Trước khi động cơ diesel và điện giúp cho công việc chèo thuyền trở nên thuận tiện, nhiệm vụ này đã phải tận dụng đến sức người và sau đó là ngựa.
Ở châu Âu, điển hình là tại Anh và Hà Lan, cũng như một phần của Pháp, Đức, Bỉ, … những thuyền kéo bằng sức ngựa (horse-drawn boat) đã từng rất phổ biến. Ngựa, đôi khi có thể là la hoặc lừa sẽ di chuyển dọc những bờ kênh và kéo theo một con thuyền (xuồng, hoặc xà lan) nhỏ chở đầy hàng hóa hoặc khách. Nhờ thuyền lướt đi trên mặt nước, cho nên lực ma sát thường rất nhỏ, giúp ngựa có thể kéo được tổng trọng lượng gấp 50 lần những cỗ xe 4 bánh (coach) truyền thống trên đường bộ. Trước đó, người ta phải dùng đến sức người (chủ yếu là đàn ông), bởi quyền sở hữu đất đai, bao gồm cả khu vực nhiều bờ sông, thường thuộc về tư nhân và cũng không có lối đi được xây dựng dành riêng cho động vật.
Đến cuối thế kỷ XVIII, Anh Quốc bắt đầu cho xây dựng những tuyến đường chuyên dụng dọc bờ sông và kênh rạch, hiện thực hóa giải pháp thay thế sức người bằng động vật trong hoạt động kéo thuyền. Trước đó, xà lan ngựa kéo cũng đã trở thành một phương thức vận chuyển bưu phẩm, hàng hóa và hành khách khá hiệu quả. Trong thời cách mạng công nghiệp ở “xứ sở sương mù”, xà lan ngựa kéo thường sẽ đảm nhận nhiệm vụ di chuyển những khối hàng lớn vào sâu trong đất liền.
Trong giai đoạn 1770 – 1830, nước Anh bắt đầu chứng kiến một thời kỳ bùng nổ hoạt động xây dựng kênh đào. Tùy theo từng cách hiểu mà có người gọi đây là thời “hoàng kim” (Golden Age) hay “phát rồ” (mania) vì kênh đào. Rất nhiều khoản tiền lớn được bỏ ra, mặc dù chưa hẳn đã mang lại lợi ích, khiến tổng chiều dài mạng lưới kênh rạch gia tăng chóng mặt, lên đến 4.000 dặm (khoảng 6.400 km). Người người đua nhau thành lập các công ty xây dựng [kênh đào] và cạnh tranh điên cuồng, thâm chí bằng mọi thủ đoạn.
Nhưng thực tế thì những con kênh được xây dựng vào thế kỷ XVIII này thường có bề ngang rất hẹp, và chỉ loại thuyền nhỏ (rộng dưới 2 m) mới có thể thuận tiện lưu thông. Ngoài ra, người ta còn phải tìm cách ngăn không cho dây buộc thuyền (với ngựa) vướng vào nhau khi lũ ngựa di chuyển từ bờ này sang bờ khác, hay đi dưới cầu hoặc trong hầm.
Tại những nơi mà ngựa cần đổi chiều, người ta cho xây các vòng xoay (turnover) hoặc cầu rẽ (changeline bridge) có đường dốc thẳng hàng với đường riêng [của ngựa] ở cùng phía của cây cầu, cho phép ngựa băng qua đoạn kênh mà không cần phải tháo dây buộc. Khi ấy, ngựa chỉ cần leo dốc ở một bên, băng qua cầu sang đến phần bia kia rồi lại tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, cũng có những đoạn đường phải chui bên dưới hầm cầu. Khi không còn giải pháp nào khác, người ta buộc phải tháo dây, tách thuyền khỏi ngựa và tự chèo thuyền để đi qua đoạn đường hầm. Đó thực sự là một công việc rất khó khăn và nguy hiểm, do họ phải nằm ngửa, áp chân lên vách hoặc mái để đẩy thuyền về phía trước, vì thế đòi hỏi người chèo thuyền phải có kinh nghiệm.
Tại Hà Lan, nơi giao thông đường sông đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống của người dân, thuyền kéo bằng sức ngựa đã xuất hiện rất sớm, thậm chí trước Anh Quốc gần một thế kỷ. Người dân nơi đây vẫn hay gọi đó là trekschuit (tiếng Hà Lan nghĩa là xà lan kéo). Theo nhiều tư liệu, chiếc trekschuit đầu tiên di chuyển giữa Amsterdam và Haarlem năm 1632 đã chở tới 30 khách. Những con kênh thường được đào theo một đường thẳng để tiết kiệm lộ trình, song hành khách đôi khi cũng phải đổi thuyền giữa chừng. Các điểm dừng chân như vậy sau được gọi bằng cái tên Halfweg, mang nghĩa là “nửa chừng”. Mô hình Trekschuit này đã chứng tỏ hiệu quả và thành công đến mức nó được mở rộng, kéo dài từ Haarlem đến tận Leiden (cách nhau gần 50 km) chỉ sau hai thập kỷ.
Tới cuối thế kỷ VXIII, một mạng lưới rộng lớn các dịch vụ trekschuit và phà đã kết nối tất cả những thành phố quan trọng ven biển của Hà Lan. Loại hình di chuyển và thăm quan bằng trekschuit đã rất được yêu thích, nhờ thoải mái hơn nhiều so với xe ngựa 4 bánh, khá rẻ và tốc độ cũng không quá tệ (trung bình 7 km/h, nhanh hơn đi bộ). Hệ thống này còn nổi tiếng tới mức nó được du nhập sang Mỹ khi người Mỹ cho xây dựng kênh đào Ohio và Erie vào năm 1820.
Sau này, cùng với sự ra đời của đường sắt, những chiếc thuyền kéo bằng sức ngựa, không thể tránh khỏi đã dần trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, chúng không hề biến mất hẳn mà vẫn tồn tại đây đó như một phương tiện thu hút du khách, đặc biệt là tại Anh như Foxton, Godalming, Tiverton, Ashton-under-Lyne, Newbury, Llangollen, …