Nhà sử học Chet Van Duzer – thành viên ban điều hành dự án The Lazarus (nghiên cứu hình ảnh đa quang phổ) tại Đại học Rochester (New York) – cho biết: “Hầu hết chữ và ảnh trên tấm bản đồ đều đã bị mờ tới mức không thể đọc được”. Nhưng bằng những hình ảnh công nghệ cao thu được, ông đã phát hiện thấy nhiều chi tiết, thậm chí cả những thứ vụn vặt nhất, để chứng minh rằng tấm bản đồ 527 tuổi này đã không chỉ có ảnh hưởng đến tư tưởng của Columbus, mà còn là nguồn tham khảo quan trọng để Martin Waldseemüller vẽ lên tấm bản đồ huyền thoại (vào năm 1507) gọi vùng đất Tân Thế giới (New World) bằng cái tên America (tức châu Mỹ).
Hoàn thành tác phẩm vào năm 1491, ngay trước chuyến hành trình của Columbus, bậc thầy vẽ bản đồ người Đức Henricus Martellus (sống tại Florence) đã mô tả thế giới theo hiểu biết của người Tây phương thời đó. Mặc dù còn nhiều sai lệch, nhưng tấm bản đồ với kích thước 4 x 6,6 foot (1,2 x 2 m) vẫn hiển thị đúng Châu Phi nằm ở phía trái, bên trên là châu Âu, còn châu Á nằm về phía phải với Nhật Bản thì ở gần góc xa. Tất nhiên, Martellus đã không thể vẽ Bắc và Nam Mỹ bởi hai vùng đất này khi đó còn chưa được biết tới. (Một số ý kiến tranh cãi khác cho rằng người Viking có thể đã tới định cư tại khu vực Canada vào khoảng thế kỷ XI SCN).
Lai lịch của tấm bản đồ – vốn đã quá cũ – cũng không thật sự rõ ràng. Lúc ban đầu, nó được cho là thuộc sở hữu của một gia đình giàu có tại Tuscany (Ý) trong nhiều năm trước khi xuất hiện trở lại ở Bern (Thụy Sĩ) hồi thập niên 1950. Sau này, nó được rao bán và hiến tặng (không đề tên) cho Đại học Yale (năm 1962) – thông tin trong cuốn sách ‘Henricus Martellus’s World Map at Yale (c.1491)’ (Tạm dịch: Tấm bản đồ thế giới của Henricus Martellus tại Yale (c.1491)) của Van Duzer vừa được Springer xuất bản. Tới những năm 1960, chữ viết và hình ảnh trên tấm bản đồ đã trở nên cực kỳ mờ, cho nên các nhà nghiên cứu đã phải cố gắng tìm cách đọc chúng bằng công nghệ chụp hình tia cực tím, từ đó phát hiện ra những thông tin chưa từng được biết tới, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ.
Bị thuyết phục bởi đề nghị của Van Duzer, Quỹ quốc gia National Endowment for Humanities (chuyên tài trợ cho các hoạt động thuộc lĩnh vực nhân văn) đã cấp ngân sách cho ông để làm việc với dự án Lazarus, dành khoảng 10 ngày để chụp ảnh quang phổ trên tấm bản đồ của Martellus tại Thư viện Beinecke (ĐH Yale). “Khi vẽ tấm bản đồ, Martellus đã sử dụng nhiều chất màu, và chúng sẽ phản ứng với ánh sáng theo những cách khác nhau, cho nên chúng tôi đã chụp hình với ánh sáng ở nhiều bước sóng, từ cực tím đến hồng ngoại” - Van Duzer nói.
Các chữ và ảnh mờ trên tấm bản đồ của Martellus - từng có đóng góp quan trọng giúp định hình những hiểu biết của Columbus về địa lý châu Á - ngày nay được giải mã nhờ công nghệ chụp ảnh đa quang phổ. Ảnh: Thư viện sách và bản thảo hiếm Beinecke (ĐH Yale)
Giáo sư Roger Easton tại Trung tâm Khoa học hình ảnh Chester F. Carlson thuộc Viện Công nghệ Rochester (New York) đã ghi lại những góc cạnh nào cho chất lượng hình ảnh tốt nhất sau khi sàng lọc các bức hình chụp bằng các bước sóng khác nhau, tiếp đó ông dựng hình ảnh tổng hợp kỹ thuật số của chúng để hiển thị những chi tiết vốn không thể đọc được trên tấm bản đồ gốc. Van Duzer cho biết toàn bộ quá trình này phải mất đến hàng tháng, nhưng “điều đó thực sự rất thú vị” và hoàn toàn hài lòng khi chứng kiến chất lượng hình ảnh trên bản sao được cải thiện rõ rệt nhờ có tiến bộ công nghệ.
Trên tác phẩm của mình, Martellus đã không vẽ các quái vật biển như nhiều tấm bản đồ khác trong thời Phục hưng. Đó là bởi vì nhiều thợ bản đồ cũng không hẳn đã là những người có kỹ năng vẽ hình minh họa giỏi, mà họ thường phải trả tiền để thuê một nghệ sĩ khác giúp làm việc đó (tức vẽ những con quái vật), khiến chi phí và giá bán bản đồ bị đội lên cao. Hay đôi khi chính cả những người được ủy thác cũng không đủ khả năng - Van Duzer nói.
Sự phong phú của những văn bản chữ Latin trên tấm bản đồ của Martellus sau khi được dựng lại đã giúp Van Duzer hiểu rõ điều gì đã truyền cảm hứng cho tác giả, cũng như những người chịu ảnh hưởng từ ông sau này. Martellus đã sử dụng rất nhiều tri thức trong các cuốn sách được xuất bản vào thời đó, gồm có ‘Hortus Sanitatis’ (xuất bản năm 1491) mô tả các loài động vật xung quanh. Ngoài ra, ông cũng thu thập được những kiến thức từ Công đồng Florence (Council of Florence) nhiệm kỳ 1441 – 43, nơi những người gốc Châu Phi tới để nói về đặc điểm địa lý quê hương họ.
Có lẽ khi đi tìm nguồn cảm hứng cho bản thân, Christopher Columbus đã được xem qua tấm bản đồ này, hay chí ít là một bản sao khác của nó - Van Duzer nhận định. Trong hồi ký của mình, Columbus viết cha ông đã từng nghĩ lãnh thổ Nhật Bản nhất định phải trải dài theo hướng Bắc - Nam, đặc điểm giống với sự mô tả trên tấm bản đồ – sáng tạo độc nhất của Martellus trong thời đó.
Có thể nói, tấm bản đồ trên đã có đóng góp quan trọng giúp định hình những hiểu biết của Columbus về địa lý châu Á. Ngoài ra, nó còn có những ảnh hưởng nhất định khác đến tấm bản đồ của Waldseemüller (năm 1507) khi gọi Tân Thế Giới là America, dựa trên quan niệm sai lầm rằng nhà thám hiểm người Ý Amerigo Vespucci là người đã khám phá vùng đất mới. Sau này, khi nhận ra sai lầm, Waldseemüller mới cố gắng sửa đổi các thông tin song đã quá muộn, bởi cái tên America đã được chấp nhận, trở nên phổ biến và gắn chặt với địa danh này.