Thai nhi giờ đây chỉ còn là những chiếc xương nhỏ nằm dưới khung xương chậu của người mẹ. Nó được sinh ra trong mộ thông qua hiện tượng gọi là “coffin birth” (sinh trong quan tài).
Theo các nhà nghiên cứu, những hài cốt đáng chú ý này có thể là ví dụ hiếm hoi của kỹ thuật phẫu thuật não nguyên thủy trong thời Trung cổ gọi là khoan xương (trepanation). Quá trình phẫu thuật khoan xương liên quan đến việc khoan hoặc đục một lỗ trên hộp sọ của bệnh nhân để làm giảm bớt áp lực, giúp điều trị nhiều loại bệnh. Trong trường hợp của thai phụ, ca phẫu thuật đã thất bại.
Ngôi mộ chứa xác người mẹ và thai nhi 38 tuần tuổi. Nguồn: World Neurosurgery
Kết quả nghiên cứu hài cốt
Bộ xương của người mẹ có niên đại vào thời kỳ Lombard, kéo dài từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 8.Do hài cốt nằm ở tư thế ngửa mặt và bao quanh là những viên đá cắt gọt cẩn thận, nên nhóm nghiên cứu kết luận người mẹ được chôn cất có chủ ý và chắc chắn chưa bị xê dịch hay động chạm vào. Người phụ nữ nhiều khả năng ở độ tuổi từ 25 đến 35, qua đời vào thời điểm sắp kết thúc thời kỳ mang thai. Mặc dù nhóm nghiên cứu không thể xác định giới tính thai nhi, kết quả đo kích thước chân chỉ ra rằng thai nhi gần 38 tuần tuổi.
Ở phía trên cùng hộp sọ của người phụ nữ, các nhà nghiên cứu phát hiện một lỗ tròn nhỏ có đường kính 4,6 mm, nhỏ hơn một chút so với đường kính của một cây bút chì. Lỗ thủng rất chính xác và tròn trịa, cho thấy nó không phải là kết quả của hành vi bạo lực hoặc một cú đánh mạnh, các nhà nghiên cứu cho biết. Thay vào đó, vết thương dường như rất phù hợp với kỹ thuật khoan trực tiếp vào xương sọ.
Xung quanh phần xương sọ có dấu hiệu của việc lành vết thương. Điều này chứng tỏ, lỗ khoan được tạo ra ít nhất 1 tuần trước khi thai phụ qua đời. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một vết cắt thẳng phía trên lỗ khoan có chiều dài chưa đến 3 mm. Họ cho rằng, đây là khu vực da đầu bị cắt hoặc lột bỏ để chuẩn bị cho ca phẫu thuật hộp sọ.
Nguyên nhân khoan hộp sọ
Theo nhóm nghiên cứu, lý do khoan hộp sọ thai phụ vài tuần trước khi sinh có thể là để giảm bớt các triệu chứng liên quan đến việc mang thai, chẳng hạn như huyết áp cao. “Giả thuyết của chúng tôi là người phụ nữ mang thai đã bị tiền sản giật (preeclampsia)hoặc sản giật(eclampsia). Đây là hai chứng rối loạn thai nghén do huyết áp cao. Người phụ nữ được điều trị bằng cách khoan một lỗ trên xương trán để làm giảm áp lực bên trong hộp sọ”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Mặc dù đã có sự can thiệp, nhưng thai phụ không thể sống sót và cùng chết với bào thai trong tử cung.”
Lỗ khoan nhỏ trên hộp sọ của người mẹ. Nguồn: World Neurosurgery
Bệnh sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ, khiến cơ thể thai phụ co giật, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Đến tận ngày nay, nó vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thai phụ. Một số biểu hiện phổ biến của bệnh sản giật là sốt cao, co giật, đau đầu vùng chẩm, áp suất cao bên trong hộp sọ và xuất huyết não. Tất cả những triệu chứng này, từ thời tiền sử đến thế kỷ XX, đều được điều trị bằng phương pháp khoan xương.
“Phát hiện này là một trong số ít các trường hợp khoan xương ở châu Âu vào đầu thời kỳ Trung cổ. Đây cũng là trường hợp duy nhất một người phụ nữ có hiện tượngđùn thai sau khi chết”, Các nhà nghiên cứu cho biết.
Trước đây, giới khảo cổ học cũng phát hiện nhiều bộ hài cốt có vết thương của phương pháp khoan sọ trong thời kỳ Đồ đá mới, nhưng bộ hài cốt có niên đại từ thời Trung cổ này vẫn là một bí ẩn lớn, cần được khám phá thêm trong tương lai.