Quân đội Mỹ từng thả 20 quả bom xuống một ngọn núi lửa đang phun trào ở Hawaii với mục tiêu chuyển hướng dòng chảy của dung nham, ngăn chặn thảm họa mà nó có thể gây ra cho người dân.

Năm 1935, núi lửa Mauna Loa ở quần đảo Hawaii (Mỹ) phun trào và tạo ra dòng dung nham nóng chảy tiến về thị trấn Hilo, nơi sinh sống của khoảng 16.000 cư dân. Thông thường khi một ngọn núi lửa phun trào, người dân không còn sự lưa chọn nào khác ngoài việc tránh xa nó. Nhưng tại thời điểm đó, các nhà khoa học đã quyết định tiến hành một thử nghiệm khác biệt.

Ảnh: Thevintagenews.

Sau khi tham khảo ý kiến các đồng nghiệp, Thomas Jaggar – người sáng lập và giám đốc Đài quan sát núi lửa Hawaii của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ – quyết định sử dụng bom để ngăn chặn thảm họa.

Mục tiêu của vụ đánh bom không nhằm phá hủy ngọn núi Mauna Loa hay thậm chí ngăn chặn vụ phun trào. Thay vào đó, người ta chỉ muốn chuyển hướng dòng chảy dung nham bằng cách làm sụp đổ các khe đá và ống dung nham trên đường di chuyển của nó về phía thị trấn Hilo. Chiến dịch quân sự này là nỗ lực đầu tiên của con người nhằm chuyển hướng dung nham bằng chất nổ.

“Nếu các khe đá và ống dung nham có thể bị phá hủy một phần, dòng magma sẽ tràn ra theo nhiều hướng khác nhau và nguồn cung cấp đá nóng chảy hướng về phía thị trấn Hilo có thể bị cắt đứt”, Jaggar nhận định.

Ban đầu, Jaggar cân nhắc đến việc dùng sức người vận chuyển thuốc nổ tới ngọn núi lửa bằng đường bộ. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, ý tưởng này cuối cùng đã bị loại bỏ. Thay vào đó, Jaggar nhờ tới sự trợ giúp của quân đội Mỹ.

Vào ngày 27/12/1935, một phi đội gồm mười máy bay Keystone B3 và B4 đã bay lượn phía trên bầu trời, sau đó thả 20 quả bom MK I có sức công phá tương đương 3,6 tấn thuốc nổ TNT xuống dòng nham thạch đang tiến về thị trấn Hilo.

Đến ngày 2/1/1936, dòng dung nham ngừng chảy và Jaggar tuyên bố đây là kết quả trực tiếp của chiến dịch ném bom. “Làm lệch hướng hoặc chuyển hướng dòng dung nham giúp người dân có thời gian sơ tán và thu dọn đồ đạc của họ”, Amy Donovan, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Cambridge (Anh), cho biết.

Tuy nhiên, một số phi công và nhà địa chất bày tỏ sự hoài nghi. Họ cho rằng một số quả bom rơi trượt mục tiêu, và những quả bom trúng đích dường như không gây ra sự thay đổi địa hình giống như Jagdish kỳ vọng. Nhiều khả năng đã xảy ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tốc độ sản sinh dung nham của vụ phun trào đã giảm xuống vào đúng khoảng thời gian xảy ra vụ đánh bom. Đây có thể là lời giải thích đơn giản hơn cho sự dừng lại đột ngột của dòng dung nham nguy hiểm.

“Tôi không nghĩ rằng từng có ai đó ném bom một ngọn núi lửa đang phun trào với ý nghĩ họ sẽ làm cho nó ngừng hoạt động”, Arianna Soldati, chuyên gia về núi lửa tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), cho biết.

Nếu núi lửa liên tục phun ra đá nóng chảy với khối lượng lớn, tất cả các biện pháp chống lại nó – dù áp dụng công nghệ tiên tiến nhất – đều sẽ bị thất bại. “Bạn có thể trì hoãn dòng dùng nham, nhưng cuối cùng núi lửa vẫn chiến thắng”, Tobias Dürig, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Iceland, nhận định.

Tháng 4/1942, một vụ ném bom tương tự đã diễn ra ở núi lửa Mauna Loa trong một đợt phun trào khác của nó, ngay giữa thời điểm xảy ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hannah Dietterich, nhà địa vật lý tại Đài quan sát núi lửa USGS Alaska, cho biết vụ nổ này dường như không gây ảnh hưởng đáng kể đến dòng dung nham. Sức mạnh của những quả bom đơn giản là không thể sánh được với sức mạnh của đá nóng chảy.

Vậy phương pháp ném bom vào một ngọn núi lửa đang phun trào có thể giúp bảo vệ người dân và cảnh quan xung quanh hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản. Phương pháp ném bom có thể hoạt động, nhưng chỉ trong một số bối cảnh cụ thể và phụ thuộc nhiều vào yếu tố may mắn.

“Để quá trình chuyển hướng dòng dung nham thành công, chúng ta cần một số điều kiện thích hợp”, Dietterich nói. “Chúng ta phải lựa chọn chính xác vị trí ném bom vào các khe đá và ống dung nham, nơi dòng magma sẽ chuyển hướng và chảy đến một nơi an toàn”.

Vị trí gây nổ để chuyển hướng dòng dung nham cũng phải nằm trên một sườn núi với độ dốc lớn, bởi vì dung nham sẽ di chuyển theo con đường có độ nghiêng lớn nhất.

“Các ngọn núi lửa hình khiên ở Hawaii có sườn phẳng và độ dốc thấp. Điều này khiến viêc sử dụng bom hoặc chất nổ để kiểm soát dòng dung nham trở nên không khả thi trong nhiều trường hợp”, Sophia Tsang, nhà nghiên cứu tại Đại học Auckland (New Zealand), cho biết.

Ngay cả khi sườn núi lửa đáp ứng điều kiện có độ dốc lớn, hướng chảy mới của dòng dung nham sau vụ ném bom cũng là một vấn đề cần lưu tâm. “Bạn có thể làm lệch hướng dòng dung nham ra khỏi Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Nhưng dung nham vẫn có khả năng chảy sang một khu nhà ở hiện đại của người dân sống gần đó”, Soldati nói. “Bạn cần phải chuyển hướng nó đến một nơi hoang vắng, không có tài sản tư nhân và không có cơ sở hạ tầng. Đó là trường hợp hiếm khi xảy ra”.

Chúng ta có thể nhìn vào vụ phun trào núi lửa Kilauea ở Hawaii năm 2018, hoặc vụ phun trào núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma của Tây Ban Nha năm 2021. Trong cả hai trường hợp, các vết nứt phun trào dung nham xuất hiện ngay bên cạnh nhà ở của người dân. Do đó, việc sử dụng bom hoặc chất nổ để chuyển hướng dòng dung nham là một giải pháp liều lĩnh.

“Hơn nữa, nhiều người dân sống ở Hawaii có đời sống tâm linh gắn bó chặt chẽ với các ngọn núi lửa. Ý tưởng ném bom chúng được coi là một hành động xúc phạm”, Amy Donovan, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Cambridge (Anh), cho biết.

Theo một nghiên cứu gần đây của Sophia Tsang tại Đại học Auckland (New Zealand) và các đồng nghiệp, chúng ta có những cách khác ít rủi ro hơn để chuyển hướng dòng dung nham. Vụ phun trào núi lửa Eldfell trên đảo Heimaey (Iceland) vào năm 1973 đã đe dọa một bến cảng quan trọng của quốc gia. Các nhà chức trách đã làm chậm dòng chảy của dung nham bằng cách phun vào nó hàng tỷ gallon nước biển trong năm tháng liên tục. Nỗ lực này chỉ chấm dứt khi vụ phun trào núi lửa dừng lại. Nhưng phương pháp này khó có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào không phải là biển.

Các hàng rào được thiết kế để ngăn cản hoặc chuyển hướng dòng dung nham là một cách làm phổ biến hơn. “Đây là giải pháp đáng tin cậy hơn nhiều so với việc ném bom. Chúng ta có thể xây dựng các rào cản xung quanh núi lửa trước khi nó phun trào”, Tsang nói. “Điểm hạn chế của phương pháp này là dung nham thường phun ra từ các khe nứt và ống dung nham nằm rải rác trên một diện tích lớn. Do đó, việc lựa chọn vị trí đặt rào chắn gặp nhiều khó khăn và chi phí xây dựng cũng khá lớn”.

Theo National Geographic