Cột vật tổ là một loại công trình kiến trúc được chạm khắc từ thân của những cây gỗ lớn. Những di tích này thường xuất hiện dọc bờ biển của khu vực Bắc Mỹ. Cột vật tổ mang nhiều tính biểu tượng và người ta sử dụng nó cho nhiều mục đích khác nhau.
Sự phát triển của cột vật tổ
Việc chạm khắc các cột vật tổ (totem) là tập tục phổ biến của một số nhóm thổ dân châu Mỹ, bao gồm bộ tộc Haida, Chinook và Tlingit. Trong suốt thế kỷ 18, những du khách châu Âu đi dọc bờ biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Mỹ đã ghi lại rằng họ từng nhìn thấy các cột vật tổ trong chuyến du lịch của họ, mặc dù chúng rất nhỏ và xuất hiện với số lượng ít ỏi. Tuy nhiên, không có cột vật tổ nào còn sót lại đến ngày nay có niên đại trước thế kỷ 19. Nguyên nhân là do khí hậu của khu vực không thuận lợi cho việc bảo quản các đồ tạo tác bằng gỗ, khiến chúng nhanh chóng bị mục nát.
Các cột vật tổ thường xuất hiện dọc bờ biển của khu vực Bắc Mỹ. Ảnh: Ancient Origins.
Một trong những bước phát triển quan trọng của các cột vật tổ là sự ra đời của công cụ kim loại. Trước đó, cột vật tổ có kích thước nhỏ hơn, gần tương đương với chiều cao của một chiếc gậy chống [của người già] khi đi bộ. Người ta cho rằng các nghệ nhân thời kỳ đầu đã chế tác cột vật tổ bằng tay thông qua những công cụ làm bằng đá, vỏ sò, xương hoặc răng hải ly được mài sắc nhọn.
Việc sử dụng các công cụ kim loại đã cho phép họ tạo ra cột vật tổ lớn hơn nhiều so với trước đây một cách dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết rõ các nhóm thổ dân châu Mỹ lúc đầu mua lại các công cụ kim loại từ những người định cư đến từ châu Âu, hay họ đã thu thập chúng từ những con tàu đắm [của người châu Âu]. Trong mọi trường hợp, việc tiếp xúc với người châu Âu đã giúp thổ dân châu Mỹ sử hữu các công cụ kim loại và tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, việc buôn bán lông thú đã mang lại sự giàu có cho các thổ dân châu Mỹ trong khu vực. Một trong những cách mà số của cải này được sử dụng và phân phối là thông qua các bữa tiệc tặng quà (potlatche). Những nghi lễ potlatche thường gắn liền với việc xây dựng cột vật tổ.
Mục đích chế tạo cột vật tổ
Các cột vật tổ được xây dựng để tượng trưng cho sự giàu có và địa vị xã hội của một nhà lãnh đạo, cũng như quyền lực từ gia đình và dòng tộc của ông ấy. Do đó, các công cụ kim loại và sự gia tăng tài sản của các thổ dân châu Mỹ sống ở ven biển đã dẫn đến việc tạo ra nhiều cột vật tổ hơn, với kích thước lớn hơn, khác hẳn với những gì du khách châu Âu từng quan sát trong thế kỷ 18.
Cột vật tổ cũng có nhiều mục đích sử dụng khác. Ví dụ, một số cột vật tổ được chạm khắc nhằm kỷ niệm cuộc đời của một người quan trọng, trong khi những cột khác đóng vai trò như vật đánh dấu mộ. Cột vật tổ cũng có thể biểu thị những câu chuyện có thật hoặc thần thoại về các gia đình và bộ tộc mà chúng đại diện.
Cột vật tổ đôi khi có tác dụng chào đón hoặc xua đuổi người lạ. Một loại cột vật tổ thú vị khác là “cột xấu hổ”. Chúng được dựng lên để lên án và chế giễu công khai các cá nhân hoặc nhóm người nào đó vì những khoản nợ chưa trả, các cuộc cãi vã và nhiều hành động xấu khác. Ngoài ra, cột vật tổ cũng dùng để kỷ niệm các sự kiện tốt lành như đám cưới.
Những người truyền đạo Cơ đốc giáo trong khu vực Bắc Mỹ ban đầu cho rằng các cột vật tổ là vật dùng để thờ cúng. Tuy nhiên, điều này là không chính xác, bởi vì những người tạo ra cột vật tổ chưa bao giờ dùng nó trong các nghi lễ thờ phụng.
Các đặc điểm thiết kế
Đa số cột vật tổ có chiều cao từ 3 đến 18 mét, một số có thể cao hơn 20 mét. Chúng chủ yếu được làm từ gỗ của cây tuyết tùng đỏ – một loại cây có khả năng chống mục nát, thân thẳng và dễ chạm khắc. Trước khi chặt hạ cây tuyết tùng đỏ để làm cột vật tổ, người ta sẽ thực hiện các nghi lễ nhằm tri ân và bày tỏ lòng tôn kính với cây.
Theo truyền thống, việc chạm khắc cột vật tổ thường do nam giới thực hiện, mặc dù ngày nay cả nam giới và phụ nữ đều trở thành những thợ điêu khắc lành nghề. Họ đã rèn luyện kỹ năng từ khi còn nhỏ nhờ sự dạy bảo và hướng dẫn của người lớn. Các nghệ nhân bóc vỏ và tạo hình thân cây gỗ bằng các dụng cụ như rìu, đục, dao khắc và cưa máy.
Nhìn chung, các cột vật tổ đều có chung một mô-típ thiết kế, đó là hình ảnh mang tính cách điệu của động vật, con người hoặc các thế lực siêu nhiên.
Một số loài động vật thường xuất hiện trên cột vật tổ bao gồm quạ, sói, ếch, đại bàng và cá voi sát thủ. Những động vật này đại diện cho một số đặc điểm nhất định. Ví dụ: con quạ tượng trưng cho sự sáng tạo, sự biến đổi, kiến thức và sự thật; con sói tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên và khả năng săn bắn, lòng trung thành, mối quan hệ gia đình, giao tiếp, giáo dục và trí thông minh; con ếch tượng trưng cho sự giàu có, trí tuệ, tái sinh, may mắn, chữa bệnh, cầu nối giữa thế giới của con người và linh hồn; đại bàng tượng trưng cho sự tập trung, sức mạnh, hòa bình, khả năng lãnh đạo và tình bạn; cá voi sát thủ tượng trưng cho gia đình, tuổi thọ, sự hòa hợp, lãng mạn, cộng đồng và bảo vệ.
Về màu sắc, những người chế tạo cột vật tổ đã dùng các chất màu tự nhiên. Theo truyền thống, các nghệ nhân có một số lựa chọn hạn chế về màu sắc bao gồm đen, đỏ, trắng và xanh lá cây. Trong đó, màu đen thể hiện quyền lực và sức mạnh, màu đỏ (máu, chiến tranh, lòng dũng cảm), màu trắng (sự tinh khiết, hòa bình, chết chóc), màu xanh lá cây (Trái đất, những ngọn đồi, cây cối).
Màu đen là phổ biến nhất. Người ta điều chế nó bằng cách nghiền bồ hóng, than chì hoặc than củi. Màu đỏ thường có nguồn gốc từ đất son đỏ, một loại vật liệu giống như đất sét. Màu xanh lam chủ yếu được làm từ hợp chất đồng sunfua.
Việc lựa chọn màu sắc để trang trí cột vật tổ phụ thuộc vào từng bộ tộc. Do đó, màu sắc cũng như hình dạng của các con vật trên cột có thể mang những ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc từng cộng đồng dân cư.