Tại Manila có một địa điểm rất hấp dẫn du khách. Đó là “cung điện dừa” hay Tahanang Pilipino trong tiếng Philippines – công trình có đến 70% nội và ngoại thất được làm từ dừa.
Đúng như tên gọi, trong quá trình xây dựng Tahanang Pilipino, người ta đã cố gắng tận dụng tối đa mọi thứ từ gốc, thân, vỏ, cho đến hoa và quả của cây dừa: dùng ván lợp gỗ dừa để làm mái nhà, thân cây (khúc gần rễ) làm cột nhà,… Ngoài ra, sàn nhà cũng được làm bằng gỗ dừa, thảm từ sợi dừa và giấy dán tường từ vỏ xơ dừa. Chưa hết, phòng khách lớn bên trong điện còn treo một chiếc đèn chùm khổng lồ – được kết bằng 101 vỏ dừa; và phòng ăn có một chiếc bàn được khảm từ 40.000 mảnh vỏ dừa. Nhìn từ trên cao, toàn bộ dinh thự có hình bát giác (khá giống trái dừa), riêng phần mái nhà thì gợi nhớ đến chiếc mũ salakot truyền thống của người Philippines.
Cung điện dừa tại Manila. Ảnh: Raphael Bick/Flickr.
Tahanang Pilipino thường được giới kiến trúc và xây dựng đánh giá là một biểu tượng sáng tạo độc đáo. Trong văn hóa Philippines, dừa cũng được xem là “loài cây của sự sống”. Tuy nhiên, “cung điện dừa” cũng lại là một công trình mang nhiều tai tiếng. Nó được xây dựng dưới thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos (1917 – 1989) cùng bà vợ nổi tiếng xa hoa của ông – đệ nhất phu nhân Imelda Marcos. Gia đình Marcos được cho là sở hữu khối tài sản lên tới 10 tỷ USD (hoặc hơn) nhờ tham nhũng. Vì quá giàu có, họ đã vung tiền mua nhiều khu bất động sản giá trị tại Mỹ, Philippines,… hàng trăm bức họa đắt tiền của van Gogh, Rembrandt, Rafael, Michelangelo,… cùng vô số vàng bạc, đá quý. Cá nhân bà Imelda còn sở hữu một bộ sưu tập vài ngàn ngàn đôi giày hàng hiệu – hiện được trưng bày trong bảo tàng Marikina ở Manila.
Chính bà Imelda đã nảy ra ý tưởng khác người là xây dựng một khu nghỉ dưỡng sang trọng, với các nguyên liệu hoàn toàn từ cây dừa, để chào mừng Đức Giáo hoàng John Paul II (1920 – 2005) tới thăm Philippines1 năm 1981. Nhưng sau khi biết công trình này tiêu tốn tới 37 triệu peso (10 triệu USD thời đó), trong khi còn rất nhiều người Philippines đang phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực, Đức Giáo hoàng đã từ chối bước vào bên trong tòa nhà. Mặc dù bị Giáo hoàng tẩy chay, nhưng Tahanang Pilipino về sau vẫn có dịp tiếp đón khá nhiều nhân vật nổi tiếng như diễn viên Brooke Shield, George Hamilton,… hay đại tá Muammar Gaddafi (nhà độc tài cai trị Lybia).
Bảo tàng trưng bày hàng ngàn đôi giày của cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos. Ảnh: Ted Aljibe.
Sang thời hậu Marcos, “cung điện dừa” được nhà nước trưng dụng cho thuê làm nơi tổ chức hội nghị, tiệc cưới và văn phòng. Nó cũng đã trải qua vài lần tu bổ. Ngày 11/2/2011, Tahanang Pilipino được bàn giao cho Phó Tổng thống Jejomar Binay theo một hợp đồng thuê lại – được ký với GSIS (Cơ quan Bảo hiểm và Quản lý tài sản công của Chính phủ Philippines), với mức giá hằng tháng khoảng 400.000 Peso (gần 8000 USD theo tỷ giá hiện nay). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công trình thường xuyên được mở cửa để phục vụ du khách theo tour.
“Cung điện dừa” đã nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tại mùa thứ năm của chương trình The Amazing Race, nó được chọn làm điểm dừng chân của các đội tranh tài đến với Manila, nơi những thí sinh được tiếp đón bởi bà Luli Arroyo – con gái cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (1947- ). Ngoài ra, Tahanang Pilipino còn được chọn làm địa điểm ghi hình cho nhiều phân cảnh quan trọng của series phim truyền hình Tanging Yaman do đài ABS-CBN sản xuất, trong đó nó mang tên cung điện Malacañan và là nơi sinh sống của Đệ nhất Gia tộc (First Family).
Ferdinand Emmanuel Edralín Marcos (1917 - 1989) là Tổng thống Philippines từ năm 1965 đến 1986. Trước đó, ông làm luật sư, dân biểu Hạ viện (1949 - 1956), thượng nghị sĩ (1959 - 1965), và thành viên ban lãnh đạo Phong trào Xã hội mới. Sau khi được bầu làm Tổng thống, trong giai đoạn đỉnh cao quyền lực của mình, Marcos đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng bang giao quốc tế - chủ yếu là thắt chặt quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ. Ông cũng đồng ý gửi quân sang Việt Nam theo yêu cầu của người đồng nhiệm Lyndon B. Johnson (1908 - 1973) để đổi lấy viện trợ kinh tế. Tuy nhiên, chế độ thiết quân luật của Marcos (giai đoạn 1972 - 1981) lại chịu rất nhiều tai tiếng vì tham nhũng, độc đoán và gia đình trị. Năm 1986, ông bị lật đổ sau một cuộc biểu tình của dân chúng vì cáo buộc rửa tiền khi gia đình Marcos đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Hoa Kỳ.
Để so sánh, vào đầu thập niên 1960, Philippines có GDP đầu người gần gấp đôi Hàn Quốc. Nhưng trong giai đoạn cầm quyền của nhà độc tài Park Chung Hee (một đồng minh thân thiết của Marcos), Hàn Quốc đã đạt được phát triển vượt bậc. |
1. Do ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha thời thực dân, Philippines là một trong hai quốc gia châu Á, cùng với Đông Timor có tỷ lệ người theo Công giáo La Mã (Catholic) chiếm trên 80% dân số. Philippines hiện là nước có số lượng tín đồ Công giáo lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới, chỉ sau Brazil và Mexico.