Không chỉ phòng chống dịch Covid-19 thành công, Việt Nam sẽ có khả năng ghi dấu ấn lớn hơn khi sắp tới thử nghiệm vaccine Covid-19 sản xuất trong nước trên người. Theo dòng lịch sử, việc nghiên cứu và sản xuất vaccine ở Việt Nam đã có từ những ngày đầu...

Nhà khoa học tuyến đầu trong nghiên cứu vaccine

Có thể bạn chưa biết Việt Nam đã sản xuất vaccine. Nhưng nếu nói về những lọ thuốc đường ngọt lịm mà bạn được uống ở trạm xá khi còn nhỏ, thì chắc chắn bạn sẽ nhớ. Với một đứa trẻ nghèo khó, được nếm một vị thuốc ngọt ngào, đó là hương vị của hạnh phúc sẽ chẳng thể nào quên.

Nếu chỉ là vị ngọt của đường để trẻ con giải cơn đói, thì không cần tốn nhiều thời gian để giới thiệu. Vị thuốc ấy chính là vaccine phòng bại liệt. Đặc biệt hơn, nó được sản xuất bởi những người Việt rất trẻ, dẫn đầu là giáo sư Hoàng Thủy Nguyên.

Bại liệt là căn bệnh gây nỗi kinh hoàng với cả thế giới. Hãy nghe lời tâm sự đau đớn của một người cha trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “The Nemesis” về dịch bệnh bại liệt xảy ra ở Mỹ và châu Âu vào nửa đầu thế kỷ 20: “Khi đưa con đến bệnh viện, bác sĩ ngay lập tức tách con ra khỏi chúng tôi. Từ đó tôi không bao giờ gặp lại con trai mình nữa. Nó chết trong cô đơn như thế. Chúng tôi không thể chào tạm biệt con, bây giờ chỉ còn tủ quần áo, chỉ còn đúng một tủ quần áo để chúng tôi nhìn vào.”

Mùa hè năm 1921, một người đàn ông 38 tuổi bị rơi xuống hồ, ông vô tình uống mấy ngụm nước và chẳng may bị nhiễm virus bại liệt, sau đó bị liệt nửa người. Người đàn ông đó sau này được bầu làm Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Nguyên nhân gây thảm kịch là virus bại liệt.

Trước đó ở châu Âu và Mỹ, hàng ngàn trẻ nhỏ bị sốt không rõ nguyên nhân, sau đó đột ngột không thở được, liệt không đồng đều, rồi tử vong. Đến ngày 17 tháng 6 năm 1916, dịch bệnh bại liệt lần đầu tiên được công bố trên thế giới bởi chính quyền thành phố New York. Cùng trong năm đó, cố đô của Hoa Kỳ có tổng số hơn 9000 ca bệnh và 2.343 trường hợp tử vong.

Virus – tác nhân gây bệnh

Trong dịch tễ học, "bệnh nhân số 0" luôn rất quan trọng. Đây là thuật ngữ để mô tả người đầu tiên bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn trong một đợt dịch bùng phát. Xác định được Bệnh nhân Số 0 sẽ giúp giải quyết các câu hỏi quan trọng về cách thức, thời điểm, lí do dịch bệnh bắt đầu; từ đó giúp ngăn ngừa lây lan, phòng chống dịch, khống chế những đợt bùng phát và ngăn chặn các ổ dịch trong tương lai.

Tuy nhiên với bệnh bại liệt việc tìm ra ai là bệnh nhân số 0 là điều vô nghĩa. Mặc dù bại liệt mới chỉ được biết đến trong một thế kỉ ngắn ngủi, nhưng virus đã đồng hành với loài người như một bóng ma gần 3500 năm. Một bức tranh thạch bản từ Vương triều Ai Cập cổ đại thứ mười tám (1403 TCN - 1365 TCN) đã mô tả một người bị teo liệt chân phải, được giới y học coi là tài liệu phản ánh ca bệnh bại liệt sớm nhất.

Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, hoặc vì quá sợ hãi, hoặc vì những điều kì bí không thể giải thích được, nên đã xuất hiện nhiều bi kịch xung quanh “Bệnh nhân Số 0”. Châu Âu thời trung cổ đen tối, dịch bệnh bại liệt hoành hành, dân gian đã lan truyền vô số những tin đồn. Bại liệt gắn với phù thủy, với ma ám, đặc biệt khi căn bệnh xảy ra ở trẻ em. Tâm lí đám đông thiếu hiểu biết, một khi dịch bệnh xảy ra ở nhóm người nào đó khác biệt như trẻ nhỏ chẳng hạn, sẽ phải hứng chịu sự giận dữ của công chúng, nhất là khi tin đồn thêu dệt nên sự kì bí.

Với đặc điểm bệnh biểu hiện đột ngột, nhanh chóng dẫn đến tê liệt chân tay, nên được coi là căn bệnh rất khó hiểu. Giới y học đã từng phân chia thành bại liệt bẩm sinh và bại liệt mắc phải. Trường phái thế tục cho rằng một đứa trẻ mắc bệnh bại liệt là do qua trình phôi thai, có gắn với thuyết ma ám, nó truyền lại từ đời này qua đời khác; những thành viên trong gia đình có người bị bại liệt không có quyền kết hôn và sinh con.

Năm 1892, nhà vi sinh học người Nga Dmitriy Iosifovich Ivanovskiy khi sử dụng màng siêu lọc Chamberland để nghiên cứu bệnh khảm thuốc lá đã đưa ra khái niệm có một vi sinh vật siêu nhỏ có thể gây bệnh gọi là virus. Thời điểm đó, bại liệt vẫn còn là bí ẩn, vì tác nhân gây bệnh không thể quan sát thấy dưới kính hiển vi quang học.

Mãi đến năm 1908, phải 16 năm sau khi khái niệm virus được Ivanovskiy đề xuất, 2 bác sĩ người Áo Landssteiner và Popper lấy mẫu bệnh phẩm từ mô thần kinh trung ương của những bệnh nhân đã chết để cấy vào khỉ, virus bại liệt mới chính thức được phân lập.

Nghiên cứu vaccine bại liệt

Mỹ chính thức nghiên cứu vaccine bại liệt vào năm 1935. Khởi đầu, 2 nhóm các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu vaccine từ virus sống giảm độc lực. Năm 1947, học giả người Mỹ Jonas Salk cùng với 2 đồng nghiệp đã làm ngược lại, nghiên cứu virus bất hoạt làm vaccine.

Năm 1952, đại dịch bại liệt hoành hành khắp thế giới, chỉ riêng nước Mỹ có tới 57.628 ca mắc, vaccine của Salk chính thức đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên 1,8 triệu trẻ em. Ngày sau khi kết quả thử nghiệm được công bố vào ngày 12 tháng 4 năm 1955, hàng triệu trẻ em trên khắp Hoa Kỳ đã được tiêm vaccine bại liệt.

Albert Bruce Sabin, người đã tiến hành nghiên cứu và phát triển vaccine đồng thời với Salk, khẳng định chỉ những virus sống giảm độc lực mới có thể tạo được miễn dịch bền vững. Để sản xuất vaccine sống không hề dễ, vì thế mà Sabin đã đi chậm một bước. Chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ cho Salk, nên Sabin chỉ còn cách tìm kiếm một quốc gia khác để hợp tác.

Thật may mắn, bệnh tật không phải là chính trị, khoa học không có biên giới. Năm 1959, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Hiệp ước Warsaw, với sự hỗ trợ của Liên Xô, Sabin đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với 10 triệu người, xác minh tính hiệu quả, an toàn và khả năng tiếp cận của vaccine. Kể từ đó vaccine Sabin dần thay thế vaccine Salk.

Khống chế bại liệt tại Việt Nam

Vào những năm 1950, dịch bệnh bại liệt xảy ra ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam. Để phòng bệnh, người dân chỉ còn biết giữ con mình ở trong nhà, ngay cả khi thời tiết oi bức nhất. Đỉnh cao của dịch chỉ tính riêng các tỉnh phía Bắc năm 1960 đã có 17 ngàn ca nhiễm, 500 trẻ tử vong, những trẻ sống sót để lại di chứng tàn tật suốt đời.

Tỉ lệ mắc bại liệt ở Việt Nam khoảng 126/100.000 dân. Năm 1959, Bộ trưởng Bộ Y tế là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ông đã gặp bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên vừa đi học từ Liên Xô về, giao cho nhiệm vụ chế tạo vaccine phòng bại liệt.

Vừa bước sang tuổi 30, bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên với niềm đam mê và hăng hái của tuổi trẻ đã thành lập một đội ngũ những người trẻ không biết sự khó khăn, quyết tâm vượt qua mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên sử dụng một đảo hoang ở vịnh Bái Tử Long làm nơi nuôi khỉ Macaca Mulatta để nghiên cứu phân lập virus bại liêt làm vaccine.

Vào thời điểm đó, để hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Yvonne Capdeville, người phụ trách Ủy ban Hợp tác Khoa học - Kĩ thuật Pháp Việt, đã vận động quyên góp từ giới trí thức Paris mua tặng một kính hiển vi điện tử. Các tổ chức viện trường ở Hà Lan, Thụy Sĩ, Ý và Hội đồng Nhà thờ châu Âu cũng nhiệt tình giúp đỡ nhóm nghiên cứu của bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên.

Năm 1962 vaccine Sabin của Việt Nam chính thức ra đời. Bắt đầu thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người dùng đợt đầu tiên, bởi vaccine Sabin là virus sống giảm độc lực, nên chỉ cần sai sót nhỏ sẽ phải trả giá rất đắt. Tại cuộc họp “nghiệm thu” vaccine, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch chủ trì, ông yêu cầu mang 2 lọ vaccine vào hội trường.

“Cậu mở 1 lọ ra” – Bộ trưởng yêu cầu, bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên mở 1 lọ, rồi Bộ trưởng nói tiếp: “Cậu hãy uống đi!”.

Bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên là người thử vaccine Sabin đầu tiên. Tiếp theo, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch tự tay mở lọ thứ 2, ông uống hết. Thử nghiệm ban đầu đã thành công theo cách như thế.

Vaccine vô hại với người lớn, nhưng liệu có an toàn cho trẻ em, hầu hết bệnh nhân bại liệt là trẻ em nên chỉ khi thử nghiệm thành công trên trẻ em mới được coi là thành công. Lúc này, những người tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine, những y bác sĩ ở các bệnh viện bắt đầu nghĩ đến con của họ. Câu chào nhau mỗi buổi sáng ở viện sẽ là: con bạn có sao không?

May mắn thay, một lần nữa, vaccine đã thành công. Hàng triệu liều đã được sản xuất, vaccine dần đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tỉ lệ trẻ bị bại liệt giảm đi rõ rệt.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố “bệnh bại liệt đã được loại trừ hoàn toàn ở Việt Nam”. Thành công này không thể tách rời với hàng rào miễn dịch từ vaccine Sabin do chính Việt Nam sản xuất.

Tiếp nối con đường truyền thống

Đến nay, Việt Nam đã sản xuất thành công 12/13* loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hàng loạt vaccine phòng chống bệnh truyền nhiễm được sản xuất trong nước như: đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, lao, vaccine phòng dại, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B, cùm gia cầm H5N1.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, mặc dù bị tấn công dồn dập và bao vây tứ phía, nhưng Việt Nam đã ghi “bàn thắng” ngay từ phút đầu tiên. Suốt hiệp 1 virus SARS-CoV-2 liên tiếp mở 3 đợt tấn công nhưng đều bị tuyến đầu lập các chốt đặc nhiệm chặn lại ngay từ pha phát động tấn công. Hiệp 2 đã bắt đầu, ở những phút mở màn Việt Nam có đôi chút chệch choạc để COVID-19 xâm nhập khu cấm địa, nhưng đã bị các hậu vệ đeo bám và truy vết quyết liệt nên vô hiệu hóa thành công.

Cuộc chiến còn nhiều khó khăn, ngoài việc không để COVID-19 gỡ hòa thì Việt Nam cần phải ghi thêm một bàn thắng nữa, đó là bàn thắng mang tên vaccine COVID-19 của Việt Nam ở phút thứ 70 của trận đấu.

Kết thúc hiệp 1: thế giới chỉ duy nhất Việt Nam ghi bàn! Hiệp 2 chúng ta cần thêm bàn thắng vaccine, một bàn thắng vàng để cái tên Việt Nam được ghi trên bản đồ lịch sử phòng chống đại dịch COVID-19, để chiến thắng thực sự làm cho các đội khác phải tâm phục khẩu phục.

Ngày mai 10/12/2020: Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19.


______________________________________

* Theo thông báo của Bộ Y tế năm 2018 về dự án tiêm chủng mở rộng

Bài viết thể hiện quan điểm của BS. Trần Văn Phúc và đã được đăng với sự đồng ý của tác giả.Các tít phụ do KH&PT đặt.