Thiên Hoàng là biểu tượng cao quý suốt hàng ngàn năm của Nhật Bản. Nhưng trên lãnh thổ xứ Phù Tang trước đây đã từng tồn tại nhiều hơn một hoàng tộc.
Các vị vua mang họ Sho (Thượng) đã từng cai trị Lưu Cầu (Ryukyu), vùng đất nay thuộc tỉnh Okinawa) trong khoảng hơn 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến năm 1879); tuy nhiên ngày nay, không còn nhiều người biết đến sự tồn tại của triều đại này, mặc dù hậu duệ của họ vẫn đang sống giữa đời thường.
Mắt xích thương mại
Lưu Cầu là quần đảo nằm giữa Đài Loan và Kyushu. Nơi đây đã từng hiện diện một vương quốc (được cai trị bởi vua) song không có quân đội thường trực mà chỉ tồn tại nhờ vào thương mại và chính sách ngoại giao mềm mỏng. Bất chấp những mâu thuẫn và biến động trong khu vực, Lưu Cầu đã rất cố gắng thiết lập một tuyến mậu dịch thịnh vượng, trải dài từ Tây Bá Lợi Á (Siberia) tới tận Xiêm La (Thái Lan ngày nay).
Các thuyền buôn của Lưu Cầu, thường do Trung Quốc đóng, đã tới làm ăn ở An Nam (Việt Nam), Triều Tiên, Đại Hòa (Nhật Bản), Java, Malacca, Sumatra, Pattani, Palembang, Xiêm, Trung Quốc và nhiều nơi khác. Các mặt hàng buôn bán chính gồm có: vật dụng xuất xứ Nhật Bản (bạc, gươm, quạt, sơn mài, bình phong, …); Trung Quốc (thảo dược, tiền đúc, gốm sứ tráng men, kim tuyến, tơ lụa, vải dệt, …); sản vật Đông Nam Á (gỗ vang, sừng tê giác, thiếc, sắt, đường, long diên hương, …), ngà voi Ấn Độ và cả trầm hương Ả Rập, …
Trong lúc nhiều nước lớn âm mưu xâm chiếm và thôn tính lẫn nhau thì Lưu Cầu lại nổi lên với vị thế của một đối tác trung gian thành thật. Họ đã rất cố gắng để tránh nguy cơ bị xâm lược nhờ vào vai trò quan trọng (gần như không thể thiếu) trong hệ thống thương mại thế giới, và một phần cũng bởi sự hậu thuẫn của các hoàng đế Trung Hoa.
Bị sáp nhập
Năm 1590, Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Các), một Daimyo (đại danh) của thời sengoku (Chiến Quốc) ở Nhật, ép Lưu Cầu giúp ông chinh phạt Triều Tiên và sau đó là Trung Hoa. Nhưng vì là một phiên thuộc quốc triều cống nhà Minh, vua Lưu Cầu đã từ chối, khiến người Nhật nổi giận. Vì thế năm 1609, vị lãnh chúa (đại danh) của phiên Satsuma đã mang quân xâm chiếm Lưu Cầu và đặt dấu chấm hết cho sự thịnh vượng của nơi này. Nhà vua bị bắt giữ và Lưu Cầu bị ép phải thề trung thành, trở thành một phụ thuộc quốc của Satsuma; và Satsuma cũng kiểm soát toàn bộ hoạt động thương mại.
Mặc dù nền độc lập không còn nữa nhưng hoàng tộc Sho vẫn là người cai trị trên danh nghĩa của Lưu Cầu thêm 270 năm nữa. Trong thời kỳ tỏa quốc (đóng cửa) kéo dài gần 250 năm (ở Nhật), vương quốc đóng vai trò như là cửa ngõ thương mại chính của Nhật Bản, và vẫn tiếp tục triều cống Trung Hoa. Năm 1853, đề đốc Mỹ Matthew C. Perry (1794 – 1858, người được xem là có công mở cửa nước Nhật nhờ biện pháp cứng rắn) đã từng tới thăm Lưu Cầu, đàm đạo với nhà vua, nhận được sự tiếp đón nồng hậu cùng rất nhiều quà cáp, khiến ông đặc biệt thích thú và có ấn tượng tốt về nơi này.
Nhật Bản biết rằng Trung Hoa ít nhiều vẫn lo ngại về ảnh hưởng của họ đối với Lưu Cầu. Vì vậy, mặc dù nó bị kiểm soát bởi phiên Satsuma (về mặt kỹ thuật), nhưng vương quốc vẫn được cho một quy chế tự trị tương đối. Lý do chính là ở trao đổi thương mại với Trung Quốc – vốn không có bang giao chính thức với Nhật Bản (do chính sách tỏa quốc), còn Lưu Cầu thì vẫn luôn được các hoàng đế Trung Hoa xem là phiên thuộc quốc, thường xuyên sang triều cống và còn mang về nhiều tặng phẩm hơn. Cho nên, Nhật Bản đã không lộ liễu chiếm đóng Lưu Cầu, hay trực tiếp kiểm soát chính sách và luật lệ ở đây. Cả ba: hoàng tộc Sho, đại danh Satsuma và Shogun (tướng quân) đều được hưởng lợi từ thỏa thuận lạ lùng này, biến Lưu Cầu thành một vương quốc đặc biệt và duy nhất. Trong lúc người Nhật bị cấm thăm Lưu Cầu khi chưa được phép, người Lưu Cầu cũng không được lấy tên, nói tiếng, mặc trang phục và du nhập văn hóa Nhật.
Cuối cùng, người Nhật quyết định “hất cẳng” Trung Quốc để hoàn toàn kiểm soát Lưu Cầu khi yêu cầu vua Sho ngừng triều cống hoàng đế nhà Thanh vào năm 1875, dẫn tới cắt đứt bang giao (năm 1879). Vương quốc sau đó bị xóa tên và sáp nhập (phế phiên, lập huyện) thành Okinawa. Tuy nhiên, ngay cả khi ấy, Lưu Cầu vẫn không thật sự được coi là một phần của Nhật Bản, và cả người dân của họ cũng vậy.
Gia tộc Sho hiện đại
Hậu duệ trực hệ của hoàng tộc Lưu Cầu, ngài Tsuguru Sho đã không sống cuộc đời của một hoàng tử. Ông hiện sở hữu một quán bar ở Tokyo (rất gần cung điện hoàng gia Nhật Bản) và rất ít người biết ông mang dòng máu hoàng tộc. Tất nhiên, cuộc sống mưu sinh bận rộn cũng khiến ông chẳng có thời gian để ý đến việc đó.
Do triều đình Lưu Cầu không còn nữa, rất nhiều tài sản, hiện vật của họ đã được đem ra trưng bày ở cả trong và ngoài Nhật Bản. Các thành viên hoàng tộc thì rất cố gắng để duy trì truyền thống và lễ nghĩa, nhất là tại Okinawa, trong khi vẫn điều hành công việc kinh doanh (trường học, bệnh viện, bãi đậu xe, …)
Sau khi triều đại bị xóa sổ (năm 1879), người Nhật vẫn trao cho hoàng tộc Lưu Cầu nhiều đặc quyền đặc lợi cùng sự tôn trọng. Chẳng hạn, họ được giành ghế trong Quý tộc Viện (The House of Peers, mô phỏng theo kiểu Nghị viện Westminster của Anh Quốc) ở Quốc hội, thậm chí một số thành viên còn kết hôn với người trong hoàng gia Nhật Bản. Không may là những thuận lợi đó đã chấm dứt cùng với trận Okinawa khốc liệt cuối Đệ nhị Thế chiến – hơn 90% người Okinawa lâm vào cảnh vô gia cư, bao gồm cả dòng họ Sho, lâu đài Shurri bị tàn phá và Quý tộc Viện thì bị giải tán. Quân lực Hoa Kỳ đã chiếm đóng Okinawa suốt 27 năm sau đó, trước khi trả lại cho chính quyền Nhật Bản (năm 1972).
Vì thế, hoàng tộc Sho về cơ bản đang có cuộc sống không khác gì các gia đình Nhật Bản khác. Điều này khiến cho nhiều thành viên lo lắng, rằng những thế hệ hậu sinh sẽ không còn giữ được truyền thống, phương ngữ và thực hành các nghi lễ. Tuy nhiên, bất chấp việc bị người đời lãng quên, di sản của họ có lẽ vẫn sẽ sống mãi trong sử sách.