Chu kỳ Mặt trời tác động tới tuổi thọ con người
Chu kỳ Mặt trời có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của con người một cách đáng ngạc nhiên. Mức độ hoạt động mạnh của Mặt trời trong năm sinh có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và rút ngắn tuổi thọ.
Gine Roll Skjærvø, nhà sinh vật học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), cùng các cộng sự tiến hành khảo sát dữ liệu nhân khẩu học của 8.662 người dân Na Uy từ năm 1676 đến năm 1878 (bao gồm nhóm người giàu và người nghèo). Các nhà nghiên cứu so sánh những dữ liệu này với chu kỳ bức xạ Mặt trời được ghi chép bởi Cơ quanQuản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Mức độ hoạt động của Mặt trời được đo bằng số lượng các vết đen trên bề mặt của ngôi sao này.Độ sáng vết đen bằng khoảng 1/4 độ sáng những vùng xung quanh. Nguyên nhân xuất hiện vết đen là do các biến đổitừ trườngrất mạnh trên Mặt trời.
Chu kỳ hoạt động của Mặt trời kéo dài trung bình khoảng 11 năm (chiều dài mỗi chu kỳ có thể thay đổi). Trong một chu kỳ, Mặt trời có 8 năm hoạt động “tối thiểu” và theo sau là 3 năm hoạt động “tối đa”. Thời gian Mặt trời hoạt động cực đại làm gia tăng số lượng các vết đen, tai lửa Mặt trời (solar flare) và bão từ. Bão từ có thể làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, hư hỏng vệ tinh, ảnh hưởng đến hệ thống điện trên Trái đất.
Biểu đồ mức độ hoạt động của Mặt trời theo số lượng các vết đen (thời điểm hoạt động mạnh nhất biểu hiện ở số lượng vết đen cao nhất). Ảnh: NASA
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B cho thấy, những người sinh ra trong thời kỳ Mặt trời hoạt động tối đa có tuổi thọ trung bình thấp hơn khoảng 5,2 năm so với những người sinh ra trong thời kỳ Mặt trời hoạt động tối thiểu. Các cá nhân sinh ra lúc Mặt trời hoạt động cực đại có tỷ lệ tử vong trước 2 tuổi ở mức cao hơn.
“Hoạt động mạnh của Mặt trời tại thời điểm sinh làm giảm khả năng sống sót đến tuổi trưởng thành, do đó sẽ rút ngắn tuổi thọ trung bình”,nhóm nghiên cứu nhận định.
Trong số những phụ nữ được sinh ra vào thời kỳ Mặt trời hoạt động tối đa, các phụ nữ nghèo - nhóm người thường xuyên làm việc ở bên ngoài, tiếp xúc nhiều với ánh nắng Mặt trời - có tỷ lệ sinh con thấp hơn và có ít con sống sót đến tuổi 20 hơn so với phụ nữ giàu, Skjærvø cho biết.
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng, thời kỳ Mặt trời hoạt động mạnh làm tăng lượng bức xạ tia cực tím (UV) chiếu xuống Trái đất. Tia cực tím có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bằng cách giảm axit folic, hoặc vitamin B9. Đây là hợp chất quan trọng giúp tế bào phân chia nhanh chóng và phát triển trong quá trình mang thai.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của tia cực tím trong giai đoạn đầu đời”, Mark Lucock, nhà di truyền học tại Đại học Newcastle, Australia, cho biết.
Thời kỳ Mặt trời hoạt động cực đại gần đây là các năm 1957, 1968, 1979, 1989, 2000, 2013. Thời kỳ Mặt trời hoạt động cực tiểu bao gồm các năm 1954, 1964, 1976, 1986, 1996, 2008. Hiện nay, Mặt trời đang ở chu kỳ hoạt động thứ 24. Giai đoạn Mặt trời hoạt động tối thiểu tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2019 hoặc 2020.
Mùa sinh ảnh hưởng đến tính cách con người
Theo Telegraph, Xenia Gonda và các cộng sự tại Đại học Semmelweis ở Budapest (Hungary) tiến hành nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa tính cách của một người và thời điểm người đó sinh ra. Họ phát hiện ra rằng, những đứa trẻ sinh ra vào mùa hè sẽ có tâm trạng dễ thay đổi khi chúng lớn lên, trong khi những đứa trẻ sinh vào mùa đông ít có khả năng trở thành người lớn dễ cáu kỉnh. Nhóm nghiên cứu trình bày phát hiện của mìnhtại hội nghị thường niên của Đại học Dược thần kinhchâu Âu (ECNP) ở Berlin, Đức.
Đứa trẻ sinh trong mùa đông ít có xu hướng phát triển tính khí cáu kỉnh. Ảnh:Alamy
Các nhà khoa học tiến khảo sát 400 sinh viên đại học tại Hungary. Họ kết hợp thông tin tính cách của những người tham gia với mùa sinh của họ trong năm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy các xu hướng tính cách về mặt thống kê như sau: Những người sinh ra trong mùa hè nhiều khả năng sẽ có tính khí “cyclothymic”, đặc trưng bởi sự thay đổi nhanh chóng tâm trạng buồn và vui vẻ.Tính khí “hyperthymic” - xu hướng lạc quan tích cực quá mức - cao hơn đáng kểở những người sinh vào mùa xuân và mùa hè. Người sinh vào mùa thu có ít khả năng bị trầm cảm hơn các mùa khác, trong khi người chào đời vào mùa đông thường điềm tĩnh, hiếm khi cáu kỉnh hoặc nổi giận.
“Các nghiên cứu hóa sinh đã chỉ ra rằng, mùa mà bạn được sinh ra ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh có chức năng kiểm soát tâm trạng và điều khiển cảm xúc như dopamine và serotonin. Quá trình ảnh hưởng của các chất dẫn truyền thần kinh này cũng được phát hiện ngay cả ở người trưởng thành. Điều này cho thấy yếu tố mùa sinh có tác động lâu dài đến tính cách con người», Gonda nói.
“Mặc dù cả hai yếu tố di truyền và môi trường đều góp phần hình thành tính cách con người, bây giờ chúng ta biết rằng mùa sinh cũng đóng một vai trò quan trọng”, Eduard Vieta, giáo sư tại ECNP, cho biết.
Sreeram Ramagopalan, giảng viên về khoa học thần kinh tại Đại học Oxford (Anh), cho biết: “Mùa sinh thậm chí còn ảnh hưởng đến một số chứng rối loạn tâm thần nhất định, chẳng hạn như tâm thần phân liệt. Ngoài ra, khả năng nhiễm trùng và mức độ vitamin D của phụ nữ mang thai cũng bị thay đổi theo mùa.”
Nhóm nghiên cứu thừa nhận, hạn chế của nghiên cứu là chỉ khảo sát một số lượng nhỏ người sống ở Hungary, quốc gia có mùa hạ nóng, khô và mùa đông lạnh. Những người sinh ra tại vùng xích đạo và những vùng mang đặc điểm khí hậu theo mùa khác có thể sẽ không cho cùng kết quả. Do đó, cần phải tiến hành những nghiên cứu sâu rộng hơn để đi tới kết luận chung cho tất cả mọi người.