Một số quốc gia trên thế giới hiện đang sở hữu những hệ thống tàu cao tốc có khả năng di chuyển với vận tốc lên đến 200 dặm/giờ (320km/h).

Tàu maglev (Chuo Shinkansen) của Nhật Bản có thể chạy với tốc độ tối đa lên đến 603 km/h. Ảnh: Wikimedia.
Tàu maglev (Chuo Shinkansen) của Nhật Bản có thể chạy với tốc độ tối đa lên đến 603 km/h. Ảnh: Wikimedia.

Có tới 8/10 kỷ lục thế giới về tốc độ trong ngành hỏa xa là do tàu đệm từ (maglev) thiết lập. Đứng ở vị trí số 1 là một hệ thống do Nhật Bản phát triển, đạt 375 dặm/giờ (603 km/h). Chính khả năng loại bỏ ma sát lăn khi di chuyển trên bề mặt đã mang lại cho tàu đệm từ tốc độ vượt trội như vậy. Từ nửa thế kỷ trước, khi các nghiên cứu về tàu maglev mới bắt đầu manh nha, kỹ sư Jean Bertin (1917 – 1975) người Pháp đã đề xuất một thiết kế aerotrain (tàu đệm khí) độc đáo và khác biệt so với các hệ thống hiện hành.

Trong lúc nghiên cứu giải pháp cách âm động cơ máy bay, một thành viên trong nhóm của Bertin là Louis Duthion đã phát hiện ra rằng: khi bay quá gần mặt đất, không khí bên dưới phần thân máy bay sẽ bị nén lại làm tăng lực nâng và giảm lực cản khí động học. Đó chính là hiệu ứng ground effect (tác động gây ra bởi khí quyển mặt đất), vốn đã quá quen thuộc với những phi công lão luyện. Sau nhiều tìm tòi, Bertin nhận thấy: nếu giữ lại phần không khí nén bên dưới phương tiện bằng các thiết bị bọc thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một lớp đệm khí cho phương tiện lướt đi trên đó với lực cản và công tối thiểu. Ý tưởng này thực ra cũng không hề mới, bởi ngay từ thế kỷ 19, cụ thể là vào năm 1860, một kỹ sư người Pháp khác Louis Girard đã phác thảo ý tưởng về một đoàn tàu lướt trên lớp đệm bằng không khí. Kế đó là những nỗ lực chưa thành của người Mỹ, Anh, Nhật Bản để phát triển loại phương tiện di chuyển siêu tốc dựa trên nguyên lý này.

Năm 1958, các kỹ sư Anh Quốc đã chế tạo chiếc hovercraft (tàu đệm hơi) đầu tiên, và đưa nó vượt eo biển Manche thành công vào ngày 25/07/1959. Những cải tiến và đột phá công nghệ trong thập niên 1960 đã cho phép loại thiết bị mới này được triển khai trong một loạt sứ mệnh quân sự (chẳng hạn tìm kiếm, cứu nạn, vận chuyển binh lính, …) dân sự và thương mại. Năm 1962, dịch vụ phà cao tốc cỡ nhỏ xuyên eo biển Manche bắt đầu được đưa vào khai thác; và đến năm 1968, tàu đệm hơi đã phát triển thành một loại hình vận tải hữu ích.

Jean Bertin thuyết trình mô hình aerotrain với Thủ tướng Georges Pompidou ở Paris. Ảnh: Flickr.
Jean Bertin thuyết trình mô hình aerotrain với Thủ tướng Georges Pompidou ở Paris. Ảnh: Flickr.

Trong khi đó, Jean Bertin cũng đạt được những bước tiến của riêng mình. Ông đã khảo cứu và khẳng định tính hiệu quả của phương án multi-skirt – giải pháp sử dụng nhiều miếng chắn hình trụ thay cho một tấm lớn duy nhất, giống như trên các tàu hovercraft của Anh, mang lại khả năng vận hành tốt hơn rất nhiều. Đầu thập niên 1960, Bertin đề xuất ý tưởng về một hệ thống “aerotrain” – đường sắt đơn ray cao tốc chạy trên đệm khí, được mô tả là có khả năng “lướt đi như bay.” Ông bắt tay vào chế tạo một mô hình aerotrain thu nhỏ và thử nghiệm trên đường phố Paris. Sau màn trình diễn thành công trước các nhà tài trợ, ông tăng dần kích thước của chúng, đầu tiên là phiên bản có chiều dài 30 feet (9,14 m, bằng một nửa kích thước thực thụ) chở được 4 hành khách, sau đó là phiên bản với chiều dài đầy đủ (75 feet tức 22,86 m) chở 80 khách.

Một nguyên mẫu aerotrain thu nhỏ của Jean Bertin trong cuộc thử nghiệm năm 1967. Ảnh: Flickr.
Một nguyên mẫu aerotrain thu nhỏ của Jean Bertin trong cuộc thử nghiệm năm 1967. Ảnh: Flickr.

Năm 1966, Bertin kêu gọi tài trợ để xây dựng một đường ray thử nghiệm dài 6,7 km tại khu vực làng Gometz-le-Châtel, hạt Essonne, vùng Île-de-France (thủ đô nước Pháp) và tận dụng một đường ray bỏ hoang. Nguyên mẫu aerotrain chạy trên đường ray này có 6 chỗ ngồi, nhìn giống như một chiếc máy bay thiếu cánh, và đạt tốc độ 214 dặm/giờ (345 km/h). Mười bốn tháng sau, Bertin lại tung ra mẫu tàu thứ hai được trang bị airscrew (bộ phận đẩy cánh quạt như của máy bay) cấp điện bởi tuabin, và chứng kiến nó chạy với tốc độ 262 dặm/giờ (422km/h).

Sau thành công đó, Bertin đã thuyết phục chính phủ Pháp tài trợ cho một dự án đường ray thử nghiệm khác dài gần 18 km – được chống đỡ bởi những cột bê tông cao 5m ở ngoại ô thành phố Orleans, nằm giữa Paris và Bourges. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, đường ray này dự kiến sẽ được mở rộng thêm, kéo dài đến tận Paris. Tháng 9/1969, công việc xây dựng về cơ bản được hoàn tất, và 5 năm sau, chiếc Aerotrain I80 – mẫu tàu đệm khí cuối cùng do Bertin chế tạo – đã phá kỷ lục thế giới với tốc độ 267 dặm/giờ (430,4 km/h).

Cảm thấy công nghệ này đã đủ chín muồi để triển khai, Bertin cố gắng vận động chính phủ Pháp xây dựng một mạng lưới monorail trên khắp cả nước. Nhưng giới chức Pháp lại không đủ lạc quan đến vậy, và họ còn lo ngại hệ thống đường sắt quốc doanh sẽ chịu ảnh hưởng nếu chấp thuận đầu tư cho dự án này. Năm 1974, nhà nước quyết định rút hỗ trợ tài chính và dự án aerotrain bị hủy bỏ. Thay vào đó, các nguồn lực lại được dồn sang très grande vitesse tức TGV — một giải pháp tàu cao tốc khác được đánh giá thuộc loại tiên tiến và thành công nhất thế giới. TGV cũng từng thiết lập một kỷ lục tốc độ trong ngành hỏa xa: 357,2 dặm/giờ (574,8 km/h). Còn Jean Bertin, vốn mắc bệnh ung thư từ trước và lao lực vì làm việc quá sức, đã qua đời tháng 12/1975 trong sự thương tiếc và nể phục của người đời. Hãng Bertin Technologies do ông sáng lập hiện vẫn đang đi tiên phong trên các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ, khoa học đời sống, môi trường, …

Một đoạn đường ray tại Gometz-le-Châtel bị cây cỏ bao phủ. Ảnh: Flickr.
Một đoạn đường ray tại Gometz-le-Châtel bị cây cỏ bao phủ. Ảnh: Flickr.

Ngày nay, du khách tới thăm nước Pháp có thể dễ dàng nhìn thấy tuyến đường ray thử nghiệm còn gần như nguyên vẹn bên ngoài Orleans; trong khi đoạn tại Gometz-le-Châtel thì bị vây quanh bởi cỏ mọc um tùm, và một phần thì bị tháo bỏ để phát triển các dự án bất động sản.