Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature cho biết, từ các mảnh gốm thời kỳ đồ đá mới được phát hiện ở châu Âu, Trung Đông và vùng Bắc Phi, các nhà khoa học Anh kết luận, con người đã thu thập và sử dụng ong mật từ gần 8.500 năm trước.
Bà Melanie Roffet-Salque - nhà khoa học thuộc Đại học Bristol (nước Anh), tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Việc người thượng cổ dùng mật ong là điều dễ hiểu, bởi lẽ đây là chất làm ngọt rất hiếm đối với họ. Sáp ong cũng được họ sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như trang trí, làm đẹp hoặc để chữa bệnh và dùng trong các nghi lễ…”.
Nghiên cứu trên còn cung cấp những thông tin quý báu về loài ong, cũng như việc sử dụng mật ong của người cổ đại. Trước nay các nhà khảo cổ không thể tìm thấy các hóa thạch của mật ong, bởi lẽ chúng chứa rất nhiều đường - chất rất khó tồn tại lâu dài. Chúng ta chỉ mới biết tới việc người Ai Cập cổ đại từng sử dụng mật ong thông qua các bức tranh cổ trên đá. Phát hiện này đã đẩy lùi mốc thời gian con người khai thác loài động vật có ích này xuống hàng nghìn năm.
Ông Mark Winston - giáo sư về nghề ong và côn trùng tại Đại học Simon Fraser (Canada) - nhận định: “Nghiên cứu này chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa con người và loài ong xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử”.
Bà Roffet - Salque cho biết thêm, những mảnh gốm cổ đã hé lộ khu vực ong mật sinh sống và việc loài ong này đã thích nghi với sự biến đổi khí hậu trong suốt 8.500 năm qua ra sao.
Các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng loài ong thời kỳ đồ đá mới xuất hiện từ vĩ tuyến 57 độ lên phía bắc. Tuy nhiên, hiện tại loài ong đã thích nghi với môi trường và xuất hiện nhiều ở các khu vực này.
Số lượng ong mật đã giảm mạnh trong thời gian qua. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã thu hẹp không gian sinh tồn của chúng. “Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến con người, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp” - Giáo ưu Mark Winston cho biết.
Lê Mai (Theo Techtimes)