Ra mắt lần đầu vào năm 2010, và được xuất bản tại Việt Nam mới đây, cuốn sách “Why the West Rules – For Now” (Tại sao phương Tây vượt trội?) của Ian Morris – một nhà Cổ điển học tại Đại học Stanford – được nhiều học giả, nhà phê bình quốc tế đánh giá cao trên các tạp chí, các buổi phỏng vấn, diễn đàn, v.v.

Tác giả Ian Morris
Tác giả Ian Morris

Công trình này của Ian Morris dường như là một câu trả lời cho những tranh luận muôn thuở vì sao ngày nay phương Tây vượt trội so với phương Đông cũng như phần còn lại của thế giới.

Một điều chắc chắn là Ian Morris chia sẻ một quan điểm tương tự như Jared Diamond trong cuốn sách Guns, Germs, and Steel (Súng, Vi trùng và Thép). Nếu như Diamond mở đầu cuốn sách bằng câu hỏi của những thổ dân địa phương tại New Guinea về sức mạnh của người da trắng, thì Morris bắt đầu cuốn sách bằng câu hỏi: “tại sao những tàu chiến của Anh lại ngược sông Dương Tử vào năm 1842 thay vì những con tàu Trung Hoa ngược dòng sông Thames?” (tr.17-18)

Và trong khi các học giả vẫn đang ở trong một cuộc tranh luận không có hồi kết về việc liệu các vĩ nhân hay những lực lượng xã hội thông thường mới là nhân tố quyết định chính đến dòng chảy lịch sử, cả Diamond và Morris đều cố đưa ra những luận điểm về ảnh hưởng rộng lớn của bối cảnh – không chỉ bao gồm yếu tố địa lý mà sinh học, xã hội học hay khảo cổ học. Với Morris, dù vẫn phần nào tin vào lý thuyết vĩ nhân, nhưng ông cho rằng những người này chỉ đóng vai trò tăng tốc hay làm chậm lại dòng chảy vốn có của lịch sử, thay vì làm lệch hoặc ngăn cản chúng.

Cuốn sách Tại sao phương Tây vượt trội?
Cuốn sách Tại sao phương Tây vượt trội?

Cuốn sách bao gồm ba phần với 12 chương (chưa tính phụ lục), trải dài từ những khởi phát của xã hội loài người cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI: một nỗ lực đầy tham vọng của tác giả trong việc diễn giải khoa học lịch sử tới độc giả phổ thông. Cuộc đua giữa phương Đông và phương Tây trong quá khứ và cả những tiên đoán tương lai là những gì mà cuốn sách này mong muốn mô tả. Trong đó, Morris bắt đầu xây dựng các mô hình phát triển khác nhau, về “hình dạng” phổ quát của chiều dài lịch sử nhân loại cũng như chọn lọc ra quá trình phát triển lâu bền nhất của thế giới.

Bằng cái nhìn xuyên suốt của lịch sử, ông cho thấy phương Đông và phương Tây đã liên tục tiếp xúc lẫn nhau và liên tục thay thế nhau đứng đầu ở các đỉnh cao phát triển trong những thời kỳ riêng biệt. Thách thức của Ian Morris là tìm ra câu trả lời thông qua những sự phát triển chu kỳ của phương Đông và phương Tây, giữa những thời kỳ hoàng kim và thời kỳ khủng hoảng và cả tàn lụi, để rồi cuối cùng cố gắng đánh giá liệu một trong hai bên có sở hữu bất kỳ ưu thế “thiên bẩm” nào không. Với Ian Morris thì cả “phương Đông” lẫn “phương Tây” chỉ đơn giản là những thuật ngữ ám chỉ vị trí địa lý hơn là những hệ giá trị cụ thể. Theo ông, “Phương Tây” không có nghĩa là châu Âu mà dường như là một sự ám chỉ trừu tượng về những gì, theo nghĩa đen, là phía tây so với Trung Hoa. Morris nhìn phương Tây bao gồm cả khu vực Lưỡi liềm Phì nhiêu với các nền văn minh sơ khai đầu tiên như Ai Cập hay Lưỡng Hà, hơn là theo lối hiểu biết thông thường coi chúng là các nền văn minh phương Đông. Tương tự, các đế chế huy hoàng của Ba Tư, Hồi giáo và Ottoman cũng là một phần của phương Tây.

Vậy cuối cùng điều gì đã dẫn đến sự vượt trội của phương Tây từ thế kỷ XVIII trở đi, để từ đó mà các Thiên tử Trung Hoa dần phải cô lập ảnh hưởng của mình sau các bức tường Tử Cấm Thành, để các Padishah của Đế chế Ottoman dần trở thành “con bệnh” trước châu Âu? Ian Morris đưa ra câu trả lời: việc phát hiện ra nguyên liệu hóa thạch đã thúc đẩy các cuộc cách mạng và cơ giới hóa ở châu Âu, để từ đó tạo ra thời điểm cho sự vượt trội của phương Tây so với phần còn lại của thế giới.

Bất chấp việc Tại sao phương Tây vượt trội? được xem là sách lịch sử phổ thông, khối lượng thông tin bên trong nó dường như quá “nặng” với những ai chưa có một nền tảng chuyên môn cần thiết để tiếp thu hàng loạt các thuật ngữ, lý thuyết và kiến thức bách khoa đồ sộ. Những ai chưa có kiến thức chung về lịch sử thế giới sẽ còn cảm thấy choáng ngợp ngay từ những chương đầu với hàng loạt sự kiện lịch sử từ những xã hội sơ khai đến văn minh Ai Cập, Ramses II, sự sụp đổ của thời Đồ Đồng, đế chế La Mã, Ba Tư,… cho đến Kỷ nguyên Khám phá, Cách mạng Công nghiệp và Thời đại Số.

Ian Morris phác ra một chuỗi tranh minh họa toàn cảnh về sự hình thành, phát triển và lụi tàn của các đế chế với cái mà ông gọi là “Năm kỵ sĩ Khải huyền” (Five Horsemen of the Apocalypse): biến đổi khí hậu, nạn đói, dịch bệnh, di cư và sự suy đồi của nhà nước – một chu trình lặp đi lặp lại trong các năm 2200 TCN, 1750 TCN, 1200 TCN, 800 TCN, 540, 1250, và 1645. Cứ bốn thế kỷ một lần, các ‘dấu hiệu khải huyền’ này sẽ trở lại. Ông tin rằng sự sụp đổ của một nền văn minh sẽ là tiền đề cho sự khởi phát của một nền văn minh khác, khi mà bệ đỡ trước đó sẽ được xem là viên gạch tiếp theo cho sự phát triển lên tầm cao mới.

Cuối cùng, Ian Morris đã cung cấp một loạt các hình ảnh về niềm tin rằng sức mạnh của phương Tây đang dần suy giảm, và sự nổi lên của Trung Quốc (đối tượng trung tâm của toàn bộ cuốn sách) là không thể ngăn cản. Ông cũng nghiêng về giả thiết, chiều hướng lịch sử luôn là phương Tây ở trong xu thế chuyển dịch của cải và sức mạnh sang phương Đông; và cuộc đối đầu và ganh đua dường như không có hồi kết giữa phương Đông và phương Tây, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện lớn nhất trong lịch sử.

Cuốn sách của Ian Morris, nhìn chung, là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm cung cấp cái nhìn tổng quát về lịch sử nhân loại, nhưng phải chăng nó đã tự đặt ra một tham vọng quá lớn so với khả năng của mình? Phương pháp lượng hóa văn minh của tác giả – để đo lường trình độ của mỗi nền văn minh qua các chỉ số phát triển cụ thể – có thể được xem là một trong những phương pháp quan trọng để so sánh các nền văn minh với nhau, dù chúng đôi khi trở nên quá cứng nhắc và không phù hợp trong nhiều trường hợp cụ thể. Khối lượng kiến thức đồ sộ mà tác giả cung cấp cũng là một cản trở rất lớn cho những độc giả phổ thông kỳ vọng một trải nghiệm đọc sách dễ chịu. Tuy nhiên, đây vẫn có thể xem là một cuốn sách đáng tham khảo nếu muốn tìm hiểu về sự phát triển của lịch sử thế giới như một cách tiếp cận dần đến “một lịch sử trường kỳ”.