Khuôn mặt tạo ra ấn tượng về tính cách
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâmKhoa họcQuốc gia Mỹ(PNAS) đã giải thích cách thức chúng ta nhìn vào những đặc điểm trên khuôn mặt của người khác để tạo thành ấn tượng về tính cách của họ.
“Chúng ta hình thành ấn tượng về tính cách của người khác thông qua diện mạo khuôn mặt chỉ trong vài trăm mili giây”, Jonathan Freeman, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Khoa tâm lý học và Trung tâm Khoa học Thần kinh thuộc Đại học New York (Mỹ), cho biết. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, những ấn tượng về khuôn mặt được hình thành không chỉ bởi các đặc điểm cụ thể trên khuôn mặt mà còn bởi niềm tin của chúng ta về tính cách.”
Ví dụ, các đặc điểm khiến một khuôn mặt trông có năng lực hoặc khiến một khuôn mặt trông thân thiện có sự tương đồng với những đặc điểm khuôn mặt khiến chúng ta tin rằng năng lực và sự thân thiện cùng xuất hiện trong tính cách của người khác.
Chúng ta thường nhìn nhận một khuôn mặt có nét trẻ con là dễ thương và ngây thơ. Trong khi đó, những người có khuôn mặt giống như đang tức giận là không trung thực và không thân thiện.
Ấn tượng về tính cách của người khác thông qua khuôn mặt hình thành trong vòng chưa đến 1 giây. Ảnh: Independent
“Mặc dù những ấn tượng này có độ tin cậy cao, nhưng chúng thường khá không chính xác”, Freeman nói thêm. “Một số nghiên cứu trước đây cho thấy, ấn tượng ban đầu về khuôn mặt của người khác đóng vai trò quan trọng trong một loạt tình huống thực tế, từ những cuộc bầu cử chính trị, ra quyết định tuyển dụng, kết án hình sự hoặc thậm chí hẹn hò.”
Các tác giả khác của nghiên cứu trên bao gồm Ryan Stolier tại Khoa Tâm lý học của Đại học New York, Eric Hehman tại Đại học McGill (Canada), Matthias Keller và Mirella Walker tại Đại học Basel (Thụy Sĩ). Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.
Cơ chế hình thành ấn tượng về tính cách của người khác
Những ấn tượng đầu tiên về diện mạo khuôn mặt có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác và đưa ra quyết định đối với người khác. Do đó, việc hiểu cơ chế đằng sau những ấn tượng này là rất quan trọng cho việc phát triển các kỹ thuật để làm giảm thành kiến dựa trên đặc điểm khuôn mặt, cái mà thường hoạt động ngoài ý thức.
Trong nghiên cứu đăng trên PNAS, các nhà khoa học tiến hành một loạt thí nghiệm để tìm hiểu vấn đề trên. Họ muốn xác định xem liệu niềm tin đã tồn tại từ trước của chúng ta về biểu hiện của tính cách ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta “nhìn thấy” nó trên khuôn mặt của người khác.
Đầu tiên, tất cả 920 tình nguyện viên tham gia thí nghiệm cho biết mức độ tin tưởng của họ về những đặc điểm khác nhau cùng xảy ra trong tính cách của người khác. Ví dụ, họ sẽ cho biết mức độ tin tưởng của họ đối với năng lực và sự thân thiện cùng biểu hiện ở những người khác.
Mỗi người tham gia sau đó quan sát hàng chục khuôn mặt được hiển thị trên màn hình máy tính và nhanh chóng đánh giá những khuôn mặt đó về năng lực và sự thân thiện. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu xem xét liệu các tình nguyện viên có nghĩ những khuôn mặt có năng lực thì cũng thân thiện hay không.
Ngoài ra, các tình nguyện viên được hỏi về một số đặc điểm tính cách khác bao gồm: dễ thương, nóng tính, quyết đoán, chu đáo, tận tâm, tự tin, sáng tạo, thích nổi bật, tự cao, trầm tĩnh, hướng ngoại, thông minh, ôn hòa, thần kinh, từng trải, có trách nhiệm, tự giác, hòa đồng, đáng tin cậy, không vui vẻ và kỳ lạ.
Kết quả nghiên cứu đã xác nhận những gì mà các nhà khoa học dự đoán. Những tình nguyện viên càng tin tưởng hai đặc điểm bất kỳ, chẳng hạn như năng lực và sự thân thiện, cùng xảy ra trong tính cách của người khác thì ấn tượng của họ đối với hai đặc điểm trên khuôn mặt biểu hiện những tính cách này càng giống nhau hơn. Do đó, các đặc điểm khuôn mặt được sử dụng để đánh giá tính cách con người có thể thay đổi phụ thuộc vào niềm tin của chúng ta.
“Niềm tin về tính cách ảnh hưởng đến những ấn tượng của chúng ta về khuôn mặt. Vì vậy, những người tin rằng bất kỳ tập hợp các đặc điểm tính cách có liên quan với nhau sẽ có xu hướng nhận thấy những đặc điểm tương tự trên khuôn mặt người khác. Điều này giải thích cách con người có thể tạo ra bất kỳ ấn tượng nào từ một khuôn mặt”, Stolier cho biết.
Hầu hết đặc điểm tính cách nhìn thấy từ khuôn mặt của người khác có thể bắt nguồn từ một đặc điểm tính cách khác, với một vài tính cách đóng vai trò chủ đạo. “Ví dụ một khuôn mặt có thể không được nhận biết ngay lập tức là tận tâm. Nhưng nó trông dễ thương, thông minh và tình cảm, do đó người quan sát có thể cảm giác khuôn mặt này là tận tâm”, Stolier nói.
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra lời giải thích về cách mọi người có thể hình thành nhiều ấn tượng khác nhau về người khác chỉ từ một vài đặc điểm xuất hiện trên khuôn mặt.
“Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những đặc điểm trên một khuôn mặt trực tiếp gợi đến một vài ấn tượng về tính cách, chẳng hạn như tính cách ngoan ngoãn đối với những người có gương mặt trẻ con. Tuy nhiên, hệ thống cảm giác có thể lấy một vài ấn tượng này và gộp chúng lại với nhau, nhờ đó mà chúng ta thấy một khuôn mặt tận tâm, hay chu đáo, từ một gương mặt dễ thương và ngoan ngoãn”, Stolier nhận định.