Buông, có nghĩa bố mẹ đinh ninh rằng con là duy nhất, con cần hạnh phúc và thành đạt theo cách của nó, chứ không phải hạnh phúc và thành đạt theo cách bố mẹ mong muốn, hay cách mà xã hội đưa ra – thông điệp từ cuốn sách Buông tay để con bay của chị Thu Hà (Mẹ Su Xim).

Trong cuốn sách Nuôi con kiểu cá heo - cuốn sách nổi tiếng đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và nhận giải thưởng International Book Award 2015 trong lĩnh vực Nuôi dạy con và Gia đình ở Mỹ - tác giả Shimi Kang gợi ý, kiểu cá heo (mô phỏng tập tính loài cá heo) khuyến khích cách nuôi dạy trẻ con tự lập, có động lực tự thân, phát huy được khả năng riêng của bản thân, biết kết nối với xung quanh, có ý thức về bản thân và về cộng đồng, sống cân bằng, hạnh phúc… Đó là kiểu nuôi dạy nghiêm nghị, kỷ luật trên cơ sở yêu thương và thấu cảm, khác kiểu mẹ hổ - áp đặt sắt đá (khái niệm mẹ hổ trở nên phổ biến từ sau cuốn sách Khúc chiến ca của mẹ hổ của tác giả Amy Chua); hay mẹ sứa - bao bọc và chiều chuộng quá đà.

Tác giả Thu Hà ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách ngày 26/5/2019 tại Hà Nội. Ảnh: NN
Tác giả Thu Hà ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách ngày 26/5/2019 tại Hà Nội. Ảnh: NN

Tôi nhận ra ngày xưa, rất nhiều phần, mình được nuôi dạy theo kiểu cá heo. Không phải do bố mẹ ý thức gì, chỉ là cái thời xưa nó thế. Bố mẹ bận kiếm ăn, cuộc sống thiếu thốn tiện nghi, nên cứ tự nhiên mà thả cho con lớn. Vậy là tôi sớm tự lo cơm nước, cầm tiền đi chợ, tính toán ăn uống cho cả nhà thành thạo linh hoạt. Mở cửa ra là trẻ con hàng xóm ùa vào nhà. Bước ra ngoài cổng mấy bước là thiên nhiên cây cỏ bao quanh. Đồ chơi không có nên tự nghĩ ra một tỉ trò, chân tay vận động nhoay nhoáy. Học hành thì bố mẹ cũng có ép, theo kiểu giục “Học bài đi”, rồi thấy con ngồi vào bàn là thôi. Không học thêm, được chơi rất nhiều, và thời gian không-làm-gì cũng rất nhiều.

Nhưng trong xã hội tiêu dùng bây giờ, nhất là ở thành phố, nuôi con kiểu cá heo không được khuyến khích, trong khi kiểu mẹ hổ và mẹ sứa lại rất được hỗ trợ. Tiện nghi vật chất đủ đầy khiến mẹ sứa có thể cái gì cũng mang về cho con được, từ bữa ăn ở nhà hàng sang trọng đến bộ Lego đắt tiền, việc nhà không phải đụng chân đụng tay, khiến đứa trẻ trở nên lười biếng, ích kỷ, thiếu ý thức trách nhiệm. Trong khi đó mẹ hổ - với tính cách áp đặt và kỳ vọng con-phải-thành-đạt, thì bao kín thời gian của con bằng các khóa học kiến thức, kỹ năng, thể thao, năng khiếu - mà ở thành phố cung cấp tận chân răng, khiến đứa trẻ trở nên ngạt thở, stress, không gian cho cá nhân bị bóp nghẹt, tính kết nối cộng đồng không tồn tại - vì nó không còn thời gian.

Khi làm biên tập viên cho cuốn sách Buông tay để con bay của chị Thu Hà (Mẹ Xu Sim), tôi nhận ra đó chính là cuốn sách khuyến khích tinh thần cá heo một cách mạnh mẽ. Từ những tình huống nho nhỏ dễ thương trong nhà mình, tác giả chia sẻ nhiều ý tưởng thú vị, khoa học và đầy nhân văn về việc làm sao để làm bạn cùng con, làm sao để khơi dậy lòng ham học ở con, làm sao để con biết tự phục vụ, làm sao để con có nhiều bạn bè tốt, làm sao để con phát triển thể chất, làm sao để con tự tin vào giá trị của mình…

Để theo tinh thần của “buông” trong cuốn sách này, chính mẹ phải đủ dũng cảm để không bao bọc con quá mức. Mẹ phải giải phóng bản thân, để từ đó khơi dậy ý thức độc lập, tự chủ ở con, và để con được phát triển như chính con là. Tất cả được truyền tải trong một lối viết, lối tiếp cận thân thiện, gần gũi, hài hước, mà đầy xúc động. Dễ hiểu vì sao tác giả lại trở thành một bà mẹ quyền lực trên mạng xã hội được nhiều người theo dõi đến thế.

Nhưng tác giả cũng chân thành lưu ý rằng, buông không hề đơn giản. Tôi rất thấm thía điều này khi nuôi con. Để có được những thứ như ngày xưa tôi cứ tự nhiên mà có, bây giờ, thực sự vất vả. Muốn con làm việc nhà để biết yêu lao động và tự phục vụ bản thân trong khi nhà đã có rất nhiều tiện nghi ư? Bố mẹ phải dày công tạo ra việc nhà. Muốn con chan hòa với thiên nhiên ư? Phải xách con chí ít ra ngoại thành hoặc ra các tỉnh nông thôn miền núi. Muốn con có bạn bè từ trong căn chung cư đóng kín nhà nào biết nhà ấy, phải tìm hiểu bạn bè của con, kết nối với các bậc phụ huynh, sắp xếp thời gian hợp lý để giao lưu. Muốn con phát triển vận động, phải đưa ra công viên, các khu vui chơi ở xa, hoặc các trung tâm thể dục thể thao… Tất cả đều tốn công sức, thời gian và tiền bạc. Đôi khi tôi nghĩ, ngày xưa với bây giờ không chắc lúc nào nghèo hơn lúc nào.

Chưa kể mẹ cá heo còn phải chịu áp lực từ một lực lượng mẹ hổ hùng hậu xung quanh cùng với cái “không khí mẹ hổ” tràn ngập trên truyền thông. Hãy xem những quảng cáo trên tivi, rất nhiều mặt hàng như sữa, bảo hiểm, nhà đất, tiết kiệm ngân hàng… đều khai thác hình ảnh những đứa trẻ hoặc đội mũ cử nhân, hoặc thuyết trình trong tiếng vỗ tay vang dội, hoặc đeo huy chương vàng hay giơ cao cúp vô địch trong niềm hân hoan nghẹn ngào của bố mẹ. Những trung tâm tiếng Anh, các khóa học kỹ năng mềm, các trại hè năng khiếu đưa ra những slogan về sự thành công như thể nếu phụ huynh không cố cho con tham gia sẽ bị tụt hậu ngay lập tức. Tất cả khiến cho mẹ cá heo luôn cảm thấy dường như đang một mình đi ngược chiều gió, một mình đứng bên lề đường nhìn cả thế giới đi qua. Nuôi con, đồng hành cùng con, quan sát nó, nhận biết nó, điều chỉnh nó và chính mình - quả là cả một hành trình lâu dài và luôn đầy áp lực từ xung quanh.

Tôi rất thích tư cách thú vị mà chị Thu Hà thể hiện trong cuốn sách, một người mẹ vừa nuôi con vừa coi hành trình nuôi con là đối tượng để nghiên cứu, quan sát, thử nghiệm. Một người mẹ biết chọn chỗ đứng khiêm tốn, khao khát học hỏi, mẹ dạy con lớn lên nhưng đồng thời không ngừng tự học để lớn lên trong vai trò người mẹ. Nhiều bậc cha mẹ thường có quan niệm “trẻ con thì biết gì”, hoặc “trứng đòi khôn hơn vịt”, điều ấy hàm chứa một sự tự tin quá mức và có lẽ đó là một phần nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ cô đơn ngay trong chính gia đình mình.