Trong suốt quá trình lịch sử, Thế vận hội Olympic từng trải qua nhiều lần thay đổi địa điểm tổ chức, hủy bỏ sự kiện, thậm chí là bị tẩy chay do chiến tranh, căng thẳng chính trị, và thiên tai.
Do đại dịch Covid-19 không ngừng lan rộng và diễn biến phức tạp, Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tuyên bố Thế vận hội Mùa hè 2020, hay Olympic Tokyo 2020, sẽ bị hoãn lại một năm. Đây là lần trì hoãn đầu tiên mà Thế vận hội Olympic hiện đại phải đối mặt kể từ năm 1944 – trong bối cảnh diễn ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, Thế vận hội không còn xa lạ với những tình huống biến động. Sự kiện này từng chịu sự tẩy chay, cấm đoán, thậm chí là chuyển địa điểm tổ chức do núi lửa phun trào.
Núi lửa phun trào
Năm 1904, Rome xuất sắc vượt qua các thành phố khác như Berlin và Torino trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội 1908. Nhưng sau hai năm chuẩn bị cho sự kiện này, một thiên tai bất ngờ xảy ra. Núi lửa Vesuvius phun trào đã tàn phá nghiêm trọng các thành phố ở gần chân núi và làm tê liệt thành phố Naples. Do chi phí phục hồi thiên tai quá lớn, Ý đành phải hủy bỏ kế hoạch tổ chức Thế vận hội.
Nhưng ngay cả vụ phun trào núi lửa Vesuvius cũng không thể ngăn cản Thế vận hội diễn ra theo đúng thời gian định sẵn. Thay vào đó, các quan chức của Ủy ban Olympic Quốc tế quyết định chọn London làm chủ nhà, và thành phố chỉ có 10 tháng chuẩn bị. Hiệp hội Thế vận hội Anh đã tận dụng hiệu quả khoảng thời gian này, thậm chí họ còn xoay sở xây dựng một sân vận động hoàn toàn mới, và đây là lần đầu tiên một sân vận động được xây dành riêng cho Thế vận hội.
Châu Âu tham chiến
Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra vào tháng 7 năm 1914, Berlin đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 1916. Thành phố cũng xây một sân vận động mới. Buổi lễ khánh thành sân vận động được tổ chức khá hoành tráng, bao gồm một cuộc diễu hành lớn trước sự chứng kiến của Kaiser Wilhelm II – hoàng đế nước Đức đồng thời là vua của nước Phổ.
Trong lúc gần như toàn bộ châu Âu xảy ra chiến tranh, Ủy ban Olympic Quốc tế cân nhắc việc chuyển địa điểm tổ chức Thế vận hội đến vùng lãnh thổ trung lập hơn như Mỹ, quốc gia khi đó vẫn chưa tham gia vào cuộc chiến. Nhưng lần này vấn đề không chỉ nằm ở nơi đăng cai Thế vận hội, ban tổ chức lo ngại không đủ số lượng vận động viên tham gia các môn thi đấu. Tháng 12/1914, tờ New York Times đưa tin rằng: “Thế vận hội có khả năng bị hủy bỏ vì chiến tranh”. Cuối cùng, điều này cũng trở thành sự thật.
Năm 1920, Thế vận hội được tổ chức trở lại ở thành phố Antwerp, Bỉ. Ban tổ chức thả chim bồ câu tại buổi lễ khai mạc như một biểu tượng của hòa bình. Đây cũng là lần đầu tiên các vận động viên tuyên thệ tại một kỳ Thế vận hội. Trong hai thập kỷ tiếp theo, Thế vận hội diễn ra như bình thường, thậm chí còn mở rộng với sự ra mắt của Thế vận hội mùa đông đầu tiên vào năm 1924.
Phong trào tẩy chay và Thế chiến II
Ủy ban Olympic Quốc tế trao quyền đăng cai Thế vận hội 1936 cho Berlin, tượng trưng cho sự trở lại của Đức với cộng đồng quốc tế sau thất bại trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Nhưng sự trỗi dậy của Adolf Hitler và việc cấm các vận động viên Do Thái thi đấu khiến nhiều người phẫn nộ. Các phong trào tẩy chay Thế vận hội 1936 lan rộng trên khắp nước Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, và nhiều quốc gia khác.
Mặc dù Thế vận hội vẫn diễn ra vào năm 1936, nhưng nó đã bị hoen ố bởi chính sách bài Do Thái và chế độ phân biệt chủng tộc của Đức Quốc Xã. Đây cũng là kỳ thế vận hội cuối cùng trong hơn một thập kỷ do sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức cả Thế vận hội mùa hè tại Tokyo và Thế vận hội mùa đông ở Sapporo vào năm 1940. Tuy nhiên do xảy ra chiến tranh với Trung Quốc năm 1937, Nhật Bản bị mất quyền chủ nhà với lý do chi phí chiến tranh gia tăng, các quốc gia khác đe dọa tẩy chay, cũng như lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở Tokyo, Yokohama và Kobe. Ủy ban Olympic Quốc tế một lần nữa cân nhắc chuyển địa điểm tổ chức sang Phần Lan và Đức. Cuối cùng, nơi được chọn là thành phố Helsinki của Phần Lan. Nhưng đến năm 1940, Liên Xô xâm chiếm Phần Lan và Thế vận hội buộc phải hoãn lại.
Chiến tranh “nhấn chìm” thế giới cho đến năm 1945, khiến các quan chức phải tiếp tục hủy bỏ Thế vận hội Mùa hè ở London và Thế vận hội Mùa đông ở Cortina d’Ampezzo (Ý) năm 1944.
Năm 1964, Nam Phi bị cấm dự Thế vận hội do chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Năm 1976, thành phố Denver từ bỏ quyền đăng cai Thế vận hội sau khi người dân ở bang Colorado (Mỹ) không đồng ý sử dụng các quỹ công cộng để hỗ trợ công tác chuẩn bị.
Nổi tiếng nhất trong lịch sử gần đây, Mỹ đứng đầu một cuộc tẩy chay Thế vận hội Moscow năm 1980 để phản đối Liên Xô tấn công Afghanistan. Tổng cộng có 66 quốc gia đã tham gia tẩy chay, bao gồm Nhật Bản, Canada và Tây Đức. Bốn năm sau, Liên Xô đảo ngược lại tình thế khi đứng đầu 14 quốc gia khác tẩy chay Thế vận hội 1984 được tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) nhằm mục đích trả đũa.
Nhật Bản và “lời nguyền Olympic” 40 năm
Trong khi Thế vận hội vẫn tiếp tục được tổ chức sau nhiều lần bị tẩy chay và hủy bỏ, một số người mê tín cho rằng nó đã bị nguyền rủa và gặp vận rủi theo chu kỳ 40 năm – đặc biệt là bất cứ khi nào Nhật Bản đăng cai tổ chức. Đầu tháng 3/2020, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso than phiền về viễn cảnh hủy bỏ Thế vận hội Tokyo 2020 do đại dịch Covid-19.
“Thế vận hội dường như không thể diễn ra một cách thuận lợi cứ sau mỗi 40 năm, và đây hoàn toàn là sự thật”, ông Aso ám chỉ sự kiện Thế vận hội ở Nhật Bản bị hủy bỏ năm 1940 và cuộc tẩy chay do Mỹ lãnh đạo năm 1980.
Nhật Bản từng tổ chức Thế vận hội 1964, nhưng sự kiện năm đó cũng không được suôn sẻ. Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Indonesia tẩy chay Thế vận hội này sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế từ chối cho phép một số vận động viên của họ tham gia.
Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Shinzo Abe chính thức thông báo Nhật Bản hoãn Olympic Tokyo 2020 tới mùa hè năm 2021, mặc dù họ đã chi hơn 10 tỷ USD cho công tác chuẩn bị vào năm nay. Quyết định trên được xem là đúng đắn trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành, nhưng nó sẽ để lại hậu quả cho nền kinh tế xứ sở hoa anh đào.