Những câu chuyện kinh hoàng về những xác sống cùng những sinh vật dị thường lan truyền trong suốt dòng lịch sử. Thế nhưng nguồn gốc của chúng là từ đâu?

Từ thủơ xa xưa, con người ta đã sống trong nỗi sợ hãi các loài quái vật. Ai mà không kinh hoảng trước những con quái vật ăn thịt người? Hay những kẻ rình rập hút máu ta khi màn đêm buông xuống? Hoặc những thây ma hồi sinh từ nấm mồ? Liệu có lời giải thích nào cho sự tồn tại của chúng?

Bộ dụng cụ tiêu diệt ma cà rồng từ năm 1840, gồm một cây thánh giá, súng, đạn bạc, cọc gỗ, nước thánh và tỏi.
Bản khắc “Les animaux historiques” (1884) của Fournier, khắc họa sinh vật giống người sói tấn công người.

Ma cà rồng chẳng phải sinh vật xa lạ gì, người ta đồn rằng nạn nhân bị ma cà rồng hút máu sẽ biến thành đồng loại với chúng. Những câu chuyện về những kẻ gây ác mộng này đã xuất hiện ít nhất từ thời kỳ đồ đồng. Ví dụ, người Assyria vào những năm 4000 TCN đã sợ hãi edimmu, những linh hồn giống ma cà rồng.

Nỗi sợ ma cà rồng được lưu truyền qua nhiều thế kỷ trong nhiều nền văn hóa, nhưng có lẽ những ma cà rồng nổi tiếng nhất thế giới đến từ châu Âu. Niềm đam mê ma cà rồng bùng lên ở đó vào năm 1725, khi Peter Plogojowitz về tới nhà ở Kisilova, Serbia và đòi đồ ăn từ đứa con trai (một câu chuyện khác kể rằng anh ta đòi vợ phải đưa cho mình một đôi giày). Chuyện sẽ chẳng có gì lạ nếu anh ta không mới chết - và con trai anh ta cũng đã chết, cùng với chín người khác tuyên bố trên giường bệnh là Plogojowitz đã bóp cổ và hút máu họ.
Khi người dân tới đào mộ, xác anh ta chưa hề phân hủy và trên miệng dính đầy máu tươi. Quá kinh hoàng, họ đóng cọc vào tim anh ta. Máu trào ra từ miệng và tai người chết, vì thế họ thiêu xác ra tro để đảm bảo anh ta không thể sống dậy nữa. Tin tức về cái chết, sự sống dậy và chết thêm lần nữa của anh ta đã lan truyền khắp các nước Đức, Pháp và Anh, khiến tất cả mọi người đều sợ hãi.

Ma cà rồng trên khắp thế giới

Transylvania nổi tiếng là quê hương của Dracula, nhưng những kẻ hút máu cư ngụ ở khắp mọi nơi. Nhiều xã hội có những biến thể của riêng họ, từ stregoni benefici ở Ý, ma cà rồng tốt chuyên tấn công các ma cà rồng xấu, đến wili ở Ba Lan - một cô dâu chết sau đám cưới và quay lại giết đàn ông. Sau đây là một số ma cà rồng khác.

Loogaroo (vùng Caribbe)

Theo truyền thuyết địa phương, loogaroo là một phụ nữ đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ. Vào ban ngày bà ta xuất hiện dưới hình dạng già nua. Khi đêm xuống, bà ta trút bỏ bộ da và tiến vào nhà dân để hút máu người. Cách đánh bại quái vật này là phủ muối lên bộ da bà ta lột ra.

Cương thi (Trung Quốc)

Cương thi, hay ma cà rồng nhảy, được cho là xuất hiện khi người chết không được chôn cất đúng cách hoặc là một con mèo nhảy qua xác người chết. Sinh vật này có mắt lồi, đánh hơi được nạn nhân, nhảy từ mộ ra để bắt người. Nó sẽ chết khi gặp ánh sáng mặt trời hoặc thiêu bằng lửa.

Nachzehrer (Đức)

Trong truyện dân gian nước này, nachzehrer là người chết được mặc quần áo có tên mình và đem đi chôn cất. Cái xác sẽ nhai phần vải liệm và linh hồn của nó sẽ lang thang khắp nơi vào ban đêm, hình dáng chuyển thành một con lợn và đi hút kiệt sự sống từ người thân và người khác. Để ngăn chặn sinh vật này, ta cần phải bẻ cổ xác nó và lấy hết vải liệm.

Vetala (Ấn Độ)

Vetala chiếm xác đứa trẻ không được mai táng tử tế. Mặt nó biến dạng như dơi ăn quả, móng tay mọc dài và chứa độc, cơ thể chuyển thành màu xanh lá, nâu hoặc trắng. Để ngăn vetala lẻn vào nhà để hút máu những người đang ngủ hay say rượu, ta phải mai táng xác đứa trẻ tử tế.

Xác sống

Bộ phim Xác sống kinh phí thấp tên Night of the Living Dead của George A. Romero đạo diễn vào năm 1968 thành công một cách đáng ngạc nhiên vì sự hung tàn của nó, và bộ phim này đã tạo nên cơn sốt đối với dòng phim xác sống. Thế nhưng, ý tưởng về xác sống đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước, đáng chú ý là ở Haiti vào thế kỷ 17 và 18.

Trong thời gian đó những người châu Phi bị bóc lột và nô dịch tàn tệ, họ bị buộc làm việc trong các nhà máy đường ở những hòn đảo mà người Pháp chiếm đóng. Những nô lệ tin rằng cái chết đồng nghĩa với tự do và họ được giải thoát về quê nhà sau khi chết. Tuy vậy, nhiều người tin rằng những ai tự sát để được giải thoát nhanh chóng sẽ bị mắc kẹt mãi mãi làm thây ma vô hồn – những xác chết nhờ phép thuật mà sống lại.

Theo tôn giáo voodoo, khi đó có tới 90% người Haiti sử dụng, các thầy phù thủy (bokor) có thể tạo ra và điều khiển thây ma theo nhiều cách khác nhau, bao gồm lấy máu và tóc của nạn nhân, sử dụng búp bê voodoo và tạo ra coup de poudre, một loại bột thần bí chế từ xác người, thảo mộc và các bộ phận của động vật. Khi dùng loại bột này cho nạn nhân, họ dường như chết đi trong vài phút. Ngay sau khi họ được chôn cất, thầy phù thủy đã hồi sinh cơ thể của họ và bắt họ tuân theo mệnh lệnh của mình.

Sau khi nô lệ ở Haiti nổi dậy vào năm 1791, nhiều nô lệ châu Phi chạy trốn tới New Orleans, mang theo việc thực hành voodoo (và niềm tin về thây ma). Vào thế kỷ 19, các vị vua voodoo đã trở thành những nhân vật quyền lực về mặt tinh thần và chính trị, ngày nay họ vẫn là một yếu tố quan trọng trong văn hóa địa phương.

Người sói

Không ai chắc chắn khi nào các truyền thuyết về người sói đầu tiên xuất hiện, nhưng các học giả cho rằng là từ người Sumer cổ đại và Sử thi Gilgamesh, tác phẩm văn xuôi cổ nhất ở châu Âu được biết tới, trong đó Gilgamesh phụ tình một cô nàng vì cô ta đã biến người tình trước thành sói. Người sói cũng xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp với truyền thuyết về Lycaon đã biến thành sói khi anh ta chọc giận thần Zeus.

Tua nhanh tới năm 1764 ở Pháp, khi một con thú cắn xé thiếu nữ Jeanne Boulet 14 tuổi gần làng Saint-Étienne-de-Lugdarès. Cô là một trong hơn 100 nạn nhân tử vong trong vùng này vào giữa những năm 1760, thi thể của họ được phát hiện với phần cổ bị xé toạc và đầu bị cắn đứt. Có những lời đồn lan truyền khắp vùng đồng quê về con quái vật hung hãn đứng thẳng bước đi và không sợ đạn bắn trong khu vực đó. Hàng nghìn người tình nguyện mang súng trường và mồi tẩm độc đi săn lùng con thú, nhưng không ai tìm thấy nó, và những cuộc tấn công dừng lại vào năm 1765. Người ta suy đoán rằng có thể một đàn sói đã thực hiện cuộc giết chóc, hay thậm chí một con sư tử đã xổng khỏi bầy thú xiếc.

Dù thế nào, nỗi kinh sợ người sói đã bắt đầu, và những câu chuyện lan truyền khắp nơi. Mọi người sợ rằng họ có thể trở thành người sói khi uống phải độc dược, bị người sói đó cắn phải, hay thậm chí là do mặc phải chiếc áo hay đeo khăn thắt lưng bị phù phép. Đồng thời, vì đám sói tru lên khi thấy trăng, người ta tin rằng những người bị thụ thai hay nguyền rủa trong đêm trăng tròn sẽ biến thân trong những hôm trăng như vậy.

Bên cạnh chuyện của Jeanne Boulet, câu chuyện về người sói nhiều khả năng xuất phát từ những người bị hiểu sai hay sợ hãi vì các chứng bệnh. Chẳng hạn như người mắc bệnh dại sẽ bị đau đầu khủng khiếp và miệng sùi bọt mép, còn người mắc hội chứng người sói do di truyền thì lông tóc sẽ mọc cực kì rậm rạp trên khắp mặt và cơ thể.

Nguồn: nationalgeographic.com