đáng nói là các trạm này được thiết lập để cặp chim có thể vào được, nhưng chỉ một trong hai con được cung cấp thức ăn. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã tạo ra những thẻ nhận dạng đặc biệt gắn ở chân chim. Khi những con chim này đứng vào, nơi chứa thức ăn sẽ chỉ mở cho những con chim đực hoặc ngược lại.
Điều đáng nói là mặc dù những con chim thiếu thức ăn đối diện với nguy cơ chết đói nhưng chúng vẫn chấp nhận ở lại với bạn tình của mình thay vì bỏ đi kiếm mồi ở nơi khác.
Kết quả cho thấy tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội của các loài chim hoang dã, ngay cả khi những mối quan hệ ấy có ảnh hưởng bất lợi đến khả năng tiếp cận lương thực của chúng.
Những con chim muốn ở bên bạn đời của mình trong suốt mùa đông hơn là đi nơi khác tìm kiếm đồ ăn.
Josh Firth - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Lựa chọn ở gần bạn đời thay vì đi nơi khác tìm kiếm thức ăn cho thấy quyết định trong ngắn hạn của một cá thể chim được định hình để đạt được những lợi ích lâu dài của việc duy trì các mối quan hệ quan trọng. Ví dụ, chim sẻ trưởng thành cần ở bạn tình khả năng sinh sản và nuôi chim non”.
“Vì vậy, ngay cả ở động vật hoang dã, hành vi của một cá thể có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của những cá thể có mối quan hệ xã hội gần gũi” - ông Firth nói thêm.
Một khía cạnh khác của nghiên cứu này cũng khiến các nhà khoa học phải kinh ngạc. Đó là việc những con chim được khảo sát khá nhanh chóng thích ứng và tìm ra cách đối phó với các máy cho ăn tự động.
Cụ thể là, những con chim có thể mở được nơi chứa thức ăn đứng vào vị trí để cửa mở rồi chủ động bay nhanh ra, nhằm giúp người bạn đời tận dụng khoảng thời gian hai giây trước khi máy tự động đóng cửa hoàn toàn để ăn thức ăn.
“Rất nhiều cặp chim đã áp dụng chiến thuật hợp tác thú vị này để “ăn trộm” thức ăn. Chúng cho thấy khả năng thích ứng rất nhanh chóng” - ông Josh Firth tiết lộ.
Dù các nhà khoa học mới chỉ khảo sát trên một số các loài chim tiêu biểu nổi tiếng về chung thủy, nhưng họ tin rằng nghiên cứu cũng sẽ có kết quả tương tự đối với các loài chim khác.
Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.