Phê bình kí hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ của Lã Nguyên [La Khắc Hòa] là một cuốn sách hấp dẫn, không chỉ ở phương diện sử dụng tương thích một phương pháp mới vào nghiên cứu văn học Việt Nam - ở đây là phương pháp phê bình kí hiệu học,

mà qua đó, còn giúp bạn đọc có được những hiểu biết mới về những vấn đề văn học đã trở nên thân thuộc.

.
Ngoài phần Phụ lục tập hợp một bài dịch giới thiệu về trường phái kí hiệu học văn hóa Tartu-Moskva (là hướng nghiên cứu mà tác giả chịu ảnh hưởng) của Iu.M. Lotman và Lời bạt của GS.TS Trần Đình Sử, sách được bố cục làm hai phần: “Tiếng nói thời đại” tập hợp 6 bài viết về các vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại; và “Ngôn ngữ tác giả” tập hợp 8 bài viết về một số tác giả, tác phẩm văn học như là các trường hợp đại diện của giai đoạn văn học này.

Sợi chỉ gắn kết hai phần, thậm chí đan dệt thành bức khảm văn học Việt Nam hiện đại, là sự thống nhất đi tìm “hình tượng kí hiệu” – loại “kí hiệu siêu lời nói, siêu ngôn ngữ học” ẩn giấu trong các văn bản văn học.

Lã Nguyên trước hết là một nhà nghiên cứu có thế mạnh ở việc “tái thiết” các tiến trình văn học. Tiểu luận được ông tiếp cận theo hướng kí hiệu học văn hóa – “Nhìn lại những bước đi. Lắng nghe những tiếng nói (Về văn học Việt Nam thời đổi mới 1975-1991)” – ngay ở lần đầu tiên công bố trong hội thảo “Văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” (2005), đã được tán thưởng nhiệt liệt. Trong tiểu luận độc đáo này, ông chỉ ra “có một giọng nói to thống ngự trong văn học Việt Nam già nửa thế kỷ” nếu tính từ dấu mốc 1945. Ở nền văn học sử thi trước 1975, tiếng nói ấy đại diện cho tư tưởng quốc gia, và vì mang âm hưởng lãng mạn cách mạng nên nó tìm thấy phương thức thể hiện tương ứng là “tiếng hát hùng tráng”, theo đó mà thơ trữ tình trở thành thể loại chính trên sân khấu văn chương, nơi Tố Hữu trở thành “lá cờ đầu”. Ở nền văn học thế sự sau 1975, tiếng nói ấy biểu hiện cho tâm trạng đại chúng, và vì mang khát vọng đổi mới xã hội đang trên đà phân hóa, khủng hoảng, nó tìm thấy phương thức thể hiện tương ứng là “tiếng cười trào tiếu, giễu nhại”, theo đó mà văn xuôi tự sự trở thành thể loại chiếm ưu thế thượng phong, với hàng loạt các tác giả bút ký, phóng sự, tiểu thuyết tư liệu, đến các sáng tác hư cấu đề cập những mảng khuất tối mà văn học sử thi trước kia gác sang một bên.

Song bên cạnh “giọng nói to” còn có “giọng nói nhỏ” mà Nguyễn Huy Thiệp là một đại diện quan trọng. Cái “giọng nói” mà Nguyễn Huy Thiệp cất lên đã tạo thành “bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975” (như tên một bài viết quan trọng khác trong cuốn sách), bởi nhà văn đã không đặt mình trong không gian rộng lớn của các “mặt trận” chiến đấu “giữ và dựng nước”, mà khiêm nhường đặt mình vào trong “không gian sinh hoạt thường ngày”. Chính việc lựa chọn không gian mới mẻ này đã khiến cho tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mang dấu chỉ của “bước ngoặt hệ hình ngôn ngữ”, chuyển từ “hệ hình huyền thoại” của ngôn ngữ “nhà binh” trong văn học cách mạng trước kia sang “hệ hình truyện kể” của ngôn ngữ “tiểu thuyết” trong văn học thế sự đời tư. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, vì thế, mở ra trong sáng tác của thế hệ nhà văn Việt Nam sau Đổi mới (1986) hướng tiếp cận mô hình không gian khép kín, phân mảnh, xóa bỏ trật tự tôn ti; đề cập nhiều đến sự khuyết thiếu, tai ương, sự tha hóa, cái xấu, cái ác, dục vọng, tăm tối,…

Sức hấp dẫn của ngòi bút phê bình Lã Nguyên còn đến ở cách thức ông “tái lập” phong cách nghệ thuật nhà văn. Các bài viết về Tố Hữu, Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc đến ở trên, đặc biệt là bài viết về Nguyễn Tuân, là những ví dụ xuất sắc cho việc bộ công cụ mới (ở đây là kí hiệu học văn hóa) đã làm sống lại, làm khác, và nổi bật ngôn ngữ nghệ thuật của các nhà văn, chỉ ra một cách xác đáng và hấp dẫn đặc trưng thẩm mĩ trong các sáng tác của họ.

Tập trung vào văn học xã hội chủ nghĩa, với trường hợp Tố Hữu, Lã Nguyên đã phân tích một cách thuyết phục cách thức tạo lập “chủ nghĩa hiện thực thị giác” của nền văn học này qua việc chủ soái của nó là Tố Hữu tổ chức “chiến lược diễn ngôn”, lựa chọn “ngôn ngữ thế giới quan” và sử dụng “các mô thức tu từ” để biến thơ ca của mình trở thành điển phạm, mô phạm cho các tác giả khác “học tập”.

Ở một trường hợp đối trọng là Nguyễn Tuân, cũng cùng một cách thức “từ hiện đại tìm về truyền thống” như tư duy nghệ thuật của Tố Hữu, nhà văn này lại lựa lọc lấy các phạm trù kì – quái – chí – tuyệt của nghệ thuật từ chương cổ điển phương Đông để tạo lập điển phạm không thể bắt chước, làm nên một “cái tôi ngông nghênh” giữa nhân quần vô sản mà không bị hạ bệ hay làm cho khó dễ.

Trong khi, như đã chỉ ra ở trên, lựa chọn không gian sinh hoạt thường ngày và bút pháp mới phi truyền thống, Nguyễn Huy Thiệp khi vừa xuất hiện đã nhận ngay được lời động viên/cảnh tỉnh của Hoàng Ngọc Hiến: “tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Hai bài viết của Lã Nguyên trong cuốn sách giải mã giúp người đọc nguyên nhân dẫn đến những bất tương thích trong tiếp nhận tiếng nói và điệu giọng riêng có của nhà văn độc đáo này.

Nhìn nhận về cách tiếp cận kí hiệu học văn hóa của Lã Nguyên, GS.TS Trần Đình Sử viết: “Mặc dù kí hiệu học đã được giới thiệu và ứng dụng vào Việt Nam từ những năm 70 thế kỉ trước, song phải đến Phê bình kí hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ của Lã Nguyên, chúng ta mới có thể coi là một thành quả đáng kể của việc vận dụng lĩnh vực tri thức này vào nghiên cứu văn học, nghệ thuật Việt Nam.”

PGS.TS La Khắc Hoà (bút danh Lã Nguyên) sinh năm 1948, từng nhiều năm giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh việc biên soạn các giáo trình về văn học và lý thuyết văn học, ông được biết đến như một cây bút phê bình tài hoa từ trong phong trào Đổi mới. Các công trình tiêu biểu: Phê bình kí hiệu học (tập tiểu luận, 2018), Số phận lịch sử của các lí thuyết văn học (chuyên luận, 2018), Lí luận văn học, những vấn đề hiện đại (tuyển dịch, 2012, 2017, 2020), Kí hiệu học văn hoá (dịch chung, 2015)