Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa.
Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. Trong loạt bài viết tìm hiểu về nghệ thuật Phục Hưng, báo Trí Thức VN muốn giới thiệu tới độc giả nền văn hóa phương Tây ở thời kỳ đỉnh cao của nó – Thời kỳ Phục Hưng.
“Et in Arcadia ego” là một bức tranh của Nicolas Poussin, cha đẻ của nền hội họa Pháp, người đã truyền cảm hứng cho những thế hệ họa sĩ Pháp tiếp theo như Jacques-Louis David, Jean-Auguste-Dominique Ingres hay Paul Cézanne. Bức “Et in Arcadia ego” được đặt tại bảo tàng Louvre, Paris, Pháp, là một bức họa sâu xa, hàm chứa nhiều ẩn đố, khiến nó trở thành một tác phẩm nổi tiếng trong giới hội họa. Dưới đây, người viết xin được thử giải “Et in Arcadia ego” theo một góc nhìn mới…
Trong truyền thuyết, Arcadia là một vùng đất thanh bình, cách biệt với thế giới trần tục, có thể sánh Arcadia ngang với thiên đường. Các sinh mệnh tại đây luôn sống trong hạnh phúc và không hề biết đến cái chết. Bức “Et in Arcadia ego” của Nicolas Poussin mô tả ba người chăn cừu và một phụ nữ đang đứng quanh một phiến đá có khắc dòng chữ “Et in Arcadia ego”, có nghĩa là “Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu”. Vậy “ta” là ai?
Trong văn hóa phương Tây, hình ảnh người chăn cừu thường tượng trưng cho những con chiên, những kẻ ngoan đạo. Như vậy, ba người chăn cừu trong tranh chính là những con dân của Arcadia, một cõi thiên đường. Điều đáng nói là ở chỗ, họ đang biểu lộ vẻ ngạc nhiên và bất ngờ trước dòng chữ viết trên phiến đá: “Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu”. Rõ ràng đó là điều mà họ chưa từng chứng kiến. Ở cõi thiên đường ấy, điều các sinh mệnh chưa hề trải qua là gì? Chính là cái chết vậy! Nói cách khác, “ta” chính là ám chỉ thần Chết. Nói đến cái chết là nói đến sự đau thương, nhưng những người chăn cừu lại không hề biểu lộ cảm xúc đó, mà chỉ tỏ ra bất ngờ. Có lẽ cái chết là một thứ gì đó quá xa lạ đối với họ.
Hãy để ý đến biểu cảm của những người trong tranh, ba người chăn cừu tỏ vẻ bất ngờ, họ quay qua như muốn hỏi ý kiến của người phụ nữ. Trong khi đó, người phụ nữ tỏ ra thật trầm tĩnh, lâm vào suy tư. Mặc dù không mang đồ trang sức hoa lệ, nhưng từ tư thái cao quý và trang phục của người phụ nữ, cũng như thái độ của ba người chăn cừu, chúng ta có thể đoán được rằng đây chính là nữ Thần Arcadia. Bà chính là người cai quản thiên đường hạnh phúc này. Nhưng đến cả nữ Thần Arcadia cũng chưa từng biết đến sự hiện hữu của cái chết, vì thế bà mới trầm ngâm không nói. Nhưng không nói không có nghĩa là lo sợ, mà ở nữ Thần Arcadia lại toát ra nét khí phách và trí tuệ của bà.
“Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu”, nó như một dự ngôn rằng cái chết sẽ xuất hiện ở chốn thiên đường Arcadia. Lời dự ngôn đó đã xuất hiện từ bao giờ? Là ai đã khắc nó lên phiến đá này? Tại sao đến cả nữ Thần Arcadia cũng chưa hề biết đến điều đó? Và vì sao thiên đường, nơi cư ngụ của những linh hồn bất tử cũng lại xuất hiện cái chết? Tất cả những câu hỏi đó đã đưa “Et in Arcadia ego” trở thành một ẩn đố của hội họa Pháp.
Hãy cùng thử giải ẩn đố này theo góc nhìn của tín ngưỡng và khoa học…
Thật ra người phương Tây không chỉ biết đến thiên đường như một chốn tịnh thổ, mà cũng biết rằng đã từng có những xáo động lớn diễn ra tại nơi đây. Đó là truyền thuyết về trận chiến trên thiên đường khi Lucifer (Satan) tạo phản được mô tả sống động trong “Thiên đường đã mất” của Milton, hay là những dự ngôn trong sách Khải Huyền của Kinh Thánh về việc trong tương lai, một con rồng đỏ sẽ mê hoặc khiến các thiên thần đi theo nó. Nó sẽ gây ra nhiều tai họa, và khiến cho 1/3 số ngôi sao trên bầu trời rơi xuống mặt đất.
Chúng ta đều biết rằng, trong văn hóa cổ xưa ở cả phương Đông lẫn phương Tây, các vì tinh tú là một hình ảnh tượng trưng của các vị Thần, ví như Thần Jupiter đối ứng với sao Mộc, thần Helios đối ứng với Mặt trời, hay Nam Tào – Bắc Đẩu tinh quân coi giữ các chòm sao Nam Đẩu – Bắc Đẩu. Ngoài ra, các vì sao cũng được coi như một hình tượng phản ánh những thế giới của Chư Thần. Vậy thì 1/3 số ngôi sao trên bầu trời rơi xuống mặt đất chẳng phải là quá nhiều Thiên Thần bị sa ngã sao? Chẳng phải là những phần khác nhau của thiên đường đang bị hủy diệt sao?
Quay lại phương Đông, ngoài quy luật sinh – lão – bệnh – tử của con người ra, Phật giáo còn đề cập đến quy luật thành – trụ – hoại – diệt của vũ trụ. Đó chính là vũ trụ cũng có vòng đời của nó, từ khi mới ra đời sơ khai là “thành”, phát triển đầy đủ phong phú là “trụ”, xuống dốc là “hoại”, còn tiêu vong là “diệt”. Nếu như vũ trụ đi đến cuối cùng rồi, thì liệu thế giới của Chư Phật, hay thiên đường của Chư Thần có còn tồn tại?
Đứng từ góc độ của khoa học mà nói, sự tồn tại của Trái đất, của một tinh cầu, một dải ngân hà, hay thậm chí là toàn vũ trụ dường như kéo dài rất lâu, với con người mà nói, thì là gần như vô tận. Tuy nhiên chẳng phải chúng ta cũng đã được chứng kiến những hành tinh chết, những hố đen bí ẩn, hay những tinh cầu bị nổ tung sao? Nếu như vũ trụ có điểm xuất phát là từ vụ nổ Big Bang như khoa học ngày nay giả thiết, thì đâu là điểm kết thúc của nó?
“Thậm chí ở Arcadia, ta cũng hiện hữu” – Dường như một quy luật cao hơn về vũ trụ đã được ẩn ý nói tới thông qua bức tranh của Nicolas Poussin. Suy luận tới đây, tư tưởng của người xem tranh như được mở ra, rộng lớn tới vô tận…
Nói về sự sụp đổ của vũ trụ, về cái chết ở chốn thiên đường, thì còn có một ẩn đố lớn hơn mà cả những người theo tín ngưỡng phương Đông lẫn phương Tây đều mong ngóng. Đó là truyền thuyết về Cứu Thế Chủ, vị Thần toàn năng sẽ giải cứu vũ trụ trong nguy khốn – Khi cái chết “hiện hữu ở Arcadia” thì Ngài sẽ xuất hiện. Mặc dù Cứu thế chủ mang các tên gọi khác nhau như Messiah trong tín ngưỡng phương Tây, hay Phật Di Lặc (Maitreya) trong Phật giáo phương Đông, hay Lí Hoằng trong Đạo giáo, nhưng người ta không khỏi thắc mắc rằng, liệu các Ngài phải chăng là một?