Ở vùng Pomerania phía Bắc Ba Lan có lâu đài Malbork nổi tiếng với hai danh hiệu: lâu dài lớn nhất thế giới tính theo diện tích đất (20,8 ha) và lâu đài xây bằng gạch lớn nhất thế giới (diện tích: 143.591 m²)

Malbork được xây dựng từ thế kỷ 13 bởi các hiệp sĩ Dòng Teuton1 sau cuộc chinh phạt lãnh thổ cũ của Vương quốc Phổ (Old Prussia)2 nhằm củng cố địa vị và tầm ảnh hưởng với khu vực. Trong khoảng 100 năm tiếp theo đó, lâu đài đã không ngừng được cải tạo và mở rộng để đạt đến quy mô khổng lồ, trở thành hình mẫu của một pháo đài Trung cổ. Cách biển Baltic chỉ khoảng 25 dặm (40 km), Malbork nằm tọa lạc ngay bên phần bờ trũng của sông Nogat (con sông đóng vai trò như một đường ranh giới tự nhiên) với hai mặt bên được bao quanh bởi đầm lầy, chỉ còn chừa lại phần phía Nam (hết sức lý tưởng cho mục đích phòng thủ) – được xây dựng vô cùng kiên cố, bao gồm hàng hàng lớp lớp tường, tháp canh và hệ thống công sự phức tạp để bảo vệ ba kết cấu chính bên trong. Tòa thấp nhất (nằm phía ngoài) là nơi bố trí các văn phòng, nhà xưởng cùng nhân lực cần thiết để phục vụ cả đạo quân chiến binh – thầy tu. Tòa trung tâm đóng vai trò như cơ quan đầu não và cũng là để tiếp đón khách. Còn tòa cao nhất (nằm phía trong cùng) là một quần thể bao gồm nhà thờ, nhà nguyện, phòng ngủ tập thể, bếp, nhà ăn,…

Lâu đài Malbork. Ảnh: Shutterstock.com

Lâu đài được xây chủ yếu bằng gạch bởi trong vùng không có đủ nguồn đá chất lượng. Nhưng để trụ vững trước những kẻ thù xâm lược tiềm năng thì nó vẫn rất cần một nền móng vững chắc. Vì thế, phần dưới của tất cả các bức tường (cao khoảng 10 – 16 cm) đều được xây bằng đá tảng lấy từ sông và chèn thêm vô số những viên đá nhỏ. Gạch xây lâu đài, theo ước tính vào khoảng 30 triệu viên, đã được nung ngay tại chỗ, sử dụng nguyên liệu là bùn vét từ sông. Do khan hiếm, đá được sử dụng đặc biệt tiết kiệm, chủ yếu cho mục đích trang trí trên sảnh nhà thờ hay nhà nguyện, …

Lâu đài nhìn từ trên cao. Ảnh:Shutterstock.com

Vị trí chiến lược của Malbork đã giúp các hiệp sĩ Dòng Teuton nắm thế độc quyền về thương mại và thu thuế đối với tàu bè qua lại trên sông Nogat. Sau gần 150 năm (1457), nó được quân đội Ba Lan tiếp quản nhờ chiến thắng trong Cuộc chiến Mười ba năm (Thirteen Years’ War)3 và trở thành dinh thự hoàng gia trong suốt 3 thế kỷ. Nhưng sang đến thời lãnh thổ Ba Lan bị phân chia lần thứ nhất (năm 1772)4, lâu đài lại bị bỏ hoang và trưng dụng làm nhà tế bần lẫn doanh trại của quân đội Phổ. Năm 1794, trong một cuộc trưng cầu để quyết định số phận của Malbork (giữ hay phá bỏ), kiến trúc sư kiêm người đứng đầu cơ quan quản lý xây dựng nhà nước David Gilly (1748 – 1808) đã công bố rất nhiều bản thảo thiết kế và tư liệu lịch sử (về Dòng Teuton) khiến công chúng “say mê”. Sau Chiến tranh Liên minh thứ sáu (1813 – 1814)5, lâu đài dần trở thành một biểu tượng của vương quốc, dân tộc Phổ và liên tục được trùng tu (thành nhiều giai đoạn) trong hơn 100 năm tiếp theo.

Nét kiến trúc Gothic của lâu đài được xây phần lớn bằng gạch. Ảnh: Wikimedia Commons

Sang thời Đức Quốc xã6, Malbork lại bị biến thành một chốn hành hương mang ý nghĩa tinh thần. Bộ máy tuyên truyền của Hitler rất thích hình tượng các hiệp sĩ Teuton quả cảm bởi nó phù hợp với tham vọng thôn tính Đông Âu mà ông ta đang xúc tiến. Đặc biệt, thống chế (Reichsführer) Heinrich Himmler (1900 – 1945) của lực lượng Schutzstaffel (SS)7 thường xuyên bị Dòng Teuton ám ảnh và luôn xem SS như hiện thân mới của đội quân này. Hay Hitler thậm chí còn tham khảo thiết kế của Malbork để xây dựng nên những ngôi trường đào tạo chiến binh NS-Ordensburgen8 khét tiếng. Nhưng thật trớ trêu khi Đức Quốc xã vẫn cấm Dòng Teuton bởi Hitler tin rằng các sứ mệnh quân sự mang màu sắc tôn giáo (Công giáo La Mã) xuyên suốt trong lịch sử về bản chất chỉ là công cụ của Tòa thánh (Vatican) và điều đó có thể đe dọa chế độ của ông ta.

Trong Thế chiến II (1939 – 1945), lâu đài bị tàn phá nặng nề (gần 50%) bởi những cuộc giao tranh ác liệt và pháo kích của quân Đồng minh. Công việc phục dựng nó được tiến hành suốt 70 năm sau đó và chỉ thật sự hoàn tất vào năm 2016.

Chú thích:
1. Tên đầy đủ: Dòng Huynh đệ Nhà Teuton Thánh Mẫu tại Jerusalem, là một đội quân chiến binh – thầy tu gốc Đức được thành lập vào thời Trung cổ (cuối thế kỷ 12) ở Acre, vùng Levant, với mục đích trợ giúp các Kitô hữu hành hương tới Thánh Địa Jerusalem trong cuộc Thập tự chinh.
2. Chỉ khu vực bờ Đông Nam biển Baltic, nằm giữa Vịnh Vistula về phía Tây và Vịnh Curonian về phía Đông.
3. Cuộc xung đột vũ trang xảy ra vào năm 1454–1466 giữa Liên minh Phổ – Ba Lan và Giáo đoàn Hiệp sĩ Teuton, kết thúc với thắng lợi của phe Liên minh và Hòa ước Thorn lần hai (1466) được kỳ kết.
4. Sự kiện bắt đầu làm suy yếu và chấm dứt sự tồn tại của Liên minh Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva trước áp lực từ Đế quốc Nga, Vương quốc Phổ và Đế quốc Áo Habsburg.
5. Cuộc chiến giữa Liên minh thứ sáu (bao gồm Vương quốc Anh và Đế quốc Nga, sau đó có thêm Phổ, Áo, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, vương quốc Bayern, Württemberg, Sachsen) và lực lượng Pháp của Napoléon (1769 – 1821) cùng các đồng minh Ý, Napoli, Liên bang Thụy Sĩ, Liên bang sông Rhine, công quốc Warszawa và Đan Mạch. Napoléon thất bại trong trận Leipzig (16 – 19/10/1813) và bị buộc phải thoái vị, nhường ngôi cho Louis XVIII (1755 – 1824). Theo ước tính, cuộc chiến đã gây ra cái chết của khoảng 2 triệu người, …
6. Cụm từ Nationalsozialistische trong tiếng Đức mang nghĩa là “Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội”, hay bị viết ngược thành “Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa” và dễ làm người đọc hiểu sai. Đức Quốc xã được xếp vào khuynh hướng cực hữu, ủng hộ Chủ nghĩa Dân tộc, hoàn toàn đối nghịch với cánh tả và chống Chủ nghĩa Cộng sản.
7. Schutzstaffel (SS) là một tổ chức bán quân sự trực thuộc Đảng Quốc xã (NSDAP) dưới trướng Adolf Hitler, hoạt động tại Đức dưới thời Cộng hòa Weimar (1918 – 1933) và Đệ Tam Đế chế (1933 – 1945) cũng như trên khắp các vùng lãnh thổ châu Âu do Đức chiếm đóng trong Thế chiến II. Khởi nguồn là một đơn vị cảnh vệ nhỏ mang tên Saal-Schutz (An ninh hội trường), dưới sự lãnh đạo của Heinrich Himmler, SS đã phát triển thành một thế lực lớn nhất Đức Quốc Xã, chuyên về an ninh, giám sát và khủng bố.
8. Trường đào tạo tinh hoa cho quân đội Đức Quốc xã với những quy định tuyển chọn hết sức ngặt nghèo, chẳng hạn: ứng viên phải ở trong độ tuổi 25 – 30, là thành viên Đảng Quốc xã, Đoàn Thanh niên Hitler, binh đoàn Sturmabteilung (SA) hoặc Schutzstaffel (SS), hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và đặc biệt phải thuần chủng (dòng dõi Aryan).

Theo Amusing Planet