Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng “mồ hôi thịt” là hiện tượng đổ mồ hôi dữ dội sau khi ăn quá nhiều thịt, và điều này chắc hẳn cũng không mấy xa lạ đối với những người từng có kinh nghiệm. Nhưng liệu có bất cứ lý giải khoa học nào đối với hiện tượng này không? Mồ hôi thịt có thật sự là một trạng thái sinh học của cơ thể? Và nếu vậy, điều gì đã khiến món thịt trở nên phiền phức?
Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ thuật ngữ nào trong từ điển y học đề cập đến hiện tượng "mồ hôi thịt", nhưng có thể kiếm được nhiều tài liệu về cơ chế tiêu hóa giúp lý giải hiện tượng. Keya Mukherjee – sinh viên cao học ngành hóa sinh tại Đại học Texas A&M, chuyên nghiên cứu về sự chuyển hóa carbohydrate – cho rằng, tất cả đều liên quan đến cơ chế phân giải protein trên cơ thể người.
“Protein là những phân tử cực kỳ phức tạp, đòi hỏi nhiều năng lượng hoặc carbohydrate để chuyển hóa hoặc phân giải hơn chất béo” - Mukherjee nói. “Nếu chế độ ăn của bạn chứa nhiều chất đạm trong khi những thành phần khác là không đáng kể, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều năng lượng và nhiệt. Và tất nhiên, điều đó có thể sẽ khiến bạn đổ mồ hôi.”
Việc chuyển hóa bất cứ loại thực phẩm nào cũng đều gây tiêu hao năng lượng. Năm 2009, một bản đánh giá các nghiên cứu y học đã phát hiện ra rằng: cơ thể sử dụng năng lượng nhiều hơn đến 25% so với thông thường khi phải tiêu hóa một bữa ăn quá no. Tương tự như khi tập thể dục, phần năng lượng tiêu hao thêm đó sẽ ở dạng nhiệt. Khi năng lượng bị tiêu hao cho hoạt động tiêu hóa thức ăn, phần nhiệt sản sinh thêm có thể làm gia tăng nhiệt độ cơ thể bạn lên một chút. Và hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng nhiệt của thực phẩm”, thường xuất hiện mỗi khi cơ thể tiêu hóa thức ăn.
Vậy thịt đóng vai trò gì ở đây? Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ: các loại thực phẩm khác nhau thì thường đòi hỏi mức tiêu hao năng lượng của cơ thể khác nhau để phân giải; và protein – thành phần chính của thịt lại cần nhiều năng lượng nhất. Theo Mukherjee, có một vài luận điểm để giải thích cho điều này. Thứ nhất, protein là những thành phân tử phức tạp được cấu thành từ vô vàn các liên kết hóa học nhỏ, mỗi liên kết đó cần phải được phá vỡ bởi những loại enzyme khác nhau trước khi phân tử protein có thể được chuyển hóa. Sự sản sinh các enzyme này khiến cho cơ thể phải làm việc nhiều hơn.
Một lý giải khác, có thể là do cơ thể quá “nhạy cảm” với protein đến nỗi ngay lập tức sử dụng năng lượng vừa hấp thụ từ chúng để bắt đầu tạo ra những protein mới. “Quá trình này cũng sản sinh ra nhiều nhiệt lượng”, Mukherjee nói.
Ngay đến kết cấu của miếng thịt cũng đóng vai trò ảnh hưởng đến kết quả làm việc của hệ tiêu hóa. “Với cấu trúc dai và phức tạp của miếng thịt, chúng ta cần thiết phải nhai kỹ một chút trước khi nuốt,” Mukherjee nhận đình. Điều đó có nghĩa hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn để nghiền nát từng đoạn protein, dẫn tới mỗi lần nhai sẽ sản sinh ra nhiều năng lượng và nhiệt hơn. Nói cách khác, khi người thi đấu các cuộc thi ăn thịt chuyên nghiệp L.A. Beast chia sẻ với BuzzFeed rằng “ăn một miếng thịt cực lớn cũng chẳng khác gì đến phòng tập gym,” thì có lẽ anh ta đã không hề nói quá
Bởi vậy, không nên quá lo lắng vì việc đổ mồ hôi một chút sau khi ăn nhiều thịt nướng. Hãy ăn thêm cái hot dog thứ hai (hoặc thứ ba, thậm chí thứ tư …).
Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên hiện tượng “mồ hôi thịt” được nhận thức rộng rãi trong công chúng thông qua hoạt động thi tài trong các cuộc đấu ăn uống – một hình thức thiên nhiều về giải trí khi khuyến khích người chơi ăn thật nhanh, thật nhiều. Và “mồ hôi thịt” không nên trở thành một phần bình thường tất yếu trong cuộc sống của chúng ta, các chuyên gia y tế khuyến cáo. Nếu thường xuyên gặp phải, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống của bạn đã bị mất cân bằng, hoặc cơ thể đang làm nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn một cách không bình thường – Mukherjee nói.
“Nếu thường xuyên đổ nhiều mồ hôi khi đang ăn, có thể bạn đang mắc chứng rối loạn chuyển hóa nào đó … và tốt nhất là nên đi xét nghiệm”, cô nói.
“Nhưng để sau khi ăn nốt chiếc burger này đã”