Đến nay, năm sinh và mất của Phùng Hưng còn chưa rõ ràng. Theo các sách chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Phùng Hưng mất năm 791, tức chỉ một thời gian ngắn sau khi đuổi được giặc phương Bắc. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng ông làm vua 7 năm rồi mất.
Còn theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, Phùng Hưng quê ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội ngày nay). Ông sinh năm nào chưa rõ, mất năm Kỷ tỵ (789).
Giết hổ dữ cứu dân làng
Ông tự là Công Phấn, hiệu Đô Quân, là cháu 7 đời của Phùng Tói Cái, người từng vào cung vua Đường Cao Tổ (nhà Đường), dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm.
Bố ông là Phùng Hạp Khanh, người hiền tài đức độ, từng tham gia cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo (722).
Phùng Hạp Khanh có vợ họ Sử, bà sinh một lần được 3 con. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai Phùng Hải và em út Phùng Dĩnh.
So với hai người em, Phùng Hưng là người có tố chất đặc biệt. Ông có sức khỏe, khí phách lẫn trí tuệ. Với tài năng vượt trội của mình, Phùng Hưng đã nối nghiệp cha, trở thành hào trưởng đất Đường Lâm.
Trước khi dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường, Phùng Hưng nổi danh trong vùng nhờ chiến tích tiêu diệt hổ dữ, mang lại bình yên cho xóm làng.
|
Tranh Phùng Hưng đánh hổ. Nguồn: NXB Kim Đồng. |
Bấy giờ, vùng Đường Lâm quê ông xuất hiện con hổ dữ thường xuyên giết người, bắt gia súc. Trước thảm họa của dân làng, Phùng Hưng cùng hai em ngày đêm tìm cách diệt hổ cứu dân lành.
Ban đầu, ông làm hình nộm bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường qua. Trong những lần đầu đi ngang qua, hổ thấy bù nhìn tưởng người nên lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm. Sau nhiều lần như thế, hổ không còn chú ý tới hình nộm nữa.
Một hôm trời chập choạng tối, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Khi hổ xuất hiện, hơi bùn non át hơi người nên nó không nhận ra, cứ bước qua như mọi lần.
Ngay lúc đó, Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt mãnh thú. Sau một hồi vật nhau, con hổ đuối sức. Cùng với sự trợ giúp của hai em trai, Phùng Hưng giết được hổ dữ, trừ họa lớn cho dân làng.
Tiếng tăm của ông ngày một vang xa và đó chính là một trong những yếu tố quan trọng để Phùng Hưng kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành lại non sông gấm vóc cho dân tộc.
Khởi nghĩa chống nhà Đường
Theo Việt sử giai thoại, lúc bấy giờ, triều đình nhà Đường ở Trung Quốc ngày càng suy yếu. Nhân cơ hội đó, bọn cai trị ở An Nam không ngừng tăng cường vơ vét, bóc lột thậm tệ, đời sống nhân dân cơ cực, lầm than.
Căm ghét chính sách thống trị của quan lại nhà Đường, nhân khi quân lính ở Tống Bình nổi loạn, năm 766, Phùng Hưng phát động cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ nhà Đường.
Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng phát động nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân từ khắp các miền đất Giao châu. Ban đầu, ba anh em họ Phùng làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc.
Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng Đô Tổng, chia quân trấn giữ những nơi hiểm yếu. Tướng nhà Đường là Cao Chính Bình đem quân đàn áp nhưng không thể làm gì được. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
Tháng 4 năm 791, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình (Hà Nội). Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, quân địch chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ đến phát bệnh ốm chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước.
Sau khi mất, Phùng Hưng được suy tôn là Bố Cái Đại Vương. Con trai là Phùng An tiếp tục kế tục sự nghiệp của ông, nhưng chỉ duy trì được hai năm thì thất bại, phải đầu hàng giặc. Đất nước ta lại rơi vào ách thống trị của giặc ngoại xâm.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh.
Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên chép rằng Phùng Hưng chính là vị thần đã hiển linh giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938.
Sau khi thắng trận, đích thân Ngô vương đem lễ vật đến tế lễ, sai chỉnh sửa lại ngôi đền thờ Phùng Hưng.
Khi chết, ông được mai táng ở phủ Tống Bình, sau đó mới đưa thi hài về quê hương. Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, Nhà nước ta đã đặt tên phố Phùng Hưng tại phía cửa Đông của thủ đô Hà Nội.