Có tất cả 36 công đoạn phải trải qua để hoàn thành một “ông đánh gậy trông trăng” – món đồ chơi dân gian từng không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu nhưng giờ đây ít người còn biết đến.

Hậu Ái là một làng ven đô, nằm phía Tây thành Thăng Long xưa – ngày nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, có nghề truyền thống làm hàng mã. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp Trung thu, bên cạnh công việc chính, nhiều nhà trong làng đều làm thêm các loại đồ chơi dân gian để bán cho trẻ em như: đèn ông sao, đèn cá chép, tiến sĩ giấy,… và đặc biệt là ông đánh gậy trông trăng. Nhưng đến nay, cả làng duy chỉ còn gia đình vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến và nghệ nhân Nguyễn Đức Khôi còn giữ nghề này.

Ngay đối diện đình làng Hậu Ái chính là nhà của đôi vợ chồng nghệ nhân ấy. Những ngày cận tết Trung thu, trong nhà họ lúc nào cũng bề bộn tre nứa, giầy màu,…


Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ cách làm ông đánh gậy trông trăng.

“Gia đình tôi có truyền thống làm đồ chơi Trung thu cổ truyền, tính ra bản thân tôi làm nghề này đã được gần 50 năm rồi. Từ những năm lên 9, lên 10 tôi đã biết pha các màu giấy: xanh, đỏ, vàng, và biết dán cánh tay, làm ống quần cho ông đánh gậy trông trăng. Mãi sau này khi lớn hơn, tôi mới được ông bà cho phép làm khung ông đánh gậy!” - bà Tuyến kể.

Ông đánh gậy trông trăng được làm từ những vật liệu gần gũi như đất thó, giấy màu, tre nứa... Nhưng nếu như để làm một ông tiến sĩ giấy, người thợ phải trải qua 25 công đoạn, thì đối với “ông đánh gậy”, con số này lên đến… 36. “Tôi làm từ tháng 6 đến giữa tháng 8 âm lịch, mỗi vụ làm được khoảng 600-700 ông đánh gậy” – bà Tuyến cho biết.

Trong các công đoạn làm “ông đánh gậy”, kỳ công nhất phải kể đến công đoạn làm khuôn mặt. Mặt “ông” được làm từ đất thó - tầng đất thứ hai, ở độ sâu từ 2-3m. Đất thó dẻo, vào mùa mưa thì nở, mùa đông thì co lại. So với đất sét thông thường, đất thó mịn hơn, lúc đập sẽ nhẵn hơn, và phơi khô không bị nứt. Đất thó được đào lên, đem phơi khô, đập giã thành bột rồi sàng, đến khi sờ thấy mịn là có thể dùng để cho vào khuôn đúc. Ông bà Khôi – Tuyến vẫn giữ được chiếc khuôn đúc thừa hưởng từ cha mẹ.

Sau khi rập khuôn, người thợ thủ công sẽ dùng sơn đỏ trộn lẫn sơn trắng để nhuộm cho “ông đánh gậy” một khuôn mặt hồng hào, phương phi. Cuối cùng, người thợ thủ công vẽ mắt, miệng bằng mực tàu. Người thợ giỏi thì khéo vẽ được cái thần, cái dũng của “ông đánh gậy” nhưng không mất đi nét trìu mến, gần gũi với trẻ em.

Trong khi đó, thân “ông đánh gậy”, gồm 3 đốt, được làm bằng thân cây rút (giống như cây liền thanh) trong mềm ngoài rắn. Trước đây, quanh làng Hậu Ái cây rút mọc nhiều trên bờ bãi, nhưng giờ không còn nữa nên các nghệ nhân đều phải nhập từ nơi khác về.


Phần cánh tay của "ông đánh gậy". Từng bộ phận được làm riêng rồi ghép với nhau.

Nhắc đến các công đoạn để làm thành một ông đánh gậy trông trăng, nghệ nhân Nguyễn Đức Khôi chia sẻ: “Lắt nhắt nhiều chi tiết lắm! Phải làm từng bộ phận một xong mới lắp ghép với nhau, còn nếu làm tuần tự thành một ông đánh gậy thì rất mất thời gian”.

Dịp Trung thu cũng là lúc trẻ em bắt đầu đi học; vào dịp này, các bậc cha mẹ trước đây thường mua cho con một ông tiến sĩ và hai ông đánh gậy, thể hiện mong ước con mình vừa học hành giỏi giang, vừa mạnh khỏe và được chở che, bảo vệ - nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến nhớ lại.


Khi được treo ở nơi có gió, ông đánh gậy sẽ "cử động" tựa như đang múa gậy.

“Hai ông đánh gậy trông trăng được treo ở gần cửa sổ hoặc nơi có gió để các ông ‘múa’. Trước kia, các ông cũng từng có lúc múa gươm, đó là thời còn chiến tranh. Nhưng thời bình, chúng tôi lại cho các ông múa gậy, thể hiện tinh thần rèn luyện sức khỏe”.

Cũng như những món đồ chơi dân gian khác, “ông đánh gậy trông trăng” dần bị lấn át bởi những món đồ chơi ngoại nhập. Theo nghệ nhân Nguyễn Đức Khôi, do thị trường chẳng mấy “mặn mà”, gia đình ông cũng chẳng buồn bỏ mối cho các cửa hàng chuyên bày bán đồ chơi trung thu như ở phố Hàng Mã nữa mà yếu ai đặt thì làm. “Hai đứa con gái tôi đều biết nghề và vẫn giữ nghề nhưng không biết sau này, chúng nó có làm nghề hay không, vì còn bài toán kinh tế nữa,” ông Khôi nói.