Khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020, nhiều bệnh viện bắt đầu ghi nhận một số lượng lớn bất thường các bệnh nhân có dấu hiệu điển hình của bệnh cước: trên ngón chân xuất hiện các mảng tím đỏ và gây ngứa.

Điều kỳ lạ là số ca bệnh cước thường tăng khi thời tiết lạnh, trong khi lần này số ca bệnh bắt đầu tăng vào tháng 3, trùng với thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Vì thế, hiện tượng này được gọi là “ngón chân COVID”, và các nhà khoa học đang tìm kiếm nguyên nhân.

Đến nay vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân bệnh cước phát sinh. Một số nhà khoa học cho rằng bệnh này thực chất là một chấn thương do thời tiết lạnh, vì số ca bệnh cước luôn tăng vào mùa đông, và sau đó giảm vào mùa hè. Nhiệt độ thấp có thể làm giảm lưu lượng máu, khiến một số tế bào chết và khởi động quá trình viêm. Các mảng màu tím hoặc đỏ xuất hiện trên ngón chân (và đôi khi ngón tay, tai hoặc mũi) có thể ngứa, mềm và rất đau trong một số trường hợp.

Nghiên cứu mới nhất về "ngón chân COVID", công bố ngày 25/2, trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, là một nghiên cứu sâu về miễn dịch học, kiểm tra 21 người ở Connecticut, Mỹ, có dấu hiệu bệnh cước trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2020, khi COVID-19 bùng phát ở đây. Khoảng một phần ba báo cáo có một số triệu chứng của COVID-19 trước khi gặp tình trạng này, và thêm một phần ba báo cáo đã tiếp xúc với một người được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tìm kháng thể và tế bào T chống lại SARS-CoV-2 - những dấu hiệu cho thấy cơ thể đã từng tiếp xúc với mầm bệnh. Kết quả không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng miễn dịch học nào về việc đã từng nhiễm SARS-CoV-2 ở 19/25 người. Kết quả này bổ sung thêm bằng chứng cho lập luận của một số nhà nghiên cứu rằng "ngón chân COVID" không phải do COVID-19. Ví dụ, nó có thể phát sinh từ việc mọi người thường thường xuyên "ở nhà, không đi giày và tất", do đó dễ bị lạnh chân hơn, theo Jeff Gehlhausen, bác sĩ da liễu và nhà miễn dịch học tại Trường Y Yale ở New Haven, Connecticut, tác giả nghiên cứu mới.

Các nhà nghiên cứu đang tranh luận xem liệu "ngón chân COVID" có thực sự do COVID-19 hay không.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý kết quả này không hoàn toàn loại trừ mối liên hệ trực tiếp giữa COVID-19 và “ngón chân COVID”. Ví dụ, nghiên cứu không loại trừ khả năng những người này từng tiếp xúc với virus, nhưng phản ứng miễn dịch bẩm sinh của họ đã loại bỏ virus rất sớm - đây là hàng rào đầu tiên của hệ miễn dịch và không thúc đẩy cơ thể tạo ra các kháng thể và tế bào T chống lại SARS- CoV-2. Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ da liễu Thierry Passeron tại Đại học Côte d’Azur, Pháp, cho thấy những người phát triển dấu hiệu bệnh cước trong đại dịch cũng là những người có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ. Vì thế rất có thể bệnh nhân "ngón chân COVID" đã loại bỏ virus nhanh chóng, và không tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Passeron vẫn cho rằng hiện tượng "ngón chân COVID" thực sự là do COVID-19.

Điểm khác biệt của nghiên cứu nhóm Gehlhausen so với các nghiên cứu trước đây về "ngón chân COVID" là có xem xét tế bào T, một phản ứng miễn dịch thích ứng quan trọng. Tuy nhiên điểm yếu là cỡ mẫu nhỏ, và do đó không nhất thiết có khả năng khái quát hóa. Trong khi đó các nghiên cứu dịch tễ học trước đây, tuy không xem xét tế bào T, nhưng có cỡ mẫu lớn hơn nhiều đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh cước, hay "ngón chân COVID" và SARS-CoV-2, theo Esther Freeman, giám đốc sức khỏe da liễu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.

Vẫn còn nhiều câu hỏi giữa mối liên hệ giữa COVID-19 và "ngón chân COVID", hay bệnh cước. Ngoài giả thuyết như Gehlhausen đưa ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc các phương tiện truyền thông đưa tin về "ngón chân COVID" khiến cho nhiều người mắc bệnh cước tìm đến phòng khám. Gehlhausen nói rằng các giả thuyết đến nay không loại trừ lẫn nhau. “Có thể tất cả những giả thuyết này đều đúng,” Gehlhausen nói. "Tôi không nghiêng hoàn toàn về một bên nào."

Cuối cùng, đây là vấn đề tranh luận khoa học hấp dẫn, nhưng về mặt lâm sàng, kết quả sẽ không thay đổi cách các bác sĩ da liễu điều trị bệnh nhân có dấu hiệu "ngón chân COVID" hay bệnh cước. Và bất kể bạn có bị nhiễm COVID-19 hay không, bệnh cước thường tự biến mất sau hai hoặc ba tuần.

Nguồn: