Giới tinh hoa quyền lực, cuốn sách xuất bản năm 1956 của nhà xã hội học C. Wright Mills, được coi là một trong những cuốn sách căn bản nhất về cấu trúc xã hội và về sự hình thành, phát triển của tầng lớp tinh hoa Mỹ.

.
Cuốn sách "Giới tinh hoa quyền lực".

Cuốn sách đã gây ra một cơn bão trong giới học thuật và chính trị Mỹ, dẫn đến vô số đánh giá trên các tạp chí học thuật và báo chí phổ thông, hầu hết là tiêu cực với rất nhiều chỉ trích. Song cuối cùng, cuốn sách đã trở thành một tác phẩm kinh điển bởi nó là nghiên cứu quy mô đầy đủ đầu tiên về cấu trúc và sự phân bổ quyền lực ở Mỹ của một nhà xã hội học sử dụng toàn cảnh lý thuyết và phương pháp xã hội học hiện đại.

Điều đáng chú ý nữa là cuốn sách được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tìm đọc. Có câu chuyện về Fidel Castro và Che Guevara đã tranh luận về nó ở vùng núi Sierra Maestra; các học giả như Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir đã công bố các bình luận của họ trên tạp chí Pháp Les Temps Modernes. Tại chính nước Mỹ, Mills nhận được hàng trăm lá thư từ các giáo sĩ, giáo sư và các nhà lãnh đạo.

Giới tinh hoa (tiếng Pháp: élite, bắt nguồn từ tiếng Latin: eligere) - hay còn có các tên gọi khác như tầng lớp tinh hoa, giới tinh anh, tầng lớp tinh anh, thành phần tinh túy - hàm ý chỉ thành phần quan chức và tướng lĩnh quân đội cao cấp; người giàu có; và trí thức, học giả tầm vóc quốc gia… Họ vừa nắm giữ khối tài sản lớn vừa nắm giữ đặc quyền đặc lợi, sở hữu quyền lực chính trị hoặc có trình độ chuyên môn cao trong xã hội. Những người thuộc tầng lớp này ở các vị trí có thể đưa ra quyết định có hệ quả lớn hoặc cho phép mình vượt qua giới hạn của những người bình thường.

C. Wright Mills (1916–1962)
C. Wright Mills (1916–1962). Ảnh: AP.

Theo Mills, giới “tinh hoa quyền lực” ở Mỹ chiếm vị trí thống trị trong các thiết chế thống trị (quân sự, kinh tế và chính trị), và các quyết định của họ (hoặc sự chần chừ không ra quyết định) gây ra những hệ quả to lớn, không chỉ đối với người dân Mỹ mà cả “người dân trên toàn thế giới”. Các tổ chức mà họ đứng đầu, như Mills chỉ ra, là một bộ ba gồm các nhóm đã kế tục những tổ chức tiền nhiệm yếu hơn: (1) “hai hoặc ba trăm tập đoàn khổng lồ” thay thế nền kinh tế nông nghiệp và thủ công truyền thống, (2) một trật tự chính trị liên bang mạnh mẽ kế thừa quyền lực từ “một tập hợp phi tập trung gồm vài chục bang” và “bây giờ xâm nhập vào mọi ngóc ngách của cấu trúc xã hội”, và (3) cơ sở quân sự, trước đây là một đối tượng “được nuôi dưỡng bởi lực lượng dân quân của nhà nước”, nhưng bây giờ một thực thể với “tất cả hiệu quả tồi tệ và vụng về của một lĩnh vực quan liêu rộng lớn”.

Đồng thời, Mills phân chia giới tinh hoa thành 6 nhóm:

1. “Metropolis 400”: thành viên đứng đầu các gia đình nổi tiếng trong lịch sử ở các thành phố chính của Mỹ.

2. “Người nổi tiếng”: nghệ sĩ giải trí nổi bật và nhân vật truyền thông.

3. “Tổng giám đốc điều hành”: chủ tịch và giám đốc điều hành của các công ty quan trọng nhất trong mỗi lĩnh vực công nghiệp.

4. “Giới điều hành giàu có”: các chủ đất lớn và các cổ đông lớn của tập đoàn.

5. “Giới quân phiệt”: các sĩ quan quân đội cấp cao, quan trọng nhất là Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

6. “Giới lãnh đạo chính trị”: 50 người đứng đầu cơ quan hành pháp của chính phủ Liên bang, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao trong Văn phòng Điều hành của Tổng thống, đôi khi được lấy từ các quan chức được bầu của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Mills đặt ra câu hỏi: “Ai là người điều hành nước Mỹ?” và câu trả lời của ông là: “Không cá nhân nào điều hành nó hoàn toàn, nhưng cho đến nay, đó là giới tinh hoa quyền lực”.

Tại Việt Nam, khái niệm tầng lớp tinh hoa đang được đề cập ngày càng nhiều. Tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam gắn với một câu chuyện lịch sử dài. Nếu coi tầng lớp tinh hoa như một tầng lớp cai trị, thống trị với tài sản, quyền lực và trí tuệ cao nhất của một dân tộc thì dưới thời phong kiến, tầng lớp sĩ phu, quan lại đâu đó đã được coi là đại diện tầng lớp tinh hoa Việt Nam. Họ dẫn dắt đất nước và xã hội nhờ trí tuệ, quyền lực và vai trò thiết lập các giá trị đạo đức. Đến đầu thế kỷ XX, manh nha xuất hiện ở Việt Nam một nhóm nhỏ các trí thức du học Pháp, cùng với những doanh nhân, quan chức thuộc địa… bắt đầu định hình nên tầng lớp tinh hoa. Song, kể từ giữa thế kỷ XX, tầng lớp này hầu như biến mất và tan vỡ, và tình trạng này kéo dài cho đến những năm đầu thế kỷ XXI.

Nhiều học giả cho rằng xã hội Việt Nam hiện tại chưa có một tầng lớp tinh hoa như vậy, nhưng đều thống nhất với nhau rằng dường như việc hình thành tầng lớp tinh hoa là tất yếu, và vấn đề được đặt ra với mong đợi về một tầng lớp tiên phong sẽ dẫn dắt, xây dựng và củng cố các giá trị của đất nước.

Có thể nói, hiểu biết về tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam còn mới mẻ và xa lạ. Chính vì vậy, cuốn sách của Mills có thể mang lại cho độc giả Việt Nam bức tranh toàn diện, chi tiết về sự hình thành, phát triển và vai trò của tầng lớp này.

C. Wright Mills (1916–1962) là Giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Columbia trong giai đoạn 1946–1962. Nghiên cứu của ông chủ yếu dựa trên lý thuyết của Max Weber về các tác động khác nhau giữa giai cấp, địa vị và quyền lực ứng dụng trong việc giải thích các hệ thống và thể chế chính trị phân tầng. Phân tích của Mills về những tầng lớp chính của xã hội Mỹ đã xuất hiện trong các tác phẩm: The New Men of Power, America’s Labor Leaders (1948), White Collar (1951) và The Power Elite (1956); trong đó The Power Elite được coi là cuốn sách quan trọng nhất.