“Rất nhiều thương nhân từng đi sâu trong lòng xứ này, [điều đó] chứng minh bằng việc tên của họ vẫn còn được khắc rải rác khắp dòng sông Hồng, đặc biệt trên bờ sông Đáy, nơi một tảng đá còn khắc ‘Baron 1680’ (…)”
Đó là một chú thích nhỏ trên một tạp chí xuất bản ở Nam Kỳ năm 1882 hé lộ một chi tiết về cuộc đời đặc biệt của Samuel Baron, một thương gia và tác giả của “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” (A Description of the Kingdom of Tonqueen), xuất bản lần đầu năm 1732.
Đàng Ngoài “là mảnh đất nơi tôi sinh ra”
Lời đề tựa cuốn sách này, không xuất hiện trong bản in tiếng Việt, Samuel Baron nói rằng Đàng Ngoài “là mảnh đất nơi tôi sinh ra”. Quả thực vậy. Ông sinh ra ở Kẻ Chợ, cha là Hendrik Baron – một nhân viên Thương điếm Hà Lan – và mẹ là một phụ nữ người Việt, một trong rất nhiều phụ nữ Việt kết hôn với các thương nhân nước ngoài trong thời kỳ thịnh đạt của nền thương mại quốc tế thế kỷ XVII-XVIII.
Từ những ghi chép của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), chúng ta biết rằng Hendrik Baron là một trong những thương nhân đóng vai trò quản lý hoạt động thương mại tại Đàng Ngoài, được thiết lập từ năm 1637. Đến năm 1651, được coi là “một người cư trú lâu dài ở Đàng Ngoài và rất thông thạo tiếng nước đó”, ông dành một thời gian ngắn ở Hội An trong nỗ lực bất thành nhằm thiết lập quan hệ buôn bán với chúa Nguyễn, trước khi được phái trở lại Kẻ Chợ giữ vị trí đứng đầu thương điếm từ 1660 cho tới khi mất ngày 21/3/1664.
Còn Samuel – hay có thể là “Solomon” – con của Hendrik, được cha gửi về Hà Lan khi còn thanh niên vào năm 1659. Đến sau hơn 10 năm, năm 1671-1672, cái tên Samuel Baron xuất hiện trở lại trong các tư liệu, rằng ông đã bỏ sang làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh (EIC) giữa thời điểm Chiến tranh Anh – Hà Lan lần thứ 2 (1672-1674) bùng nổ. Không một giải thích chính thức nào được đưa ra, dù dựa trên lá thư đề ngày 21/9/1671 từ trụ sở EIC London gửi cho văn phòng Công ty tại Bantam (nay ở Indonesia), các nhà nghiên cứu đã lưu ý việc Samuel Baron đã cố gắng che giấu nguồn gốc Đàng Ngoài của mình khi ứng tuyển vào EIC, khai rằng mẹ mình là “người gốc Bồ Đào Nha” trong khi nhấn mạnh ông nội là “người Scotland”.
Hiểu biết của Baron về Đàng Ngoài trở thành một lợi thế quan trọng để ông được EIC trọng dụng – các tư liệu cho thấy ông là người đã đóng vai trò trong quá trình bàn thảo để người Anh thiết lập thương điếm tại Kẻ Chợ. Tuy vậy, dù được công nhận là một người “nhanh nhẹn, thông minh và nhiều tài năng so với người cùng tuổi”, Baron vẫn bị coi là người nước ngoài – điều khiến cho ông không bao giờ được tin tưởng nắm chức vụ quản lý tại EIC: “Dù chúng ta tôn trọng con người này (…) chúng tôi không nghĩ sẽ là phù hợp nếu để một người lạ đứng đầu thương điếm của ta”. Thay vào đó, một người bạn của Baron là William Gyfford được giao trọng trách này, và đoàn thuyền đầu tiên của người Anh đặt chân đến cửa biển Đàng Ngoài vào ngày 25/6/1672. Trong khi đó, Baron được cử đi Đài Loan để sau đó bị mắc kẹt trong 2 năm giữa cuộc chiến của người Hà Lan với tàn quân nhà Minh của Trịnh Thành Công giành giật hòn đảo này.
Đến đây và quay trở về
Nhật ký của Thương điếm Anh tại Kẻ Chợ là một nhân chứng sống động giúp chúng ta hiểu được phần nào những hoạt động buôn bán của người Anh tại Đàng Ngoài. Bị thu hút đến đây bởi kỳ vọng theo chân người Hà Lan buôn bán các sản phẩm tơ lụa của Đàng Ngoài cho thị trường Nhật Bản với lợi nhuận rất cao, Thương điếm của người Anh mới đầu vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía Hà Lan, đồng thời là sự sách nhiễu từ các quan lại người Việt:
“Giờ thì số phận chúng tôi đã nằm trong tay mấy viên quan đó, khác gì thân phận một người đàn bà bạc mệnh chẳng biết đổ lỗi cho ai hơn là hờn dỗi chính bản thân vì đã trót cưới hỏi.” (Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài (1672), ngày thứ 2 sau khi đặt chân đến Phố Hiến)
Và nhiều lời không mấy đẹp đẽ khác về giới hoạn quan trong Phủ Chúa, có thể đọc được đâu đó trong cuốn sách (trong khi dành một số lời khen ngợi cho các vị quan đã giúp đỡ cho hoạt động buôn bán của Công ty).
“Đối với thương nhân ngoại quốc, những kẻ mới đến không chỉ chịu đựng mọi thiệt thòi trong mua bán mà còn khổ sở vì trăm nghìn điều bất tiện khác. Chẳng có bất kỳ quy chế nào về xuất khẩu và nhập khẩu. Bọn quan lại tham lam dùng danh nghĩa nhà Vua để lấy bất kỳ hàng hóa gì có thể đem bán ra thị trường để kiếm lợi. Với những vấn nạn này chẳng có biện pháp nào khác ngoài việc nhẫn nhục chịu đựng”, theo Samuel Baron.
Baron đã thường xuyên quay trở lại Đàng Ngoài. Chúng ta có thể đoán rằng ông đã ở đây trong năm 1680 dựa theo tảng đá nổi tiếng đó bên bờ sông Đáy. Một lần khác từ 1682 đến tháng 3 năm sau, ở thời điểm đó ông đã tham gia đám tang của chúa Trịnh Tạc (mất tháng 9/1682). Rồi hai lần nữa trong năm 1685 bởi dựa trên các ghi chép chính thức. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý đến mô tả về các sự kiện lịch sử có thật dưới thời Lê – Trịnh của Baron trong cuốn sách, giúp chứng minh rằng ông đã thường xuyên viếng thăm kinh đô trong khoảng 1678-1683.
Mục đích của các chuyến thăm tập trung vào việc hỗ trợ hoạt động của Thương điếm Anh trong 10 năm khởi đầu khó khăn. Trong đó, cuốn sách của Baron nhắc đến việc ông đã xin làm nghĩa tử “của một người về sau thành Thế tử kế vị” và được ban một tấm thẻ có đóng triện. Dịch giả cho chúng ta biết rằng nhân vật này có thể là một trong những người con của chúa Trịnh Căn – Trịnh Vịnh hay Trịnh Bách, trong khi Baron giải thích “người nước ngoài cư trú hoặc buôn bán ở Đàng Ngoài thường sử dụng phương thức nhận con nuôi để tránh những phiền nhiễu và rắc rối mà một số quan lại khó tính gây ra” (chương VI). Để đổi lại, ông “thường xuyên biếu quà cho ông, thường là những đồ lạ mắt, mỗi khi cập bến Đàng Ngoài.”
Nhờ sự bảo hộ này mà ông có được bảo vệ và hỗ trợ trong không ít tình huống, bao gồm một lần ông bị chủ tàu người Hoa bỏ lại trên một hòn đảo giữa đường từ Đàng Ngoài đi Xiêm (chương V).
Tuy vậy, Thế tử không sống đủ lâu để trở thành người kế vị Chúa Trịnh Căn – thay vào đó, cháu của ông lên ngôi Chúa vào năm 1709 (Chúa Trịnh Cương).
Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài
Thất bại của hoạt động thương mại tại Kẻ Chợ dưới quyền giám đốc Gyfford. Ông này bị cách chức năm 1676 và một cuộc điều tra được thực hiện bởi EIC tại London. Có lẽ vì vụ việc này mà Baron đã xuất hiện tại London trong những dòng nhật ký của Robert Hooke, một viện sĩ và là nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia và là bạn của Gyfford. Hooke đã cùng một học giả khác là Thomas Hoskins mời Baron đến một buổi gặp gỡ, và từ đây hai ông giữ liên lạc với Baron.
Mối quan hệ này rất quan trọng với chúng ta ngày nay ở việc Hooke và Hoskins là những người rất quan tâm thu thập các ghi chép của những nhà du hành đến các miền đất lạ. Và cơ hội dành cho Baron xuất hiện vào năm 1680, khi cuốn sách du ký mới của Jean-Baptiste Tavernier (1605-1689) được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh, với một chương mang tên “Ghi chép mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài”. Tavernier là một nhà du hành người Pháp, trở nên nổi tiếng nhờ 6 chuyến du hành quanh châu Á từ 1661-1668. Cũng có tiếng là một tác giả hay đạo văn từ các nhà du hành và truyền giáo khác, Tavernier thực ra chưa từng đến thăm Đàng Ngoài mà chỉ dựa vào những thông tin cóp nhặt được từ người anh trai khi đó sống ở Java. Những ghi chép của Tavernier là lý do khiến hai nhà bác học viết thư và nhờ Baron viết một bình luận để kiểm chứng. Sau khi chỉ ra một loạt các lỗi sai của Tavernier, Baron quyết định viết toàn bộ các vấn đề thành một cuốn sách, bởi vì:
“Có lẽ dễ hơn cho tôi để viết một bản mô tả mới về xứ Đàng Ngoài (mảnh đất nơi tôi sinh ra, cũng là nơi tôi đã giao thiệp với đủ người thuộc đủ các tầng lớp và đức hạnh) hơn là chỉ chữa lỗi cho người khác.”(Lời nói đầu).
Bộ sách được xây dựng với 18 chương, trong đó chương đầu tiên Baron trực tiếp tấn công cuốn sách của Tavernier, sau đó trình bày lần lượt về địa lý (chương II), sản vật (chương III), tiềm lực kinh tế và quân sự (chương IV và V), tính cách và phong tục của người Đàng Ngoài (chương VI-VIII), y học (chương X). Nền tảng chính quyền thời Lê – Trịnh cũng được ông mô tả chi tiết, trong đó là các chương mô tả về tầng lớp Nho sĩ và hệ thống thi cử (chương IX), về luật pháp và hệ thống chính trị (chương XI-XIII), nghi lễ triều đình (chương XIV-XV). Ba chương cuối cùng tác giả nói về tín ngưỡng của người Đàng Ngoài, trong đó đặc biệt là các nghi lễ tang ma của người dân thuộc đủ tầng lớp, trong đó có đám tang chúa Trịnh Tạc được miêu tả kỹ lưỡng ở chương XVII. Những ghi chép của Baron với giọng văn hóm hỉnh, nhưng rất nghiêm túc về các chi tiết, đi cùng các so sánh và phân tích thực tiễn thật sự là một nỗ lực đáng nể nhằm không chỉ mô tả mà giải thích mọi chi tiết của xã hội Đàng Ngoài đương thời, dựa trên những hiểu biết bản thân ông.
Cuốn sách được Baron khởi thảo trong thời gian ở Banten và Madras, nơi Gyfford làm Thống đốc, và bản thảo sau đó đã được gửi về London, với một lời đề tặng hai học giả - chứng tỏ hi vọng của Baron rằng cuốn sách sẽ được xuất bản. Nhưng phải đến hơn nửa thế kỷ sau thì bản thảo này mới được xuất bản – trong tuyển tập Collections of Voyages and Travels (1732) của Awnsham và John Churchill – bởi, theo Keith Taylor, chúng bị thất lạc trong rất nhiều các tài liệu sưu tầm của Hooke và Hoskins ở Viện Hoàng gia, mà có thể các vấn đề sức khỏe của Hooke đã khiến bản thảo này (cùng nhiều bản thảo khác) không được in ngay.
Một điểm nữa có thể nói về cuốn sách, rằng đây cũng là những dòng cuối cùng chúng ta biết được về cuộc đời của Samuel Baron. Lời đề tặng của Baron nói về việc ông sẽ rời Madras để đến Trung Quốc. Trong khi đó, không có ghi chép nào về thời điểm ông qua đời.
Vào cuối tháng 4, Công ty Omega+ và NXB Khoa học Xã hội xuất bản lại hai cuốn sách mô tả về Việt Nam thế kỷ XVIII. Một cặp đôi tác phẩm hoàn hảo kết hợp tạo nên một bức tranh chi tiết và đầy sống động về xã hội và đời sống Việt Nam cách đây hơn 3 thế kỷ.
Samuel Baron, Hoàng Anh Tuấn dịch. Mô tả vương quốc Đàng Ngoài: Bản dịch của PGS. Hoàng Anh Tuấn là bản dịch hoàn chỉnh đầu tiên về cuốn sách của Baron, xuất bản lần đầu bởi NXB Thế giới năm 2008. Là một chuyên gia có tên tuổi nghiên cứu về lịch sử thương mại đã thực hiện việc dịch cuốn sách này từ bản gốc tiếng Anh, mà bằng ngôn ngữ sáng rõ và các ghi chú lịch sử rất cụ thể đã thực sự giúp đưa câu chuyện của Samuel Baron trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Ghi chép của Baron được các nhà nghiên cứu đồng ý như là một trong những ghi chép sớm nhất, và có thể nói, đáng tin cậy nhất mô tả về miền Bắc Việt Nam trong thế kỷ XVII-XVIII. Khi đọc cuốn sách, ta sẽ cảm nhận rõ ràng về sự chi tiết và tường tận trong quan sát của Samuel Baron về Đàng Ngoài, vốn chỉ có thể đạt được bởi một người thực sự dành nhiều thời gian sống của mình tại đây.
Cristoforo Borri, Thanh Thư dịch. Xứ Đàng Trong: Tập du ký của Cristoforo Borri ở Đàng Trong được dịch lại ra tiếng Việt thông qua bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy, từng đăng trên tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué) năm 1931.
Bản dịch đầu tiên của cuốn sách được thực hiện bởi Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, xuất bản bởi NXB Tổng hợp TP HCM năm 1997 với tiêu đề Xứ Đàng Trong năm 1621. Bản dịch của Thanh Thư là một sự nâng cấp đáng quý so với bản dịch cũ, với toàn bộ hai phần cùng 17 chương của cuốn sách đã được giới thiệu đầy đủ. Chúng ta giờ có điều kiện nhìn lại tác phẩm của Borri không chỉ dưới tư cách một cuốn du ký và một tư liệu lịch sử giá trị về Đàng Trong, mà còn dưới thực tế là một ghi chép của một cha xứ Dòng Tên thế kỷ XVII, người có những quan điểm cá nhân và mục tiêu truyền bá Thiên chúa giáo – một khía cạnh quan trọng đáng ra có thể giúp chúng ta hiểu hơn về tác giả và sự nghiệp của ông. |
Tài liệu tham khảo
Hoàng Anh Tuấn. “From Japan to Manila and Back to Europe: The Abortive English Trade with Tonkin in the 1670s”. Itinerario, 29, 2005. pp 73-92. doi:10.1017/S0165115300010482
Hoàng Anh Tuấn. Silk for Silver: Dutch – Vietnamese Relations, 1637-1700. Leiden: Brill, 2007.
Hoàng Anh Tuấn. Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII (Tủ Sách Thăng Long 1000 năm). Hà Nội: Hà Nội, 2010.
John Kleinen et.al., bt. Sư tử và Rồng: Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan – Việt Nam. Hà Nội: Thế giới, 2008.
Olga Dror, và K.W. Taylor. Views of Seventeenth-Century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin. New Haven: Southeast Asia Program Publications, Cornell University, 2006.