Nằm giữa giai đoạn của những cao trào khởi nghĩa nông dân do ba anh em Tây Sơn lãnh đạo và thời kỳ chịu sự cai trị của chế độ bảo hộ Đông Dương dưới quyền người Pháp, thời kỳ tự chủ của nhà Nguyễn (1802-1883) luôn được các sử gia, học giả Việt Nam cũng như quốc tế quan tâm và tranh luận.

Dưới thời kỳ của hoàng đế Minh Mạng (1820-1840), đế chế nhà Nguyễn đã đạt đến đỉnh cao của mình, bất chấp những thách thức và khó khăn của nội tại và quốc tế. Thời kỳ của Minh Mạng cũng là giai đoạn diễn ra những chuyển biến quan trọng trong tình hình khu vực và quốc tế, khi phương Tây đang trỗi dậy và phương Đông đang lụi tàn với điển hình là thất bại của “Thiên triều” Mãn Thanh trước các hạm tàu của “những kẻ man di Anh cát lợi.” Thấm nhuần hệ thống giáo dục cổ điển Nho giáo, lớn lên quanh một tầng lớp sĩ phu truyền thống, hoàng đế Minh Mạng đã có những lựa chọn của riêng mình trước biến động thời cuộc. Dấu ấn cá nhân của ông đối với triều đình Huế có lẽ chỉ đứng sau hoàng đế sáng lập Gia Long. Với người Pháp, Minh Mạng dường như là một hình ảnh đối lập với Gia Long. Do đó, Minh Mạng là một trong những chủ đề mà giới học giả phương Tây ngay từ thời kỳ thuộc địa đã quan tâm chú ý.

Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách vừa được phát hành mới đây. Ảnh: TL

Trong số đó có Marcel Gaultier với tác phẩm Minh-Mang (1935), mới đây được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề Vua Minh Mạng (2021). Cuốn sách này là một phần của bộ ba cuốn lịch sử mà Gaultier đã viết về ba hoàng đế triều Nguyễn, mở đầu bằng Gia-Long (1933) và kết thúc bằng Le Roi proscrit: l’Empereur d’An-nam Hàm-Nghi (Nhà vua bị lưu đày: Hoàng đế An Nam Hàm Nghi, 1940).

Dù tác giả có dụng ý gì đi chăng nữa khi viết bộ ba này thì dường như chúng đều là lời biện hộ cho những can dự của người Pháp vào lịch sử Việt Nam. Một Gia Long có tư tưởng thân Pháp và chấp thuận phần nào Kitô giáo với kết quả là việc nhà Nguyễn trung hưng sau cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn. Một Minh Mạng với tư tưởng cổ điển, ngăn cấm Kitô giáo, ngờ vực phương Tây và chấp chứa tham vọng bá quyền Đại Nam đã đẩy triều đại kế tiếp vào sự suy kiệt và dễ bị đe dọa hơn bao giờ hết. Cuối cùng, một Hàm Nghi với tư tưởng chống Pháp đến cùng (dưới sự hậu thuẫn của Tôn Thất Thuyết và giới sĩ phu) đã đẩy triều đình Huế vào sự thất bại hoàn toàn trước người Pháp. Tựu trung, tác giả dường như khẳng định sự thống trị của người Pháp tại Việt Nam là tất yếu, xuất phát từ các chính sách thất bại của Minh Mạng, được nối dài bởi những người kế tục ông cùng các đại thần bảo thủ và đầy toan tính.

Bắt đầu cuốn sách bằng một đám tang và kết thúc cũng bằng một đám tang, tác giả tạo ra một ấn tượng u ám cho những thách thức và bất ổn mà hoàng đế Minh Mạng phải đối mặt trong hai mươi năm cai trị đầy sóng gió của mình. Gaultier đã không đi theo lối viết sử lịch đại truyền thống, với những con số thời gian và sự kiện như những bộ chính sử và thực lục đương thời. Thay vào đó, ngoại trừ việc mở màn và kết thúc triều đại; ông chia tác phẩm của mình theo các lát cắt vấn đề bao gồm chính trị, quân sự, ngoại giao và nổi loạn. Đặc biệt, hai vấn đề trọng tâm mà ông đề cập là mối quan hệ với phương Tây và Kitô giáo; cũng như mối thách thức nội loạn.

Đối với vấn đề quan hệ với phương Tây và Kitô giáo, tác giả chỉ rõ quan điểm của Minh Mạng. Gaultier nhấn mạnh rằng vị hoàng đế này đã lên ngôi trong vị thế của một hoàng tử đơn thuần được uốn nắn trong các điển phạm truyền thống, không có sự dính líu hay liên hệ nào với người Pháp hay linh mục Kitô giáo như dòng dõi của người anh quá cố, thái tử Cảnh. Minh Mạng luôn trong trạng thái ngờ vực người Pháp và phương Tây. Một mặt, ông vẫn tỏ ra hậu đãi hay ít nhất không làm điều gì xúc phạm nặng nề đối với các công thần người Pháp đã giúp cha ông chiến thắng đối thủ Tây Sơn; mặt khác, ông ngần ngại và nghi ngờ rồi tiến đến phản kháng mạnh mẽ các yêu cầu của người Pháp chỉ vì những hậu thuẫn tình nguyện cá nhân khi xưa. Còn đối với Kitô giáo, hoàng đế Minh Mạng là một người chủ trương cấm đạo đến cùng. Kết quả là các cuộc bức hại người theo Kitô giáo đã diễn ra trong khắp cả nước, ngoại trừ tại Gia Định khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt lúc vẫn còn tại thế.

Một điều đáng ngạc nhiên là thay vì cho rằng Minh Mạng là người theo chủ nghĩa bài ngoại kiên định, Gaultier lại đưa ra quan điểm hoàng đế Minh Mạng độ lượng với các Kitô hữu hơn là vua cha, và phản ứng của nhà vua với đạo Kitô là hệ quả không tránh khỏi khi sự mở rộng của Kitô giáo đã đặt hệ tư tưởng truyền thống trong triều đình Huế vào nguy cơ sống còn. Mà kết quả như chính tác giả nhận định, “sẽ sớm khẳng định với khá nhiều bạo lực để rồi gặp một kết cục cận kề và bi thảm.” (tr.76)

Tuy nhiên, hoàng đế Minh Mạng qua ngòi bút của Gaultier không phải là một người bài ngoại đến độ cực đoan. Thay vào đó, dưới thời của mình, Minh Mạng cũng luôn quan tâm chặt chẽ đối với tình hình biến động của khu vực và quốc tế. Chính sách bế quan tỏa cảng dù được áp dụng một cách chặt chẽ đến mức nào đi nữa, thì các đoàn quan thuyền vẫn luôn được nhà vua cử ra nước ngoài nhằm tận dụng tối đa cơ hội thương mại và nắm giữ thông tin. Dù tỏ ra lạnh nhạt và xa rời với các công thần ngoại quốc đã hậu thuẫn cha mình lên ngôi, hoàng đế Minh Mạng vẫn không tỏ thái độ chống đối phương Tây quyết liệt như nhiều người vẫn nghĩ. Phái bộ được cử đi vào năm 1840 dường như theo tác giả sẽ là bước đầu tiên cho những thay đổi của Minh Mạng trong quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, việc hoàng đế băng hà ngay năm đó đã kết thúc những niềm tin rằng chính sách của ông sẽ được bãi bỏ, hay cơ hội cho việc cải thiện quan hệ giữa triều đình Huế và phương Tây đã biến mất.

Thiết nghĩ rằng phần sinh động nhất của cuốn sách là phần tái hiện thời kỳ đầy biến động với các cuộc bạo loạn dưới triều Minh Mạng, mà nghiêm trọng nhất là cuộc binh biến Lê Văn Khôi.

Miền đất Gia Định luôn được xem là căn cứ địa của chế độ nhà Nguyễn, là vùng đất đã góp người góp của cho công cuộc trung hưng của hoàng đế Gia Long và là nơi được xem như một tiểu triều đình dưới thời Tổng trấn Lê Văn Khôi. Tham vọng trong việc tập trung hóa về triều đình Huế, ác cảm của hoàng đế Minh Mạng với công thần-sủng thần hàng đầu của Gia Long và những nghi ngại về quyền lực của người Kitô giáo tại đây đã tạo nên một thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với triều đình Huế cho đến khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858. Bức tranh toàn cảnh chiến trường Gia Định đã được Gaultier tái dựng đến mức gần như tuyệt hảo. Bắt đầu bằng cuộc đột kích bất ngờ của Lê Văn Duyệt với quân Hồi lương vào trong pháo đài kiên cố, cuộc phản công thất bại của tướng Giả Tiến Chiêm cũng như chiến trường lan ra khắp lục tỉnh Gia Định; tác giả đã đưa người đọc qua từng giai đoạn của cuộc binh biến lớn nhất này, cho đến khi quân nổi dậy bị cô lập trong Gia Định và quân đồng minh Xiêm La bị đánh đuổi khỏi phần lớn Chân Lạp. Để cuối cùng, bằng máu với xác người, quân triều đình đã chấm dứt sự kháng cự kéo dài ba năm tại một trong những pháo đài quan trọng nhất của chế độ nhà Nguyễn.

Nhưng các cuộc giao tranh được mô tả sinh động này không thể giấu đi những hiểu lầm và sai sót của tác giả. Đầu tiên phải kể đến việc tác giả lưu ý tướng Giả Tiến Chiêm đã không đợi lệnh từ trung ương mà tiến hành phản công nhằm giành lại Gia Định. (tr.95) Cần lưu ý lúc đó Giả Tiến Chiêm đang giữ vai trò phó lãnh binh Gia Định, có trách nhiệm liên quan đến trị an và binh bị địa hạt khi có nội loạn xảy ra, đồng nghĩa phải đem quân trấn áp thay vì án binh chờ lệnh của triều đình. Tiếp theo, Gaultier viết rằng Giả Tiến Chiêm sau nhiều nỗ lực phản công thất bại, cuối cùng đã bị Thái Công Triều bắt giữ. (tr.96) Sự kiện này hoàn toàn không được ghi nhận trong Đại Nam Thực lục. Thay vào đó, viên tướng này tiếp tục tham gia việc trấn áp cuộc nổi loạn và cuối cùng bị đày đi tiền quân hiệu lực ở Trấn Tây nhằm chuộc tội cho trách nhiệm của ông khi để mất thành Gia Định năm 1833. [1]

Tiếp theo là việc Gaultier cho rằng tổng chỉ huy quân triều đình Nguyễn Văn Trọng đã “nằm chết trong vũng bùn đầy máu của bờ thành” khi tấn công Gia Định, buộc hoàng đế Minh Mạng “rụng rời” ủy thác tướng Nguyễn Xuân thay thế và vực dậy danh dự triều đình. (tr.117) Việc tướng Nguyễn Văn Trọng tử trận đã không được ghi chép lại trong Thực lục, thay vào đó, viên tướng được ghi nhận bị thương này đã tiếp tục thăng tiến trong bộ máy quan lại, tiếp nhận ân thưởng sau khi bình định Gia Định và tham gia vào công cuộc tái thiết Nam Kỳ thời hậu chiến,... [2]

Một vấn đề nữa là Gaultier đánh giá cao vai trò của tướng Nguyễn Văn Trọng hơn hầu hết các tướng lĩnh được cử đến chỉ vì viên tướng này nắm giữ ấn quan phòng Tổng đốc Định-Biên. Tuy nhiên, tướng Trọng chỉ là một trong ba viên tướng đã được Minh Mạng cử đem quân đi trấn áp, và bản thân ông này xuất phát điểm từ chức tham tán đại thần thay vì tướng quân ngay từ đầu. [3] Ông chỉ được điều động lên tướng quân sau khi tướng quân Phan Văn Thúy cáo bệnh và được điều động về hậu phương tĩnh dưỡng.

Một chi tiết khác là việc võ quan Trương Văn Sĩ bị bắt giữ sau khi dẫn đầu một cánh quân cảm tử leo lên mặt thành Gia Định và hạ một viên chỉ huy pháo đài của quân nổi loạn. (tr.116) Thực lục ghi nhận cuộc tấn công thất bại của quân triều đình và việc chỉ có duy nhất Trương Văn Sĩ có công trong việc gia tăng uy thế bằng hành động hạ viên chỉ huy quân nổi loạn, không hề có việc Sĩ bị bắt giữ khi quân triều đình rút lui. Thay vào đó, viên chỉ huy này tiếp tục được ân thưởng và thăng chức trong cuộc chiến.

Mặc dù có nhiều thiếu sót, không thể không kể đến nỗ lực và lòng nhiệt thành của Marcel Gaultier đối với lịch sử Việt Nam thời Nguyễn. Mục tiêu mà Gaultier hướng đến nhằm khai phá và gợi mở các vấn đề của lịch sử Việt Nam với các độc giả Pháp thực dân. Thay vì đổ lỗi hay quy trách nhiệm hoàn toàn cho hoàng đế Minh Mạng vì những sự kiện trong những năm 1820-40, ông có cái nhìn tương đối đồng cảm hơn đối với hoàng đế - mà theo ông là “một người của thế giới cũ trong một xã hội mới”. Và ông cho rằng, chỉ nên đánh giá một nhân vật trong bối cảnh và không gian họ sinh sống, thay vì những nhận xét hão huyền và tưởng tượng phi lý của hậu thế. Đây dường như là một cách tiếp cận cải tiến của tư duy thuộc địa, đề cao vai trò của “giá trị truyền thống” thuộc địa trong đối sánh với văn hóa “chính quốc”.

Marcel Gaultier (1900-1960) dành phần lớn sự nghiệp của mình tại Đông Dương, khi ông được điều động làm viên chức dân sự tại Sở Nội vụ Nam Kỳ ngay từ những năm 1920 và tiếp tục lưu nhiệm cho đến hết Thế chiến II. Không chỉ là tác giả của ba cuốn sách về Gia Long, Minh Mạng và Hàm Nghi; ông còn viết một số tiểu thuyết và hồi ký về đời sống thuộc địa. Nhìn chung, những tác phẩm này có đặc điểm hư cấu hóa, phóng đại và phóng sự hóa nhiều hơn là những nghiên cứu lịch sử chuẩn mực. Cũng như vậy, trong Vua Minh Mạng, sự kết hợp giữa văn chương và dã sử khiến cho cuốn sách không tránh được những khiếm khuyết về mặt tư liệu và góc nhìn lịch sử. Nhưng dù xem nó như một cuốn tiểu thuyết lịch sử hay một công trình nghiên cứu thì nó vẫn chứa đựng nhiều giá trị tham khảo cho độc giả Việt Nam.


(1) ĐNTL, tâp 4, NXB Giáo dục, 2007, tr. 730-31.
(2) ĐNTL, tập 6, NXB Giáo dục, 2007, tr. 344.
(3) ĐNTL, tâp 4, NXB Giáo dục, 2007, tr. 634, 677.