Một chú mèo Nhật Bản có thể bắt chước hành động của chủ nhân trong điều kiện thử nghiệm được kiểm soát. Cho đến nay, khả năng bắt chước mới chỉ được nhìn thấy ở một số ít động vật.

"Phát hiện này thực sự thú vị," Kristyn Vitale, nhà nghiên cứu nhận thức mèo và nhà hành vi động vật tại Đại học Unity, cho biết. "Mọi người nghĩ mèo là loài thích đơn độc, nhưng nghiên cứu này củng cố ý tưởng rằng chúng đang theo dõi và học hỏi từ chúng ta.”

"Làm theo tôi"

Phát hiện này đến từ một sự tình cờ may mắn. Claudia Fugazza, nhà tập tính học tại Đại học Eötvös Loránd, đã nghiên cứu khả năng nhận thức của loài chó trong gần 10 năm bằng phương pháp huấn luyện “Làm theo tôi”. Theo đó, trước tiên nhà nghiên cứu huấn luyện một con chó hoặc động vật khác bắt chước một hành vi mà nó đã biết - chẳng hạn như lăn lộn. Đầu tiên, họ nói "Làm theo tôi", lăn và sau đó nói "Làm đi!", nếu con chó làm theo sẽ được thưởng. Theo thời gian, con vật học được cách bắt chước. Hành động bắt chước sẽ thay đổi dần dần, và mục đích cuối cùng của phương pháp này là để kiểm tra xem động vật có thể thực sự bắt chước hay không - tức là bắt chước các hành động mà chúng chưa từng làm trước đây, như rung một quả chuông.

Fugazza cũng là huấn luyện viên chó. Trong thời gian làm việc với Fumi Higaki, người huấn luyện chó ở Ichinomiya, Nhật Bản, cô được Higaki cho biết đã huấn luyện một trong những con mèo của mình với phương pháp "Làm theo tôi". Chú mèo 11 tuổi có tên Ebisu sống trong cửa hàng thú cưng của Higaki và rất thích ăn uống, giúp cô dễ dàng dùng phương pháp này để huấn luyện. "Nó thường lẻn vào các lớp huấn luyện chó của tôi vì biết ở đó có những món ngon," Higaki nói.

Mèo Ebisu bắt chước Fumi Higaki trong một thử nghiệm "Làm theo tôi".

Fugazza đã muốn nghiên cứu khả năng bắt chước ở các loài khác ngoài chó, và chú mèo này là ứng viên rất phù hợp. Nhưng Ebisu sợ người lạ. Vì vậy, Higaki trực tiếp tiến hành các thí nghiệm vào buổi tối tại cửa hàng thú cưng của cô, trong khi Fugazza giám sát từ cuối phòng.

Đầu tiên, Higaki cho thấy Ebisu có thể bắt chước các hành động quen thuộc, như kéo mở một ngăn kéo và cắn một sợi dây cao su. Sau đó, cô yêu cầu chú mèo bắt chước hai hành vi mới: dùng tay phải chạm vào một chiếc hộp các tông, và cúi xuống và dụi mặt vào hộp.

Trong 16 thử nghiệm với hai hành vi mới, Ebisu đã bắt chước chính xác chủ của mình hơn 81% số lần, nhóm nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Animal Cognition. Theo nhóm nghiên cứu, việc Ebisu có thể bắt chước chủ nhân, dùng chân phải và mặt để chạm vào hộp, cho thấy nó có thể "lập bản đồ" các bộ phận trên cơ thể của chủ nhân và tìm ra bộ phận tương ứng trên cơ thể của chính mình.

Những điều học được từ Ebisu

Fugazza nói, đến nay chỉ có cá heo, vẹt, vượn và cá voi sát thủ mới bắt chước được con người. Cô cho rằng, việc mèo có khả năng tương tự chứng tỏ khả năng bắt chước có thể phổ biến trong thế giới động vật, và đã phát triển từ sớm trong quá trình tiến hóa. Và mặc dù nghiên cứu chỉ được thực hiện trên một con mèo, Fugazza cho rằng hầu hết các con mèo đều có thể bắt chước người. "Tôi không nghĩ Ebisu là một thiên tài."

Nhưng Claudio Tennie, nhà tập tính học tại Đại học Tübingen, người đã nghiên cứu về nhận thức ở chó và động vật linh trưởng, lại không bị ấn tượng bởi nghiên cứu này. Anh nói rằng không thể biết được từ nghiên cứu liệu mèo có khả năng bẩm sinh trong việc bắt chước con người hay không, hay liệu khóa đào tạo chuyên sâu "Làm theo tôi" đã dạy cho chúng kỹ năng này. "Chúng ta có thể huấn luyện gấu đi xe máy," Tennie nói. "Điều đó không có nghĩa là bẩm sinh các con gấu đi xe máy."

Tennie cũng lưu ý rằng cả hai hành động bắt chước - dùng chân chạm vào hộp và dùng mặt cọ vào hộp - đều là những hành động mà mèo có thể làm mà không cần sự can thiệp của con người. "Tôi không tin rằng chúng ta đang nhìn thấy sự bắt chước thực sự."

Vitale lạc quan hơn. Vài năm trước, một trong những con mèo của cô, Bo, bắt đầu thích nhấn chuông sau khi thấy Vitale làm điều đó. "Hy vọng rằng những người khác sẽ nhân rộng các nghiên cứu như thế này để chúng ta biết mức độ của khả năng bắt chước ở loài mèo," Vitale nói.

Thật không may, đây sẽ là điều không thể với với Ebisu. Chú mèo bị bệnh thận vào năm ngoái và đã qua đời vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, đồng tác giả Adam Miklosi, nhà tập tính học nhận thức tại Eötvös Loránd, cho biết, sẽ có thêm nhiều nghiên cứu về mèo. Miklosi nói, nghiên cứu với Ebisu cho thấy những cách mới để huấn luyện và thực hiện các thí nghiệm nhận thức với mèo, loài vốn nổi tiếng là khó nghiên cứu. Ví dụ, bài báo củng cố rằng mèo - không giống như chó - thường chỉ thể hiện khả năng thực sự của chúng chỉ khi chủ nhân có mặt. "Chúng tôi có thể học hỏi rất nhiều từ Ebisu."

Nguồn: