Trong nửa cuối thế kỷ 19, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công nhờ du nhập các tiến bộ kỹ thuật phương Tây, bao gồm lĩnh vực kiến trúc xây dựng.

Tại Tokyo đã từng có một tòa nhà hình bát giác cao 225 feet (68,58m) mang tên Ryōunkaku (凌雲閣, Hán Việt: Lăng Vân Các tức tòa lầu cưỡi trên những đám mây). Đó chính là tòa nhà chọc trời (cao ốc) kiểu phương Tây đầu tiên của Nhật Bản, một địa danh nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các hình ảnh quảng bá thương mại và du lịch của quận Asakusa trong suốt 30 năm.

Tòa nhà Ryōunkaku trong tranh cổ động.
Ảnh chụp công viên Asakusa.

Cao ốc được thiết kế bởi kỹ sư William Kinnimond Burton (1856 – 1899) người Scotland1. Năm 1887, ông đến Nhật theo lời mời của chính quyền Minh Trị (1868 – 1911) để giúp đào tạo kỹ sư cấp nước sạch. Tại thời điểm đó, nước Nhật đang phải đối phó với một số loại bệnh dịch nghiêm trọng như dịch tả. Việc bổ nhiệm gây nhiều “bàn tán” bởi ông Burton là người chủ yếu tự học2, không sở hữu nhiều bằng cấp và chứng nhận chuyên môn như các đồng nghiệp. Không rõ ai đã tiến cử ông với Chính phủ Nhật, hay điều gì đã thôi thúc ông rời bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn ở London để tới đây nhận một nhiệm vụ tạm thời. Trong chín năm, Burton đã đào tạo cho Nhật nhiều kỹ sư tài giỏi và được chỉ định làm cố vấn kỹ thuật duy nhất của Cục An toàn Vệ sinh thuộc Bộ Nội vụ, hỗ trợ việc lập kế hoạch và quản lý hệ thống cấp thoát nước của nhiều thành phố, bao gồm Tokyo.

Một góc quận Asakusa (Tokyo), nơi có tòa nhà Ryōunkaku.
Một phần Ryōunkaku sụp đổ sau thảm họa động đất Kantō năm 1923.

Khi vừa đặt chân đến Nhật Bản, Burton còn được giao trọng trách thiết kế một tòa cao ốc mang tính biểu tượng cho những nỗ lực hiện đại hóa của đất nước. Tòa nhà được hoàn tất năm 1890, cao 12 tầng, có khung được làm bằng gỗ – loại vật liệu xây dựng truyền thống mà các nghệ nhân Nhật đã quá quen thuộc, mặt tiền lát toàn gạch đỏ, và tất cả các tầng đều được chiếu sáng bằng điện. Ngoài ra, Ryōunkaku cũng là tòa nhà đầu tiên ở Nhật được trang bị thang máy điện (2 chiếc), mỗi chiếc có thể chở tới 10 người/lần và di chuyển liên tục giữa tầng 1 – tầng 8. Trong đó, 7 tầng đầu tiên là nơi đặt bản doanh của hơn 40 cửa hàng xa xỉ phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Trên tầng 8 có một đại sảnh liền kề căn khán phòng chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc phương Tây, và một gian triển lãm nghệ thuật – trưng bày cả những bức tranh geisha3. Các tầng 10, 11 và 12 đều có đài quan sát mà từ đó bất cứ ai cũng có thể chiêm ngưỡng toàn bộ Tokyo hay thậm chí cả núi Phú Sĩ4 trong những ngày quang đãng.

Năm 1923, thảm họa đại địa chấn vùng Kantō5 đã làm sụp đổ một phần Ryōunkaku. Nhà chức trách sau đó buộc phải tháo dỡ nó trong nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát của Tokyo.

Tính đến hiện tại, Nhật Bản đang có khoảng 270 tòa nhà cao trên 150m, trong đó cao nhất là khu phức hợp Abeno Harukas ở Osaka (300m). Nhưng khác với một số quốc gia châu Á (nơi không hiếm các cao ốc trên 400m), chiều cao trung bình của những tòa nhà như vậy ở Nhật thường thấp hơn do chi phí xây dựng lớn – kết quả từ chính sách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định quản lý xây dựng hết sức nghiêm ngặt đối với những công trình cao hơn 50m.

Chú thích:
1. Trong quá trình du nhập văn minh phương Tây, Nhật Bản đã cử khá nhiều người tới Scotland để học hỏi; khi về nước họ mang theo kỹ nghệ luyện thép, đóng tàu, chế tạo máy, nấu rượu whisky,… Một số thương nhân và chuyên gia kỹ thuật người Scotland sinh sống lâu năm tại Nhật như Thomas Blake Glover (1838 – 1911) hay William K. Burton (1856 – 1899) cũng đã có đóng góp vô cùng quan trọng, giúp đất nước này thiết lập nền móng vững chắc để sau đó phát triển vượt bậc.
2. Theo nhận định của chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 – 1926) trong Tỉnh quốc hồn ca I (1906) và II (1927) thì người Nhật, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông như Việt Nam hay Trung Quốc, nhưng lại chú trọng thực học (biết du nhập cái hay, cái tiến bộ của phương Tây về để canh tân, phát triển xứ sở) hơn là lối học “tầm chương trích cú”, “sôi kinh nấu sử”, học để đi thi lấy bằng cấp, làm quan, “vinh thân phì gia”, … Có lẽ chính vì thế mà chính quyền Minh Trị lại trọng dụng William K. Burton mặc dù ông không sở hữu nhiều bằng cấp hay chứng chỉ.
3. Geisha (藝者 hay nghệ giả) chỉ người nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện với khách, là một loại hình thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản – mang đôi nét tương đồng với ả đào trong văn hóa Việt Nam, sorikkun (kỹ sinh) của Triều Tiên hay nghệ kỹ (藝妓) của Trung Quốc. Đã tồn tại không ít sự hiểu nhầm, nhất là ở bên ngoài Nhật Bản, về bản chất của nghề geisha khi một số người xem đó chỉ như một hình thức mại dâm trá hình. Sự nổi tiếng của tiểu thuyết Hồi ức của một geisha (Memoirs of a Geisha) và bộ phim cùng tên càng làm trầm trọng thêm sự hiểu lầm này. Mặc dù vẫn đang được duy trì và bảo tồn, nhưng số lượng geisha tại Nhật Bản đã sụt giảm nhiều so với thế kỷ 18 và 19.
4. Núi Phú Sĩ (富士山) nằm trên đảo Honshu (本州 tức Bản Châu), là ngọn núi cao nhất Nhật Bản (3.776m trên mực nước biển). Ngoài ra, Phú Sĩ cũng là đỉnh núi nằm trên một hòn đảo cao thứ 2 tại châu Á (sau Kerinci tại Sumatra, Indonesia) và thứ 7 thế giới.
5. Trận động đất xảy ra vào lúc 11 giờ 58 phút 32 giây (giờ Tokyo) ngày 1/9/1923, mạnh 7,9 độ Richter, giết chết 105.385 – 142.800 người (phần lớn do hỏa hoạn), làm bị thương 103.733 người và tàn phá phần lớn vùng Kantō 関東tức Quan Đông).