Phim hoạt hình Turning Red của Disney kể về một cô bé 13 tuổi biến thành gấu trúc đỏ mỗi khi xúc động, khiến người xem tò mò về loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.

Hoạt hình Turning Red mới ra mắt của Disney

Gấu trúc đỏ mới là gấu trúc "thực sự”

Giống như gấu trúc đen trắng, gấu trúc đỏ là một loài ăn tre trúc có nguồn gốc từ các khu rừng châu Á. Hai loài động vật có chung tên và thức ăn yêu thích, nhưng chúng không có quan hệ họ hàng với nhau. Các nhà khoa học phương Tây đã mô tả gấu trúc đỏ trước gấu trúc đen trắng 50 năm, và đặt tên cho gấu trúc đen trắng theo tên gấu trúc đỏ vì hai loài có một số đặc điểm chung, như thích ăn tre và cấu tạo móng. Nhưng các nghiên cứu mới nhất đã xếp gấu trúc đỏ vào họ riêng, Ailuridae, trong khi gấu trúc đen trắng, có kích thước lớn hơn, thuộc họ Ursidae, hay họ gấu.

Thuật ngữ "panda" (gấu trúc) được cho là có nguồn gốc từ từ "nigalya ponya" trong tiếng Nepal có nghĩa là "loài ăn tre".

Các nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy có hai loài gấu trúc đỏ: gấu trúc đỏ Trung Quốc (Ailurus styani) và gấu trúc đỏ Himalaya (Ailurus fulgens). Gấu trúc đỏ Trung Quốc thường có khuôn mặt đỏ hơn và có vân hình vòng trên đuôi, còn gấu trúc đỏ Himalaya có bộ lông màu nhạt hơn và kích thước nhỏ hơn.

Gấu trúc đỏ là loài ăn thịt nhưng thích ăn thực vật.

Loài ăn thịt thích ăn thực vật

Gấu trúc đỏ được phân loại là động vật ăn thịt về mặt sinh học, bởi vì gấu trúc đỏ có chung tổ tiên với các loài ăn thịt khác và có các đặc điểm trên khuôn mặt và hàm răng tương tự các loài ăn thịt. Chúng có răng được thiết kế để cắn và xé, nhưng gấu trúc đỏ đã chuyển sang chế độ ăn tre cách đây hơn hai triệu năm.

Để thích nghi với chế độ ăn thực vật, gấu trúc đỏ phát triển một xương thuôn dài ở cổ tay, có cấu tạo và chức năng gần như ngón cái, dùng để nắm tre khi ăn. Nhưng chúng vẫn có hệ thống tiêu hóa của loài ăn thịt, nên một con gấu trúc đỏ phải ăn rất nhiều tre, tương đương 20-30% trọng lượng cơ thể mỗi ngày, để có đủ năng lượng. Là loài ăn thịt, hệ tiêu hóa ngắn, gấu trúc đỏ đi tiêu chỉ vài giờ sau khi ăn. Gấu trúc đỏ đôi khi cũng chọn các loại thức ăn như trái cây, côn trùng và trứng chim.

Gấu trúc đỏ rất giỏi trèo cây

Gấu trúc đỏ là loài leo trèo

Gấu trúc đỏ rất giỏi leo trèo trên cây; chúng có móng vuốt sắc nhọn, có thể thu vào giống như của mèo, bám trên cả những cành cây phủ rêu và trơn trượt. Chúng cũng sử dụng chiếc đuôi rậm rạp để duy trì cân bằng.

Vì gấu trúc đỏ có mắt cá chân cực kỳ linh hoạt, chúng là một trong số ít loài động vật có thể trèo theo hướng đầu xuống, trong khi phần lớn động vật khác khi trèo xuống phải trèo giật lùi.

Xương ống và xương chày của gấu trúc đỏ cho phép bàn chân của chúng xoay 180 độ, tạo ra góc bám tốt hơn để bám vào vỏ cây.

Bộ lông ngụy trang

Bộ lông màu đỏ có vẻ khá nổi bật với một loài sống trong rừng, nhưng thực tế màu sắc này giúp gấu trúc đỏ ẩn vào với môi trường xung quanh. Trong những khu rừng miền núi nơi gấu trúc đỏ sống ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Myanmar, cây cối thường phủ một lớp rêu màu nâu đỏ và địa y. Gấu trúc đỏ cũng có bộ lông đen ở bụng và chân, giúp chúng trốn trong các tán lá tối màu để trốn tránh những kẻ săn mồi.

Trong môi trường sống của mình, gấu trúc đỏ ngụy trang tốt đến mức rất khó phát hiện.

Gấu trúc đỏ có thể chịu được nhiệt độ lạnh đến âm 7 độ C.

Khả năng chịu lạnh

Khi nhiệt độ giảm, gấu trúc đỏ bảo tồn năng lượng bằng cách làm chậm tốc độ trao đổi chất. Chúng chìm vào giấc ngủ sâu, làm giảm nhiệt độ cơ thể và tốc độ hô hấp. Đuôi của gấu trúc đỏ không chỉ giúp chúng giữ thăng bằng khi di chuyển trong tán cây mà còn hoạt động như một tấm chăn bảo vệ khỏi môi trường giá rét, có thể xuống tới âm 7 độ C vào ban đêm.

Dưới chân của chúng cũng có một lớp lông cách nhiệt. Khi trời ấm hơn trong những tháng mùa hè, gấu trúc đỏ vươn mình trên các cành cây và thở nhanh để giữ mát.

Gấu trúc đỏ đang mất dần môi trường sống

Chỉ còn ít hơn 10.000 con gấu trúc đỏ sống trong tự nhiên, và khoảng vài trăm con sống trong các vườn thú trên khắp thế giới. Những con gấu trúc đỏ sống trong tự nhiên chỉ có thể sống và di chuyển trong một vài khoảnh rừng nhất định còn nguyên vẹn và chưa bị con người can thiệp, thay vì các khu rừng rộng lớn như trước đây; các nhóm gấu trúc đỏ bị cô lập trong một khoảnh rừng nhỏ có thể mất khả năng sinh sản.

Ngoài việc mất môi trường sống do khai thác gỗ hoặc làm đường, nạn săn trộm là mối đe dọa rất lớn đối với gấu trúc đỏ. Một số bị bắt để nuôi làm thú cưng và một số bị giết để lấy lông.

Gấu trúc đỏ giao tiếp bằng mùi

Gấu trúc đỏ thường thích sống một mình, ngoại trừ gấu mẹ khi chăm con. Bởi vì con đực sống đơn độc, chúng phải có cách tìm kiếm người bạn đời thích hợp vào mùa đông và đầu mùa xuân. Con đực sử dụng các tuyến mùi hương trên chân và ở gốc đuôi của chúng đánh dấu lãnh thổ. Các tuyến mùi hương tiết ra một chất lỏng không màu, có mùi hăng đối với gấu trúc, nhưng không mùi đối với con người.

Gấu đực cũng có một thủ thuật quyến rũ khác: các bãi phân, về cơ bản để thông báo rằng "Tôi đang ở trong khu vực này".

Khi gấu đực tìm thấy gấu cái, nó sẽ theo sát và chỉ có khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ để quyến rũ đối phương. Giống như gấu trúc đen trắng cái, gấu trúc đỏ cái chỉ có khả năng sinh sản trong một hoặc hai ngày một năm. Thời gian mang thai của gấu trúc đỏ từ 93 đến tối đa là 156 ngày để đảm bảo đàn con được sinh ra khi môi trường sống có lá non, dễ tiêu hóa. Thời gian này thường là vào cuối mùa xuân.

Gấu con thích chơi đùa

Mỗi lứa, gấu trúc đỏ sinh từ một đến bốn con. Gấu trúc đỏ mới sinh có kích thước chỉ như lòng bàn tay, và được gấu mẹ chăm sóc trong nhiều tuần trước khi mở mắt. Khoảng một tháng tuổi, lông gấu mới bắt đầu có màu đỏ nhạt và các mảng sẫm màu ở bụng.

Sáu tuần đầu đời được gọi là giai đoạn "bỏng ngô", vì gấu con liên tục nhảy và vồ ngẫu nhiên bất cứ thứ gì. Gấu con tập vồ và chơi đùa không chỉ để giải trí mà còn để luyện các kỹ năng như thăng bằng và phối hợp.

Gấu trúc đỏ được coi là trưởng thành vào khoảng hai năm tuổi và đạt kích thước của một con mèo nhà.

Nguồn: