Động vật săn mồi răng kiếm là một trong những "sản phẩm" động vật có vú thành công nhất của quá trình tiến hóa. Các loài thuộc nhóm này có cơ thể mạnh mẽ hơn hầu hết các loài săn mồi khác, chi trước phát triển tạo ra tốc độ di chuyển nhanh, răng nanh trên dài, góc há mồm lớn tạo ra đòn cắn chính xác.
Động vật săn mồi răng kiếm, khi chúng còn tồn tại, là nỗi khiếp sợ cho các động vật khác, thậm chí là các động vật to lớn như voi ma mút. Một ví dụ điển hình là hổ răng kiếm Smilodon. Mới đây, các nhà cổ sinh học đã phát hiện loài động vật săn mồi răng kiếm xuất hiện sớm nhất từng được biết đến, sống trong những khu rừng ẩm ướt ở khu vực San Diego, California, Mỹ, ngày nay khoảng 42 triệu năm về trước. Phát hiện này cho thấy động vật răng kiếm có thể đã thống trị thế giới động vật lâu hơn nhiều so với hiểu biết trước đây.
Nhà cổ sinh vật học Ashley Poust tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego tình cờ phát hiện một chiếc hàm chưa được xác định khi đang xem xét thư viện hóa thạch của bảo tàng. Hóa thạch này khai quật được từ một công trường xây dựng, giống như nhiều hóa thạch ở miền nam California, và được dán nhãn là có khả năng thuộc về một loài động vật ăn thịt có họ hàng gần với mèo. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, như Poust và các đồng nghiệp báo cáo ngày 15/3 trên tạp chí PeerJ, chiếc hàm này là của một loài động vật có răng nanh dài như dao và đã sống hàng triệu năm trước khi loài mèo xuất hiện.
Mẫu hóa thạch hàm của Diegoaelurus.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loài mới phát hiện là Diegoaelurus vanvalkenburghae, và xác định đây là loài săn mồi răng kiếm có kích thước như linh miêu, thuộc nhóm thú cổ đại machaeroidine. Hóa thạch này hiếm đến mức khó mà hiểu chúng liên quan như thế nào với các loài động vật có vú khác, nhưng có thể chắc chắn đây là một trong số nhóm thú ăn thịt đầu tiên tiến hóa sau khi cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt Kỷ nguyên khủng long.
Sống cách đây khoảng 42 triệu năm, Diegoaelurus là một trong những loài răng kiếm đầu tiên. Việc xác định Diegoaelurus là động vật răng kiếm không chỉ dựa trên răng nanh dài và mảnh, mà còn dựa trên các đặc điểm khác như khả năng cắt của răng hàm, rãnh ở hàm dưới để răng nanh đặt vừa khớp và các đặc điểm thích nghi khác của khoang miệng phục vụ cho việc săn mồi.
Rất khó mô tả Diegoaelurus vì không có loài nào tương tự còn sống đến ngày nay. Có thể bắt đầu từ việc nó "gần giống mèo", Poust nói, nhưng đầu Diegoaelurus không có hình tròn - đặc điểm liên quan đến bộ não lớn - giống như loài mèo, và có khuôn mặt dài hơn.
Hình minh họa Diegoaelurus.
Diegoaelurus thậm chí rất khác so với họ hàng gần nhất đã biết của nó, một loài động vật ăn thịt lớn hơn tên là Apataelurus kayi được phát hiện từ một hóa thạch ở Utah. Động vật răng kiếm vốn thường săn những con mồi lớn hơn chúng, bằng cách cắn vào cổ họng hoặc bụng. Nhưng những loài động vật ăn cỏ phổ biến cách đây 42 triệu năm - chẳng hạn như Brontotheriidae có vẻ ngoài giống tê giác - lại có kích thước cực kỳ lớn. Nếu Diegoaelurus có thể hạ gục một con Brontotheriidae, thì cảnh tượng sẽ giống như một con sói đồng cỏ hạ gục một con tê giác.
Brontotheriidae, động vật ăn cỏ có vẻ ngoài to lớn gần giống tê giác.
Nhưng có vẻ như chính khả năng săn mồi cực kỳ ấn tượng này khiến cho các loài răng kiếm không còn tồn tại đến ngày nay, mặc dù sau Diegoaelurus, nhóm động vật này đã tiến hóa nhiều lần trong suốt 42 triệu năm.
Hình minh họa hổ răng kiếm Smilodon, động vật răng kiếm cuối cùng trong lịch sử.
Smilodon là loài răng kiếm cuối cùng và đã tuyệt chủng khoảng 8.000 năm trước hoặc lâu hơn. “Một khi đã trở thành động vật siêu ăn thịt và có chế độ ăn chỉ dựa trên thịt, rất khó để rút lui và chuyển đổi,” Poust nói. Nếu con mồi biến mất, răng nanh dài và mảnh ít có khả năng tiêu thụ xương hoặc các nguồn thức ăn khác, trong khi những loài ăn thịt có khẩu vị đa dạng hơn có cơ hội sống sót cao hơn.
Nguồn: