“Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh túy nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để khi sắp chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”, Thoreau đã viết như thế trong Walden - cuốn sách thể hiện rõ ràng nhất tư tưởng của nhà văn, triết gia này.
Năm 1845, ở tuổi 28, Thoreau quyết định đến sống trong khu rừng ven hồ Walden gần Concord, Massachusetts, tự tay xây một căn nhà gỗ chỉ một phòng duy nhất, trên mảnh đất mà người bạn cũng là người thầy của ông – nhà văn Ralph Waldo Emerson - sở hữu. Thoreau sống ở đó trong 2 năm, 2 tháng và 2 ngày, và một năm sau, ông bắt đầu ghi chép lại trải nghiệm này.
Thoreau và lý tưởng chống thiết chế xã hội của ông lúc bấy giờ là một điều mới lạ và dĩ nhiên, không được chính quyền đồng thuận. Ông đã bị bỏ tù một thời gian ngắn vì từ chối nộp thuế với lý do nộp thuế chính là tài trợ cho chế độ nô lệ và cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico. Bài luận trứ danh viết sau đó của ông mang tên Bất tuân dân sự (Civil Disobedience) không chỉ ảnh hưởng đến Martin Luther King và Gandhi mà còn thường xuyên được xướng lên trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Thập niên 1960 chứng kiến sự hồi sinh của mối quan tâm dành cho triết thuyết tiên nghiệm (transcendentalism) mà Thoreau là một nhân vật tiêu biểu và chủ chốt. Thuyết tiên nghiệm nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân và trực giác hơn là việc tuân thủ các giáo lý và nghi lễ tôn giáo.
Thoreau thường bóc mẽ Giấc mơ Mỹ, ông viết về tầng lớp “có vẻ sang giàu, nhưng nghèo nàn nhất, những kẻ gom trữ đủ loại sắt vụn nhưng không biết dùng chúng, cũng không vứt bỏ chúng nên vì thế mà đã tôi rèn lên những xiềng xích bằng vàng hay bằng bạc của họ.” Trong mắt Thoreau, cuộc sống hiện đại thật đáng lo ngại, cạn kiệt cả trí tuệ và tự do. Ông thấy rằng mọi người đang bị nghiền nát bởi vòng quay công việc, và đang mất cơ hội để tận hưởng mọi thứ mà cuộc sống mang lại. Họ không làm gì ngoài việc kiếm tiền mua nhà để rồi lấp đầy chúng bằng những thứ vô dụng. Thoreau phản ứng mạnh mẽ với dạng tồn tại này, cho rằng đó là cuộc sống “dối trá”, vô nghĩa và thiếu trí huệ. Ông nhận ra một phần nguyên nhân nằm ở chỗ những người bị cuốn vào vòng quay này không còn thời gian hay năng lượng để đọc nữa, họ có thể hiểu biết và thao tác sổ sách kế toán nhưng không biết gì về văn học cổ điển vốn là nguồn giữ minh triết của mọi thời đại.
Ông chú mục vào thiên nhiên tươi mát và có những quan sát sâu sắc nhất về những gì mà ngày nay chúng ta gọi là hệ sinh thái – trước khi sinh thái học trở thành một ngành khoa học chuyên biệt. Đối với ông, chuyển đến hồ Walden đồng nghĩa với việc trở lại cuộc sống đơn giản với những nhu cầu cơ bản nhất, tối thiểu hóa tư hữu, để có thể tập trung vào những mưu cầu cao hơn: ông muốn cống hiến hết mình cho những nỗ lực triết học, tinh thần, sáng tạo và nghệ thuật.
Không biến mình trở thành ẩn sĩ, Thoreau coi việc chuyển đến Walden đơn giản là cơ hội để mình thực sự sống một cuộc đời thanh bần, để có chỗ tiếp thu minh triết thiêng liêng. Ông tin rằng cuộc sống ở ven hồ Walden cho phép ông thỏa mãn bốn nhu cầu (thực phẩm, nơi trú ẩn, quần áo, củi sưởi) tối thiểu một cách dễ dàng, vì thế có vô kể thời gian để suy tư và viết lách để tận hưởng đời sống.
Với Thoreau, nhà cửa thời hiện đại không còn giữ chức năng là nơi trú ngụ của mỗi người mà được coi như biểu tượng vai vế xã hội. Ông trân quý cách người da đỏ xây những mái lều của họ: thực sự đơn giản mà thiết thực, rất dễ xây dựng và được thiết kế để chịu được mọi loại thời tiết. Ông thấy việc bắt tay xây nhà cho mình và sống tự dưỡng là một cách tuyệt vời để học một số bài học quý giá về cuộc sống. Ông nhấn mạnh cảm giác viên mãn khi được ăn chính những thực phẩm mà mình gieo trồng và coi sóc, nhấn mạnh lợi ích tôi rèn đức kiên nhẫn và nhiều đức tính khác của việc làm vườn. Đối với ông, nông nghiệp là một nghệ thuật cao quý và là một truyền thống thiêng liêng; nó bắt rễ sâu vào trong tâm linh của mỗi con người.
Tại hồ Walden, Thoreau say đắm trước thiên nhiên tuyệt mỹ, hoàn toàn hạnh phúc khi chỉ đơn giản là dành cả ngày để lắng nghe tiếng kêu của chim chóc sống gần đó. Thế giới tự nhiên trở thành liều thuốc giải độc nỗi cô đơn khi sống giữa môi trường xã hội; những thanh âm của thiên nhiên, những tiếng nhạc rừng đủ để khiến ông cảm thấy có bầu bạn mỗi ngày.
Vào cuối năm, hồ Walden cuối cùng đã đóng băng hoàn toàn. Mùa đông khắc nghiệt với tuyết dày và hồ ước đông cứng khiến điều kiện sống tại Walden trở nên khó khăn hơn nhiều đối với Thoreau. Mùa đông đầu tiên tại Walden, Thoreau phải nhanh chóng xây ống khói, trát tường để giữ nhiệt. Đến mùa đông thứ hai, ông thậm chí còn có thể mua một lò đốt củi giữ ấm cho mình. Sau mùa đông dài lạnh lẽo, phần thưởng là mùa xuân đặc biệt ngọt ngào. Thiên nhiên đã trở lại đầy sức sống, và ông thấy mình trở thành là một phần của xuân sắc, tràn đầy năng lượng như khu rừng. Với một người đã quen với cuộc sống thành phố, thay đổi này là một trải nghiệm thực sự đáng kinh ngạc.
Trong những ngày cuối cùng tại hồ Walden, lúc đó là đầu tháng 9 năm 1847, Thoreau bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại cần phải rời đi, để niềm hạnh phúc sống giữa thiên nhiên ở lại. Ông viết rằng, Walden chỉ là một điểm dừng giữa nhiều điểm dừng khác của đời sống. Thoreau nhận ra mình chỉ có một cuộc đời để sống, và ông chưa trải nghiệm hết mọi thứ mà cuộc sống dành cho ông và ông đã học được nhiều bài học trong quãng thời gian hai năm đáng nhớ này.
Thứ nhất: nếu đơn giản hóa cuộc sống, mọi điều sẽ trở nên ít phức tạp hơn. Tất cả mọi người đều có thể bắt đầu sống một cuộc đời như Thoreau mô tả là “tồn tại ở cấp độ cao hơn”. Thứ hai: chúng ta có thể tháo lui khỏi xã hội hiện đại trong một khoảng thời gian nếu muốn tìm lại bản thân và đào sâu suy niệm. Bởi nếu mắc kẹt trong thói quen thì chúng ta sẽ rơi vào một trạng thái sống an toàn nhưng lúc nào cũng như bị ru ngủ. Thoreau nhấn mạnh, không cần phải lao tâm khổ tứ vì mưu sinh, vì đồng tiền nhiều đến thế, chân lý và cái đẹp mới là thứ đáng săn tìm hơn giàu sang và danh vọng. Và bài học lớn nhất chính là: thứ linh hồn cần không tốn một xu. Sống tối giản sẽ đưa bạn đi xa còn nỗi ám ảnh vật chất chỉ khiến chúng ta giậm chân tại chỗ.
Cuốn sách của Thoreau mang đến những bài học sáng rõ và phổ quát nhất về vẻ đẹp của những điều giản dị không tên. Với độc giả ngày nay, Walden khoác thêm nhiều lớp nghĩa mới, đại diện cho sự chối bỏ chủ nghĩa thực dụng và nỗi ám ảnh kim tiền, tượng trưng cho cuộc thoái lui khỏi xã hội và trở về với thiên nhiên, kiếm tìm chân lý giản đơn mà giàu ý nghĩa.