Hình ảnh dự đoán châu Phi tương lai sau 50 triệu năm nữa sẽ tách ra làm 2.
Châu Phi sẽ "sớm" tách ra làm 2 phần. Tuy nhiên, đa số chúng ta sẽ không thấy được điều đó vì tiến trình này sẽ kéo dài tới hàng triệu năm nữa. Dù vậy, so với tuổi đời của Trái Đất thì điều này được cho là một hiện tượng xảy ra khá nhanh.
Từ cuối tháng 3 vừa qua, một vết nứt khổng lồ kéo dài vài km và đang tiếp tục phát triển ở Kenya, làm dấy lên lo ngại châu Phi có thể bị tách đôi. Thực vậy, đường nứt kéo dài là bằng chứng cho thấy lục địa châu Phi đang dần tách ra theo dự đoán trước đó của các nhà khoa học.
Hình ảnh Đới tách giãn Đông Phi.
Cụ thể, theo các nhà địa chất học, khoảng 50 triệu năm nữa châu lục này sẽ bị chia ra làm 2. Phần lớn châu Phi nằm trên mảng kiến tạo có tên mảng châu Phi, nhưng nó đang chia tách mảng châu Phi thành 2 mảng nhỏ là mảng Nubi và Somali.
Cụ thể, điểm giãn cách này được gọi là Đới tách giãn Đông Phi (East African Rift), một phần của Thung lũng tách giãn Lớn (Great Rift Valley). Đới tách giãn này kéo dài từ ngã ba Afar ở miền võng Afar xuyên qua miền đông châu Phi về phía nam, khoảng hơn 3.000 km.
Vết nứt khổng lồ tại Kenya sẽ tiếp tục lớn ra trong tương lai.
Đới tách giãn Đông Phi là một đới tách giãn có hoạt động bất thường trên vỏ đại dương trên thế giới, và hầu hết nằm dưới biển. Đới tách giãn Đông Phi bao gồm hai nhánh chính được gọi là thung lũng tách giãn phía Đông và thung lũng tách giãn phía Tây. Các kết quả nghiên cứu về hoạt động của các đứt gãy thuận cắm sâu cho thấy đây là loại đới tách giãn kiến tạo đặc biệt.
"Thung lũng tách giãn lớn sẽ tách châu Phi ra làm hai. Với những gì đang xảy ra, chúng tôi đã tính toán rằng lục địa châu Phi đang tách ra tại khu vực Somali với tốc độ 2,5 cm một năm. Trong tương lai gần điều này vẫn tiếp tục xảy ra, chúng ta sẽ có một vùng biển tách biệt giữa Somali và các nước châu Phi còn lại", nhà địa chất Kenya David Ahede nói với tờ báo địa phương Daily Nation.
Ông Ahede cho hay sự tăng tốc chuyển động kiến tạo của các mảng trên Trái đất chủ yếu được kích thích bởi những hoạt động của núi lửa gần mảng kiến tạo. Nhà địa chất học tin rằng tốc độ tách ra của châu Phi nhanh lên là vì sự hoạt động của một ngọn núi lửa có tên là Suswa nằm trên Thung lũng tách giãn Lớn.
"Chúng ta không thể dừng lại quá trình địa chất này vì nó xảy ra từ sâu bên trong lớp vỏ Trái đất", ông Ahede nói thêm.