Thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment), diễn ra từ cuối thế kỷ XVII đến xuyên suốt thế kỷ XVIII, là giai đoạn khoa học và tư tưởng nở rộ, mà đỉnh cao là hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp. Nhưng cùng lúc, hàng triệu người da đen (châu Phi) cũng bị bắt làm nô lệ, bị đưa đến Tây bán cầu và trở thành món hàng trao đổi trên thị trường.

Cách mạng Pháp. Ảnh: Wikepedia.
Cách mạng Pháp. Ảnh: Wikepedia.

Vì thế trong cuốn sách The Enlightment (tái bản lần thứ 3, NXB ĐH Cambridge), nhà sử học Dorinda Outram tại Đại học Rochester (Mỹ) đã gọi Thế kỷ Ánh sáng là một giai đoạn “gây nhiều tranh cãi.”

Những tư tưởng lớn

“Ra đời cuối thế kỷ XIX, thuật ngữ enlightment (tức khai sáng) trong tiếng Anh về bản chất chính là dịch lại từ lumières (tiếng Pháp) và Aufklärung (tiếng Đức) phổ biến trong thế kỷ XVIII, đều mang nghĩa ‘ánh sáng’” – theo lý giải của GS. John Robertson chuyên về lịch sử tư tưởng chính trị tại ĐH Cambridge trong cuốn The Enlightenment: A Very Short Introduction (Kỷ nguyên Khai sáng: Một dẫn nhập ngắn, NXB ĐH Oxford, 2015).

Đây thực sự là giai đoạn nở rộ của những trào lưu và tư tưởng mới lạ. Đó là sự hoài nghi không ngừng tăng về tính chính danh (legitimacy) của các vương triều, đặc biệt là quan niệm về một vị quân chủ nắm quyền lực tuyệt đối – người có thể tùy tiện đặt ra luật pháp dựa trên ý thích. Thay vào đó, người ta bắt đầu biết đòi hỏi và cổ vũ việc xác lập các quyền tự do, nhất là tự do cá nhân. Trong cuốn Common Sense (xuất bản năm 1776, bản dịch tại Việt Nam mang tên Lẽ thường), Thomas Paine (1737–1809) viết: “Cung điện của những vị vua đã được dựng lên trên tàn tích của các thiên đường.”

Chính những tư tưởng này đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Pháp (1789–1793), khiến Vua Louis XVI bị chặt đầu và nền Đệ nhất Cộng hòa được thành lập. Cũng như các vị tổ tiên của mình, Vua Louis XVI đã cai trị nước Pháp như một vị quân chủ mang quyền lực tuyệt đối, ngụ tại Cung điện Versailles xa hoa – biểu tượng giàu có và quyền uy một thời của đế chế. Sự hoài nghi về chế độ quân chủ cũng phát triển mạnh ở Mỹ, dẫn đến cuộc Chiến tranh giành độc lập (1775 – 1783) khỏi Anh Quốc và khai sinh nhà nước cộng hòa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, xã hội cũng ngày càng “mệt mỏi” với các chức sắc tôn giáo vốn đang nắm giữ quá nhiều đặc quyền, bao gồm cả chính trị. Hòa ước Westfalen (1648) kết thúc cuộc chiến 30 năm ở Đức, cùng Chiến tranh 80 năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, đã kéo theo sự suy giảm quyền lực của Giáo hoàng trên khắp châu Âu. Sang thế kỷ XVIII, xu hướng này vẫn tiếp diễn, đặc biệt là trong Cách mạng Pháp. Ngay từ khi lập quốc, nhà nước Mỹ đã chủ trương “thế tục hóa” khi tuyên bố trong Hiến pháp: “Quốc hội sẽ không ban hành luật ủng hộ hay ưu tiên sự thành lập của bất cứ tôn giáo nào, cũng như cấm đoán việc tự do thực hành tín ngưỡng.”

Kỷ nguyên Ánh sáng cũng là giai đoạn chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong hiểu biết của con người và cách vận dụng tri thức khoa học hơn là tôn giáo để lý giải các hiện tượng tự nhiên. Isaac Newton, Daniel Fahrenheit, Benjamin Franklin, Alessandro Volta, … chính là những đại diện tiêu biểu nhất của một thế hệ gồm vô số các nhà khoa học và phát minh vĩ đại. Những khám phá của họ, chẳng hạn trong lĩnh vực điện học, đã đặt nền móng mở đường cho cuộc Cách mạng Công nghiệp về sau và cả những thành tựu mà nhân loại hiện đang được hưởng.

Cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật là hoạt động truyền bá tri thức trên toàn cõi châu Âu. Việc phổ biến thông tin trở nên nhanh, thuận tiện và rẻ hơn bao giờ hết nhờ sự ra đời của kỹ thuật in mới do Johannes Gutenberg phát minh từ thế kỷ XV. Như đặc san Encyclopédie (Bách khoa thư) xuất bản tại Pháp trong giai đoạn 1751–1772 đã thu hút hàng vạn người mua, nhờ lượng thông tin và tri thức khổng lồ mà nó cung cấp. Chưa hết, việc các tiệm cafe sách – nơi mọi người lui tới có thể thoải mái đọc – mọc lên ngày càng nhiều cũng góp phần định hình văn hóa đọc, và giúp mọi thành phần trong xã hội có thêm cơ hội tiếp cận những nguồn tài liệu bằng văn bản.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự đột phá về tư duy kinh tế; nổi bật nhất là những ý tưởng của Adam Smith trong cuốn An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Quốc phú luận, xuất bản năm 1776). Smith đã khảo cứu và lý giải cách thị trường vận hành, đồng thời phê phán chủ nghĩa trọng thương – vốn đang thống trị châu Âu thời ấy, chủ trương đánh thuế cao, và do đó kìm hãm giao thương giữa các quốc gia. Vì thế, không ít người đã xem Adam Smith là người sáng lập nền kinh tế thị trường hiện đại hay “ông tổ của chủ nghĩa tư bản.”

Thứ nữa là tư tưởng phê phán chiến tranh và hành vi tra tấn. Văn hào Voltaire (1694–1778) đã lên tiếng chống lại những tội ác này trong tiểu thuyết Candide nổi tiếng (bản dịch tiếng Việt: Chàng ngây thơ) xuất bản năm 1759. Nhân vật chính Candide đã trải qua những năm tháng tươi đẹp đầu đời với một tình yêu lãng mạn, sau đó anh bị ép tham gia một cuộc chiến để rồi phải trực tiếp chứng kiến sự tàn bạo đến phi nhân tính của nó.

Chiếm hữu nô lệ

Trong khi các tiệm cafe, tiến bộ khoa học cùng chủ nghĩa hoài nghi đối với tôn giáo và chế độ quân chủ là điểm nhấn của Thời kỳ Khai sáng, thì đó cũng lại là giai đoạn mà tình trạng mua bán nô lệ bùng nổ. Hàng triệu người da đen đã bị bắt giữ, nô dịch và trải qua những cuộc hành trình dài từ châu Phi đến tận Tây bán cầu. Nhiều người đã bỏ mạng trên đường đi và sau đó tiếp tục bị đối xử tệ bạc. Hoạt động buôn bán nô lệ vẫn tiếp diễn mãi đến cuối thế kỷ XIX.

Ngay cả Thomas Jefferson, Tổng thống thứ ba của Mỹ và tác giả chính của bản Tuyên ngôn Độc lập (cùng với John Adam và Benjamin Franklin, …) cũng sở hữu nhiều nô lệ, mặc dù ông thường được xem là một nhà Khai sáng khi viết rằng:“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng.”

Theo lý giải của GS. Outram, một nguyên nhân khiến chế độ nô lệ phát triển mạnh là do nguồn lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại, nhất là tại miền Nam Hoa Kỳ, khu vực Caribbean và Nam Mỹ. Ngoài ra, các nhà kỹ nghệ – đóng và bảo dưỡng những con tàu chuyên chở nô lệ – cũng được hưởng lợi rất nhiều, bên cạnh các công ty tài chính chuyên cho vay và bảo lãnh hoạt động vận chuyển, buôn bán nô lệ...

Nỗi khiếp sợ

Trái với những lý tưởng ban đầu của cuộc Cách mạng: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, đáng tiếc nền Đệ nhất Cộng hòa của Pháp lại vận dụng quá nhiều chính sách mâu thuẫn. Trong giai đoạn 1793 – 1794, một thời kỳ khủng bố kinh hoàng đã xảy ra ở đây. Chính phủ non trẻ của phe Jacobin do Maximilien Robespierre lãnh đạo đã bắt giữ và đưa hàng ngàn người mà họ xem là kẻ thù [phản cách mạng] lên máy chém. Chính sách đó đã gieo rắc nỗi sợ hãi, làm xấu đi hình ảnh của chính quyền và mở đường cho sự trỗi dậy của Napoléon Bonaparte – người sau đó trở thành hoàng đế mới.