Năm 1967, bác sĩ người Nam Phi Christiaan Barnard đã thực hiện thành công ca ghép tim người đầu tiên trên thế giới. Thành tựu này được các nhà sử học trong thế kỷ XX ca ngợi là mang ý nghĩa xã hội và khoa học tương đương với sự kiện con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

Bệnh nhân Louis Washkansky tỉnh lại sau ca ghép tim đầu tiên. Ảnh: Times.
Bệnh nhân Louis Washkansky tỉnh lại sau ca ghép tim đầu tiên. Ảnh: Times.

Vào buổi chiều ngày 2/12/1967, một thảm kịch đã xảy ra mở đầu cho chuỗi sự kiện làm nên cột mốc quan trọng trong lịch sử y học. Một gia đình lên kế hoạch ghé thăm bạn bè vào buổi chiều hôm đó và họ không muốn đến chơi tay không nên đã dừng xe đối diện với một tiệm bánh ở thành phố Cape Town, Nam Phi. Người cha Edward Darvall và con trai đợi trên xe trong khi vợ và con gái đi vào cửa hàng để mua bánh làm quà tặng. Khi băng qua đường, cả hai đều bị một chiếc ô tô chạy quá tốc độ đâm trúng. Người mẹ tử vong ngay lập tức và cô con gái Denise Darvall 25 tuổi được đưa đến Bệnh viện Groote Schuur trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ tuyên bố Denise Darvall đã chết não.

Chỉ những ai từng trải qua thảm cảnh tương tự mới có thể cảm nhận những gì mà người cha của Darvall phải trải qua. Trước sự ra đi của vợ và con gái, ông Edward Darvall vô cùng đau khổ. Tuy nhiên với sự can đảm và tình yêu thương đồng loại, ông đồng ý hiến tim và thận của con gái mình cho y học.

Cũng trong khoảng thời gian Denise Darvall gặp tai nạn, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Groote Schuur (Nam Phi) tiếp nhận bệnh nhân Louis Washkansky 53 tuổi sống tại Sea Point, vùng ngoại ô của thành phố Cape Town. Ông bị suy tim giai đoạn cuối, khiến cơ tim gần như không thể hoạt động bình thường. Cơ thể ông sưng phù, khó thở và cận kề cái chết. Tuy nhiên, ông luôn lạc quan và dũng cảm chiến đấu để giữ lại mạng sống mong manh của mình.

Giáo sư Velva Schrire, người đứng đầu nhóm bác sĩ chuyên khoa tim mạch, với bề dày kinh nghiệm đã sớm nhận ra rằng các kỹ thuật điều trị đang được áp dụng vào thời điểm đó không thể chữa khỏi tất cả các dạng suy tim nặng. Do đó, ông chuyển bệnh nhân Louis Washkansky sang khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực của Bệnh viện Groote Schuur. Cuộc gặp gỡ giữa bệnh nhân Louis Washkansky và vị giáo sư chuyên khoa tim mạch có tầm nhìn xa trông rộng này là một mắt xích khác trong chuỗi sự kiện làm nên lịch sử. Louis Washkansky đã sẵn sàng và đủ can đảm để dấn thân vào một ca phẫu thuật chưa từng được thử nghiệm trước đây, đó là cấy ghép tim.

Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực lúc bấy giờ là giáo sư Christiaan Barnard, người được đào tạo tại Đại học Cape Town (Nam Phi) và tại Mỹ. Ông là một bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao, tận tâm với công việc. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân Louis Washkansky, ông tập hợp một nhóm các đồng nghiệp tài năng để hỗ trợ mình thực hiện ca cấy ghép tim đầu tiên trên thế giới. Louis Washkansky sẽ thay trái tim của mình bằng tim của cô gái xấu số Denise Darvall đã đề cập ở trên.

Ngoài khả năng phẫu thuật vượt trội của giáo sư Barnard, ca cấy ghép tim còn cần đến kỹ năng của các bác sĩ đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Họ bao gồm các bác sĩ hỗ trợ chẩn đoán tình trạng tim mạch, chuyên gia X quang, các kỹ thuật viên xử lý những xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà miễn dịch học giúp xác định rằng trái tim hiến tặng sẽ không bị cơ thể bệnh nhân đào thải, các bác sĩ chịu trách nhiệm gây mê và giám sát tất cả những chức năng sinh lý quan trọng của bệnh nhân, các y tá giàu kinh nghiệm tại khoa hồi sức tích cực, điều dưỡng viên lành nghề, kỹ thuật viên vận hành máy tim-phổi và nhiều thiết bị khác, đơn vị dự trữ và cung cấp loại máu phù hợp với bệnh nhân.

Vào lúc nửa đêm của ngày 2/12/1967, ca phẫu thuật chính thức bắt đầu. Trước khi phẫu thuật, Barnard hỏi bệnh nhân Louis Washkansky liệu ông có cảm thấy lo lắng khi trước đó chưa từng có ca phẫu thuật nào về cấy ghép tim? Ông Washkansky trả lời: “Đây là cơ hội sống sót duy nhất của tôi nên tôi sẽ nắm lấy nó”.

Kỹ thuật mà Barnard sử dụng ban đầu được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ vào thập niên 1950. Bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Norman Shumway đã thực hiện ca ghép tim thành công đầu tiên trên một con chó tại Đại học Stanford ở California vào năm 1958.

Trước 6 giờ sáng Chủ nhật ngày 3/12/1967, một trái tim mới trong lồng ngực của bệnh nhân Louis Washkansky đã hoạt động trở lại sau khi chịu một cú sốc điện. “Tôi đã tốt hơn” là những gì ông Louis Washkansky đã nói trong cuộc trao đổi sau ca cấy ghép 33 giờ. Bài báo mô tả thành tựu đột phá này đã được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Nam Phi (South African Medical Journal).

Bệnh nhân Louis Washkansky đã dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch để giữ cho cơ thể không đào thải trái tim mới. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng khiến ông dễ mắc bệnh hơn, và chỉ 18 ngày sau ca phẫu thuật ông qua đời vì chứng viêm phổi. Dù sao trái tim mới của Washkansky vẫn hoạt động bình thường cho đến khi ông mất, và bác sỹ Barnard nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới.

Sự kiện này đã tập trung sự chú ý của giới truyền thông quốc tế vào Bệnh viện Groote Schuur, cũng như cho thấy trình độ chuyên môn và năng lực của đội ngũ cán bộ tại đây. Sự quan tâm của giới truyền thông đã làm thay đổi nhiều quy tắc chi phối mối quan hệ giữa y học và truyền thông vào thời điểm đó. Cụ thể, tên và khuôn mặt của người nhận tim Louis Washkansky và người hiến tặng Denise Darvall đều xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo lớn trên khắp thế giới. Điều này đã phá vỡ các quy tắc về tính ẩn danh của người hiến tặng nội tạng và người nhận.

Ngoài ra, ca ghép tim đầu tiên của bác sĩ Barnard là sự kiện y tế được công bố rộng rãi nhất trong lịch sử y học thế giới. Nguyên nhân là do nhiều nền văn minh tin rằng trái tim là nơi chứa đựng linh hồn của con người trong suốt nhiều thế kỷ. Ví dụ, quan niệm trên đã tồn tại trong một số nhóm dân bản địa thời kỳ tiền Colombo, bao gồm người Aztec. Cho đến nay, hình thức hiến tế người phổ biến nhất ở đế chế Aztec vào thế kỷ 15 là mổ lấy tim. Điều này dường như có liên quan đến niềm tin của người Aztec, khi họ cho rằng trái tim vừa là nơi trú ngụ của linh hồn vừa chứa đựng sức nóng của Mặt trời. Do đó, việc cấy ghép tim được coi là “phương pháp phẫu thuật đạt độ khó tương đương leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới Everest” như tờ Times đã mô tả. Dường như sẽ không bao giờ có một thành tựu y học tương tự trong mắt công chúng.

Ngày nay, khi cấy ghép tim đã trở thành một phương pháp điều trị phổ biến, người ta có xu hướng đánh giá thấp sự dũng cảm to lớn mà bác sĩ Barnard phải đối mặt khi thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên này. Ông đã can đảm chấp nhận rủi ro về y tế, đạo đức và pháp luật liên quan đến cấy ghép tim.

Bước sang thập niên 1970, sự phát triển của các loại thuốc chống đào thải sau khi ghép tạng tốt hơn đã giúp cho việc cấy ghép trở nên khả thi hơn, và tuổi thọ của bệnh nhân có thể kéo dài thêm hàng chục năm. Trong năm 2017, hơn 3.000 ca ghép tim đã được thực hiện thành công trên toàn thế giới. Mặc dù đây vẫn là một phương pháp điều trị với rủi ro, nhưng nó đã được tiến hành gần 70.000 lần trong suốt 50 năm qua.