“Ý chí: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” cung cấp những bằng chứng khoa học thuyết phục cho thấy sức mạnh ý chí thực sự tồn tại và nó cũng bị suy giảm qua thời gian sử dụng, nhưng có những cách hữu hiệu để phục hồi.

Từ lâu các nhà nghiên cứu xã hội đã thống nhất quan điểm: trí thông minh và sức mạnh ý chí là hai yếu tố dự báo, đảm bảo tốt nhất cho thành công của một người trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong khi các nhà khoa học hầu như chưa có nhiều bước tiến trong việc tăng cường trí thông minh cho con người thì ở khía cạnh tăng cường ý chí, khoa học đã đạt được những thành công đáng kể.

Trong các thí nghiệm kẹo dẻo nổi tiếng bắt đầu vào cuối những năm 1960, nhà tâm lý học Walter Mischel đưa cho hàng trăm trẻ mẫu giáo một chiếc kẹo dẻo và cho chúng hai lựa chọn: ăn luôn chiếc kẹo hoặc chờ thêm 15 phút thì sẽ được tặng thêm chiếc kẹo thứ hai.

fdfdg
Cuốn sách được viết bởi Roy F. Baumeister (1953), giáo sư giảng dạy tâm lý học tại nhiều trường như Đại học Bang Florida (Mỹ), Đại học Queensland (Úc)…; và John Tierney (1953), tác giả khoa học của New York Times. Ảnh: VH

Theo dõi nhiều thập kỷ sau, Mischel phát hiện, những đứa trẻ 4 tuổi có khả năng tự chủ, phớt lờ cám dỗ để có được viên kẹo thứ hai, thì đều trở thành người lớn biết điều chỉnh tốt hơn, ít lạm dụng ma túy, có lòng tự trọng cao, xử lý tốt căng thẳng, có các mối quan hệ tốt, đạt được bằng cấp cao hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Ngược lại, những đứa trẻ không có khả năng phớt lờ cám dỗ, gặp nhiều khó khăn, chật vật hơn trong cuộc sống. Đây là một trong những thí nghiệm được hai tác giả Roy Baumeister và John Tierney đưa ra để chứng minh, sức mạnh ý chí thực sự tồn tại và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người.

Bản thân Baumeister và các cộng sự đã thực hiện cả trăm thí nghiệm với đối tượng tham gia là sinh viên. Theo đó, ông yêu cầu họ kiểm soát sự thôi thúc của bản thân – theo dõi màn hình nhàm chán trong khi bên cạnh đang chiếu một video hài, hoặc kìm nén cảm xúc khi xem một phân cảnh xúc động trong một bộ phim… Những sinh viên này sau đó đã thể hiện hiệu suất thấp trong các nhiệm vụ tiếp theo cũng đòi hỏi sử dụng sức mạnh của ý chí như: giải các bài toán khó, kìm hãm những suy nghĩ về tình dục hoặc bạo lực… Baumeister đã gắn thẻ cho hiệu ứng này là “suy giảm bản ngã”, hay chính là sự suy giảm của ý chí sau một thời gian sử dụng.

Từ kết quả của rất nhiều thí nghiệm, hai tác giả đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quý giá về ý chí, có thể góp phần thay đổi cuộc sống của mỗi người. Đó là:

(1) Khi bị sử dựng quá nhiều, ý chí giống như cơ bắp, có thể trở nên mệt mỏi và yếu ớt; cho đến khi chúng có thể hồi phục.

(2) Nguồn cung cấp ý chí hằng ngày của mỗi người là có hạn. Nếu một cá nhân vắt kiệt ý chí trong ngày tại nơi làm việc, họ sẽ có ít tự chủ, khoan dung và kiên nhẫn khi trở về nhà với gia đình. Nhiều cuộc hôn nhân trở nên tồi tệ khi căng thẳng trong công việc lên đến mức cao nhất.

(3) Khi ý chí ở mức thấp, hầu hết mọi người sẽ thấy chật vật để đưa ra quyết định. Hơn nữa, trong quá trình ra quyết định, họ có thể bỏ qua lựa chọn đúng đắn mà đưa ra những quyết định sai lầm.

(4) Khi lượng glucose trong máu thấp, khả năng tự kiểm soát thất bại sẽ cao hơn, bởi đường cung cấp nhiên liệu để não hoạt động và phục hồi sức mạnh ý chí của con người. Vì vậy phục hồi glucose ở mức đủ sẽ thường cải thiện khả năng tự kiểm soát của mỗi cá nhân. Ở đây, các tác giả lưu ý, phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, hoặc phụ nữ ăn kiêng dễ bị thiếu hụt đường, dẫn đến mất kiểm soát bản thân, mua sắm nhiều hơn. Đối với các trường hợp này, có thể bổ sung lập tức bằng cách ăn uống các thực phẩm chứa đường, nhưng tốt nhất nên bổ sung bằng thức ăn chuyển hóa đường chậm để đảm bảo sức khoẻ.

Vẫn từ kết quả của các thí nghiệm, hai tác giả cho biết: về lâu dài, rèn luyện ý chí sẽ tăng cường sức mạnh, giống như cơ bắp phát triển sức chịu đựng và sức mạnh khi được luyện tập thường xuyên. Bên cạnh việc đề xuất những bài tập rèn luyện ý chí cụ thể, các tác giả còn đưa ra những lưu ý thiết thực cho độc giả trong việc này như: (1) Căng thẳng kích động nhiều cảm xúc tiêu cực bởi vì căng thẳng làm suy giảm ý chí, do đó làm giảm khả năng kiểm soát; (2) Việc sử dụng tốt nhất sức mạnh ý chí là thiết lập các ưu tiên và hoàn thành công việc. Cho dù mỗi người có một lượng ý chí hạn chế vào một ngày nhất định, nhưng mỗi cá nhân vẫn có thể tự chủ tốt nhất bằng cách lập ngân sách cho sức mạnh ý chí của mình và sử dụng nó khi mình cần nhất. (3) Phát triển các quy trình và trau dồi các thói quen, để có thể thực hiện nhiều công việc một cách tự động, tiết kiệm ý chí cho những nhiệm vụ khó khăn…

Nhận xét về cuốn sách, Martin Seligman, cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ viết: “(Trong một thời gian dài) Ý chí, sức mạnh ý chí và nghị lực tinh thần đã bị tâm lý học hiện đại xa lánh. Roy Baumeister, nhà tâm lý học xã hội thực nghiệm xuất sắc nhất trên thế giới và John Tierney, một nhà báo nổi tiếng, đã hợp tác để đưa ý chí trở lại vị trí trung tâm chính đáng của nó. Cuốn sách tuyệt vời này là tác phẩm phải đọc cho tất cả chúng ta, những người muốn tập thể dục, ăn kiêng, quản lý thời gian, tiết kiệm và chống lại sự cám dỗ."