Biển cả cuốn giạt vào bờ rất nhiều thứ, từ mẫu hóa thạch, xác cá voi cho đến những con tàu đắm,… Tuy nhiên, không gì quý giá bằng long diên hương.

Trong suốt hàng ngàn năm, đây là thành phần chính của nước hoa. Người Ai Cập cổ đại đốt nó để lấy hương thơm dễ chịu, và người thời nay thì quấn nó trong thuốc lá. Long diên hương cũng được sử dụng để tạo hương vị đặc biệt cho đồ ăn thức uống. Vua Charles II (1630 – 1685) của Anh từng rất thích ăn món trứng tẩm ướp long diên hương. Ngoài ra, nó còn được cho vào cafe tại Thổ Nhĩ Kỳ, hay chocolate nóng – món đồ uống yêu thích của người dân châu Âu thế kỷ XVIII. Thời Trung cổ (thế kỷ V – XV), một số nơi còn dùng long diên hương như một loại dược liệu chữa đau đầu, cảm lạnh, động kinh và nhiều bệnh khác.

Một khối long diên hương. Ảnh: David Liittschwager/National Geographic.

Mặc dù được sử dụng rộng rãi như vậy, nhưng qua nhiều thế kỷ vẫn không ai biết thứ vật chất quý hiếm này thật sự đến từ đâu, ngoại trừ việc nó trôi dạt vào các bãi biển. Người Trung Quốc cổ đại cho đó là nước bọt của rồng (nên mới gọi là long diên hương). Số khác lại tin rằng nó là phân chim hoặc một loại nấm biển nào đó. Một người Anh thì tự tin khẳng định long diên hương đơn giản chỉ là do những tổ ong từ các tảng đá lớn bên bờ biển rớt xuống tạo thành. Mãi đến năm 1724, bác sĩ Zabdiel Boylston (1676 – 1766) ở Boston cuối cùng mới khám phá ra sự thật: long diên hương chính là phân cá voi.

Một cặp mẹ con cá voi. Ảnh: Gabriel Barathieu/Wikimedia.

Cá voi và những loài khác trong họ nhà táng ăn rất nhiều mực ống, mực nang – có phần vỏ cứng với nhiều cạnh sắc nhọn, nên cơ thể chúng thường tiết ra một thứ chất béo bao phủ quanh những thành phần khó tiêu hóa đó để bảo vệ thành ruột và nội tạng khỏi bị tổn thương. Hợp chất này sau đó sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua đường hậu môn – nhà nghiên cứu Hal Whitehead, chuyên về cá nhà táng thuộc Đại học Dalhousie (Canada), cho biết. Ban đầu, khi vừa thoái khỏi ruột cá voi, long diên hương có dạng mềm, nhờn, màu trắng nhạt và mùi nồng nặc; sau đó cả khối nổi lên trên mặt biển, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và ngấm nước muối rồi dần cứng lại, chuyển sang màu đen hoặc xám đen, kết cấu dạng sáp giòn cùng mùi vị hết sức đặc biệt – ở trên biển càng lâu thì càng rõ. Tiến sĩ Vera Thoss từ ĐH. Bangor (xứ Wales) ví von: “Nó cũng giống như bơ để lâu trong tủ lạnh sẽ có mùi của những thứ khác”.

Sau cùng, các khối long diên hương sẽ trôi dạt vào bờ, nơi chúng được thu thập và giao dịch với mức giá “không tưởng”. Năm 2012, một khối nặng 1 pound (0,45 kg) do một cậu bé 8 tuổi người Anh phát hiện đã được mua lại với giá 63.000 USD. Theo Christopher Kemp, tác giả cuốn Floating Gold: A Natural (and Unnatural) History of Ambergris (Tạm dịch: Vàng trôi nổi: Lịch sử tự nhiên (và phi tự nhiên) của long diên hương), chỉ khoảng 1% trong số 350.000 cá thể thuộc họ nhà táng trên thế giới có thể tạo long diên hương. Thay vì chờ đợi long diên hương xuất hiện, không ít người còn chủ động tìm kiếm nó trong xác cá voi. Trong sách, Kemp đã kể câu chuyện về một ngư dân tại Tasmania (Úc) vào năm 1891 – sau khi phát hiện ra một xác cá voi đã khoét lỗ trên cổ của nó để chui vào và ngoáy phần ruột lạnh ngắt hòng tìm kiếm long diên hương trong đó.

Một khối long diên hương nhỏ. Ảnh: Peter Kaminski/Flickr.

Những khối long diên hương thường có trọng lượng từ 15 g cho đến 50 kg. Nhưng một khối từng xuất hiện tại Đông Ấn Hà Lan (Indonesia ngày nay) được ghi nhận là nặng tới 635 kg. Không dễ để xác định đâu là long diên hương thật. Người ta thường dùng cách: chọc cây kim hơ nóng vào khối, nếu đúng là long diên hương thì sẽ chảy ra một chất lỏng với mùi hương khó tả – thứ đã làm mê đắm ngành công nghiệp nước hoa. “Ấn tượng của tôi là nó có mùi nhẹ như sáp, phảng phất sự mơ hồ, ngọt ngào và một chút nồng nặc.” – TS. Saskia Wilson Brown từ Viện Nghiên cứu Nghệ thuật và Khứu giác Mỹ (Institute for Art and Olfaction) hồi tưởng.

Sự khan hiếm và chất lượng không đồng nhất của long diên hương đã dẫn tới nhu cầu tìm kiếm những giải pháp thay thế. Từ thập niên 1940, các nhà hóa học đã tổng hợp được hợp chất ambrox và cetalox để mô phỏng mùi của long diên hương. Năm 2012, một nhóm nghiên cứu tại ĐH British Columbia (Canada) đã xác định được một gene trong cây linh sam (balsam fir) có thể tạo nên mùi rất giống long diên hương. Nhưng không phải ai cũng thích điều này. “Nó giống như việc đang nghe một bản cover của The Beatles thay vì Beatles thật,” Kemp nói.

Trong khi Kemp tin các hãng nước hoa lớn vẫn đang lùng mua long diên hương thật thì Saskia Wilson-Brown lại không đồng tình, đơn giản là vì nguồn cung không ổn định. Tất nhiên đây đó vẫn có những người sở hữu long diên hương với giá “trên trời”, nhưng phần lớn họ đều ẩn danh. “Tôi không biết số phận sau cùng của các khối long diên hương. Chúng có giá trung bình 10.000 USD một pound, và tất nhiên sẽ có những người sẵn sàng chi trả. Nhưng sau đó chúng lại biến mất. Có lẽ chúng vẫn được dùng làm nước hoa, đốt trong các nghi lễ tôn giáo, thậm chỉ để ăn như tại châu Á như một loại thần dược chữa bệnh…”, Kemp nói.

Năm 2021, 35 ngư dân Yemen đã bắt gặp một khối long diên hương nặng khoảng 280 pound (gần 130 kg) ở ngoài khơi, sau đó bán nó cho khách mua từ UAE với giá 1,5 triệu USD và đổi đời. Một trong số những người này đã nói với BBC: “Mùi thực ra không thơm lắm, nhưng giá rất hời”.

Theo Amusing Planet