Trà đạo là một nghi lễ được hệ thống hóa, bắt nguồn từ tư tưởng Thiền và được thiết kế để cảm nhận từng khoảnh khắc. Nhưng ít người biết rằng, “tiệc trà ngoại giao”, vẫn được sử dụng như một nghi thức ngoại giao ở nhiều quốc gia đã có từ 500 năm trước ở Nhật Bản.

Có trọng tâm là pha trà, phục vụ và uống trà trong một phòng trà chuyên biệt; nhưng trà đạo còn bao gồm các yếu tố kiến trúc, cảnh quan sân vườn, gốm sứ, hội họa, thư pháp, cắm hoa và nấu ăn (có thể phục vụ đồ ăn, tùy thuộc vào các nghi lễ trà đạo). Các bậc thầy về trà cho biết phải mất 10 năm học để có thể thành thạo toàn bộ nghi lễ này.


Xuất phát từ y học và thiền định

Trà đạo có nguồn gốc từ các tu viện Phật giáo Trung Quốc, vốn được sử dụng cho mục đích y học và như một chất kích thích để xua đuổi cơn buồn ngủ trong khi thiền định.

Trong cuộc tiếp xúc văn hóa đầu tiên giữa Nhật Bản với nhà Đường Trung Quốc, Kukai, một nhà sư Nhật Bản nghiên cứu về Phật giáo ở Trung Quốc đã giới thiệu giáo phái Shingon vào Nhật Bản vào năm 806. Ông cũng mang trà xanh đến triều đình Nhật Bản và từ đó, uống trà bắt đầu trở nên phổ biến ở Nhật Bản trong tầng lớp quý tộc cung đình và trong các nghi lễ Phật giáo.

Một bước tiến quan trọng khác trong việc hội nhập trà ở Nhật Bản là vào thế kỷ 12, khi nhà sư Nhật Bản Eisai từ Trung Quốc trở về, mang theo hạt giống để trồng trà và phương pháp làm matcha, một loại trà xanh dạng bột có thể pha thành một thức uống đặc. Eisai cũng đã mang Thiền tông về Nhật Bản. Ông được coi là người sáng lập Rinzai Zen - niềm tin rằng con người có thể đạt được giác ngộ ngay trong quá trình thực hiện các hoạt động thường ngày. Các nhà sư Nhật Bản đã áp dụng niềm tin này vào việc uống trà, chính điều này đã biến hành vi uống trà học từ Trung Quốc thành một nghi lễ đặc trưng của Nhật Bản ngày nay - trà đạo.

Trà và samurai

Trong thời kỳ Muromachi (khoảng 1333-1573), khi sản lượng trà trong nước của Nhật Bản ngày càng tăng, đồ uống này dần trở nên phổ biến trong các tầng lớp chiến binh và thương gia. Họ tổ chức những bữa tiệc xa hoa với những bát matcha, đôi khi có cả rượu sake. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ này, ngoài tính nghi lễ trong tu viện, uống trà còn trở thành những bữa tiệc thịnh soạn, có các hoạt động vui chơi, đọc thơ, đánh bạc và thi đấu. Những người tham gia “cạnh tranh” lẫn nhau bằng cách khoe đồ gốm sứ và dụng cụ uống trà đắt tiền từ Trung Quốc, cùng với các cuộn tranh và tranh vẽ. Các tướng lĩnh nhật Bản thậm chí sẽ cử phái viên đến Trung Quốc để thu thập các vật phẩm đặc biệt cho những dịp vui như vậy.

Năm 1467, đến thời điểm gần hai thế kỷ chiến tranh giữa các lãnh chúa samurai để tranh giành quyền kiểm soát Nhật Bản - thời kỳ “Chiến quốc” (“Sengoku”) thì trà đạo trở thành một nghi lễ nhiều quy tắc hơn. Học giả Nhật Bản Herbert Plutschow đã viết rằng trà đạo, “ngoại giao trà” đã giúp tạo nên sự đồng thuận giữa các đối thủ dựa trên các khái niệm của Thiền về sự hài hòa và tôn trọng. Ông nói: “Nếu không có trà, sự tàn phá của thời Chiến quốc còn tồi tệ hơn nhiều.”

Việc cải tiến và quy tắc hóa nghi lễ trà là sản phẩm của ba bậc thầy về trà, những người đóng vai trò cố vấn cho các tướng quân trong thời kỳ này. Người có vai trò định hình rất quan trọng là Murata Shuko (1423-1502), một thiền sư trở thành thương nhân buôn trà ở Kyoto. Shuko tin rằng việc uống trà không chỉ là giải trí, y học hay phục vụ lễ chùa. Đối với Shuko, việc pha chế và uống trà thể hiện một con đường tâm linh trong cuộc sống, một gu thẩm mỹ theo hướng đơn giản.

Ba học giả định hình trà đạo

Shuko chủ trương đơn giản hóa không gian uống trà, loại bỏ sự lộn xộn khiến người tham gia phân tâm. Thay vì bày trí các bó hoa khác nhau, ông chọn một loại hoa theo mùa, và sắp xếp theo một cách nhất định duy nhất; thay vì các cuộn thư pháp khác nhau, sẽ chỉ có một. Đồ pha trà của Shuko có tông màu dịu hơn, có tông màu đất thay vì màu sáng. Căn phòng chỉ có bốn tấm thảm tatami rưỡi (khoảng 24 mét vuông), tạo ra một không gian mang tính biểu tượng được gọi là “soan cha” - trà trong túp lều tranh. Bầu không khí thanh bình, kỷ luật và trang trọng này đã thu hút được nhiều người đi theo hình thức mới này của nghi lễ trà, đặc biệt là tầng lớp samurai.

Người thứ hai, nhà sư Phật giáo Takeno Joo (1502-1555) đã tiếp tục phát huy tính đơn giản của Thiền trong “trà trong túp lều tranh” của Shuko. Là người đi theo cả thơ ca và trà, Joo là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “wabi” trong việc uống trà, một khái niệm phức tạp nhưng nhìn chung mang ý nghĩa là một vẻ đẹp thuần khiết và mộc mạc. Trong thơ, Joo cảm thấy hình ảnh những chiếc xe tuyết cằn cỗi trên ngọn núi cô đơn còn thơ mộng hơn những bông hoa và hương sắc của mùa xuân. Được định hướng bởi triết lý “wabi”, trà đạo tiếp tục tập trung vào sự đơn giản và khiêm tốn.

Và người thứ ba, Sen no Rikyu (1522-1591), đệ tử của Joo, trở thành người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến trà đạo ngày nay. Những hướng dẫn của Sen no Rikyu về các quy trình và đồ dùng cũng như kiến trúc quán trà và cảnh quan vườn trà trở thành cơ sở cho các trường phái hiện đại về cách thưởng thức trà. Ông đã kết hợp sự đơn giản yên tĩnh của wabi với sự trân trọng dành cho cái cũ kỹ và bạc màu, được gọi là “sabi”. Kết hợp lại, wabi-sabi là một khái niệm được mở rộng sang các loại hình nghệ thuật khác của Nhật Bản, nhưng hiện thân rõ ràng nhất của nó chính là trà đạo.

Rikyu cũng đưa ra những thay đổi căn bản hơn. Ông thiết kế một lối vào thấp vào quán trà, buộc tất cả khách phải cúi đầu để vào như một cách để xóa bỏ sự phân biệt xã hội (các samurai sẽ phải bỏ kiếm ở lối vào). Rikyu tin rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trong quán trà, một ý tưởng mang tính cách mạng trong hệ thống phân cấp thứ bậc của Nhật Bản vào thời điểm đó. Phòng trà do ông thiết kế vào năm 1582 thậm chí còn nhỏ hơn của Shuko, chỉ với hai tấm thảm (hơn 10m2). Không gian này được đặt tên là Taian, và vẫn tồn tại ở ngôi đền Myokian gần Kyoto.

Trà đạo của Rikyu hầu như không thay đổi trong nhiều thế kỷ, cho đến thế kỷ 19, khi cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868 mở rộng thế giới trà đạo cho phụ nữ. Cũng phải đến tận năm 1894, phụ nữ đã được chứng nhận để giảng dạy trà đạo chuyên nghiệp và trở thành những người quan trọng trong việc giữ lửa duy trì nghệ thuật trà đạo. Sau những biến động của Thế chiến Thứ hai, trà đạo đã trở nên phổ biến như một cách để duy trì truyền thống của Nhật Bản. Ngày nay, hầu hết những người dạy và học trà là phụ nữ, mặc dù cũng ngày càng có nhiều nam giới đến các tiệm trà đạo để tìm một lối thoát khỏi những căng thẳng của cuộc sống hằng ngày.

Bài và ảnh: Nationalgeographic